Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
TS Lương Hoài Nam: Cấm xe máy là đúng
Theo TS Lương Hoài Nam, Quy hoạch giao thông đường bộ đến năm 2020 – 2030 đã xác định đến năm 2020 Việt Nam có 36 triệu xe máy và 3,5 triệu ôtô. Thế nhưng năm 2016 thì đã có 45 triệu xe máy. Nếu theo mức tăng hiện nay, đến năm 2020 Việt Nam có gần 60 triệu xe. Như vậy Quy hoạch về xe máy ở Việt Nam sẽ bị phá vỡ hoàn toàn.
Do đó, không thể không có những giải pháp mang tính triệt để hơn và việc Hà Nội ra lộ trình cấm xe máy là hoàn toàn đúng hướng.
TS Lương Hoài Nam
"Chữ ‘cấm’ với xe máy là một chữ rất khó nghe, dễ dị ứng. Tôi nghĩ không có một chính quyền nào dại dột hay liều lĩnh tới mức đưa ra một quy định làm cho người dân hết cách đi lại. Nhưng cấm xe máy sẽ đồng nghĩa với việc phát triển mạnh mẽ các phương tiện giao thông công cộng để thay thế", TS Nam nói.
Tuy nhiên TS Nam cho rằng không nên kỳ vọng nhiều vào tàu điện ngầm và tàu điện trên cao (gọi chung là MRT) vì quá tốn tiền và thời gian xây dựng trong khi chỉ phục vụ được vài tuyến trục, không phủ kín đô thị.
"Ví dụ, để có 200-300 km đường MRT như ở Hồng Kông, Singapore, với đơn giá đầu tư của Việt Nam thì sẽ tốn khoảng 25-30 tỷ USD, số tiền đó quá lớn đối nước ta. Vì thế, tôi kiến nghị nên sử dụng xe buýt. Chỉ có xe buýt mới phủ kín được thành phố và đa số các đô thị trên thế giới đều sử dụng phương tiên này.
"Theo tính toán sơ bộ của tôi, Hà Nội và TP. HCM mỗi nơi cần có khoảng 30.000 xe buýt để thay thế hết được xe máy, với tiền đầu tư chỉ khoảng 3 tỷ USD (trong khi 3 tỷ USD chỉ đủ đầu tư 20 km MRT), gồm xe buýt lớn (80-130 khách) chạy trên các phố lớn và xe buýt mini (dưới 30 khách) chạy gom khách từ các phố nhỏ và các ngõ đến các bến xe buýt trên các phố lớn…", TS Nam phân tích.
Dùng xe buýt thay thế xe máy thì TP.HCM và Hà Nội có đủ đường xe buýt chạy không? TS Nam cho rằng đây là sự lo lắng đi quá xa.
"TP.HCM hiện nay có hơn 500.000 ôtô, với 3.750km đường thì bình quân 1km đường gánh 148 chiếc ôtô. Còn 1km đường ở Singapore gánh 237 chiếc ôtô và 1km đường ở Hong Kong gánh 333 chiếc ôtô.
Như vậy, lượng ôtô ở Hà Nội và cả TP.HCM đang rất thấp so với mật độ ôtô ở Hong Kong hay Singapore. Nếu chúng ta bỏ vào TP.HCM 30.000 chiếc xe buýt thì lượng ôtô bình quân trên 1km đường chỉ tăng thêm cỡ 10 xe, tức là 158 ôtô/km, cũng chưa là gì so với Singapore hay Hong Kong".
Tất nhiên, TS Nam cũng cho rằng có hàng loạt vấn đề phải giải quyết khi cấm xe máy như phát triển giao thông công cộng, phát triển hạ tầng đường sá, chuyển đổi nghề nghiệp, mua lại xe máy cũ, có chính sách đối với ôtô cá nhân... Nhưng quan trọng nhất là sự quyết tâm của chính quyền, nếu còn cả nể quá thì đâu lại vào đó.
TS Huỳnh Thế Du: Hãy bỏ tư duy "không quản được thì cấm"
Trái ngược với quan điểm của TS Lương Hoài Nam, TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright cho rằng xe máy là một phần quan trọng trong giao thông và đời sống kinh tế ở Hà Nội và TP.HCM. Trước mắt, không thể hô cấm là cấm được mà cần phải có cách thức làm cho người dân thay đổi hành vi và thói quen sinh hoạt.
"Việc cấm hay không cấm phải phụ thuộc vào cấu hình đô thị. Cấu trúc đô thị hiện tại của chúng ta tiện nhất là đi xe máy nên người dân chọn đi xe máy thôi", TS Du nói.
TS Huỳnh Thế Du
Nhận xét về đề xuất hạn chế tiến tới cấm hoàn toàn xe máy, TS Du cảnh báo "coi chừng lợi bất cập hại". Bởi việc cấm xe máy có thể kích thích nhu cầu mua và sử dụng ô tô nhiều hơn nữa, mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng cả Hà Nội và TP.HCM tắc nghẽn ngày một nghiêm trọng hơn là do lượng ôtô tăng quá nhanh.
"Do vậy, điều đáng lo ngại nhất của giao thông Hà Nội hiện tại chính là người ta chuyển từ xe máy sang đi ôtô. Ý tưởng cấm xe máy được đưa ra rất có thể sẽ làm tốc độ mua xe ôtô tăng cao hơn nữa do viễn cảnh nếu không có ôtô thì lấy gì mà đi.
"Cấm xe máy nếu không có ôtô, trong khi phương tiện công cộng chưa thể đáp ứng người dân sẽ gặp khó.
"Tôi không biết những người đưa ra ý tưởng đã tính đến vấn đề chuyển sang sản phẩm thay thế mà nó còn gây ra tác động khủng khiếp hơn chưa? Giải pháp là phải chặn nguyên nhân gây ra rắc rối chứ sao lại làm cho nó trầm trọng hơn!
"Và như vậy, Hà Nội sớm có nguy cơ trở thành bãi đậu xe khổng lồ. Mà đáng lẽ ra không có ý tưởng cấm xe máy thì tiến trình này sẽ diễn ra chậm hơn", TS Du phân tích.
Theo TS Du, việc cần thiết hiện nay là phải giảm nhịp độ xe cá nhân xuống. Một trong những biện pháp tốt nhất là thu phí ôtô và xe máy theo diện tích chiếm đường.
Song song với đó, Hà Nội cần phải tập trung nguồn lực tối đa vào việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, trong đó cốt lõi là các loại hình vận tải công suất lớn cùng với đó là tiến trình tái phát triển đô thị.
Hiện tại, TS Du nói, các giải pháp giao thông thay thế của Hà Nội rất sơ sài và thường xuyên chậm tiến độ. "Nếu như cứ tiếp tục thực hiện các dự án giao thông công cộng với tốc độ như bây giờ thì người dân sẽ không biết đi bằng gì khi cấm xe máy".
Còn hiện tại "Hãy cứ để nó tự nhiên, khi phát triển đến một trình độ nhất định thì họ sẽ từ bỏ xe máy. Hãy bỏ tư duy "không quản được thì cấm", TS Du kết luận.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.