Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/4): VCB, TLG và PVT

(VNF) - VDSC duy trì quan điểm tích cực về dư địa dự phòng và lợi thế huy động của VCB. Trong bối cảnh bất ổn gia tăng, VDSC cho rằng VCB sẽ là ngân hàng cuối cùng bị tổn thương nhờ bộ đệm dự phòng hàng đầu và bảng cân đối lành mạnh.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/4): VCB, TLG và PVT

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/4): VCB, TLG và PVT

VCB: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 107.000 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) là một trong số ít nhà băng duy trì được đà tăng trưởng đến quý cuối cùng của năm. Tăng trưởng lợi nhuận quý và năm đều được thúc đẩy bởi thu nhập lãi (tăng 25,6% so với cùng kỳ) và chi phí tín dụng (giảm 19,5% so với cùng kỳ).

Trên cơ sở quý, tăng trưởng tín dụng đạt 1,5% cùng biên NIM tăng 10 điểm cơ bản, dẫn đến thu nhập lãi tăng ở mức một con số 8% so với quý trước. Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi tăng 26% nhờ tài trợ thương mại và kinh doanh ngoại hối. Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động chứng kiến mức tăng trưởng khiêm tốn 12%, nhưng chi phí dự phòng giảm 40% đã thúc đẩy lợi nhuận (tăng 64% so với quý trước).

Năm 2022, VCB ghi nhận kết quả kinh doanh 68,1 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ), trong đó thu nhập lãi và thu nhập phí lần lượt đạt 53,2 nghìn tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ) và 6,8 nghìn tỷ (giảm 7,7% so với cùng kỳ).

Thu nhập lãi đạt tỷ trọng cao nhất trong 5 năm nhờ tăng trưởng tín dụng cao và NIM mở rộng. Chiến dịch thanh toán không mất phí đã kéo giảm thu nhập ngoài lãi 8% so với cùng kỳ. Phương pháp thận trọng trong việc xây dựng bộ đệm dự phòng tốt nhất ngành đã hái quả ngọt vào năm 2022, một lượng lớn hoàn nhập dự phòng đã giúp giảm bớt chi phí tín dụng. Tổng thể, lợi nhuận trước thuế đạt 37,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2022 (tăng 36,5% so với cùng kỳ).

Sang năm 2023, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo điều kiện vĩ mô khó khăn hơn, VCB sẽ chú trọng kiểm soát rủi ro hơn là mở rộng. VDSC dự báo tăng trưởng tín dụng ở mức 13,5% trong khi NIM dự kiến sẽ không đổi. Về mặt huy động vốn, CASA sẽ giảm nhẹ so với năm 2022 và tăng trưởng huy động khoảng 11%. Do đó, thu nhập lãi thuần dự kiến đạt 61 nghìn tỷ đồng (14% so với cùng kỳ) vào năm 2023.

Thu nhập phí sẽ được hỗ trợ bởi mảng tài trợ thương mại để tăng trưởng 18% vào năm 2023. Tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng khoảng 13% so với cùng kỳ trong năm nay. Bộ đệm dự phòng dày sẽ đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn khó khăn năm 2023. Nhìn chung, VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 44,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2022.

Mặc dù thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang dần được tháo gỡ một số điểm nghẽn nhằm giảm căng thẳng cho hệ thống ngân hàng, nhưng VDSC vẫn cho rằng vĩ mô vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong năm 2023. Trong những cơn gió ngược đó, VDSC kỳ vọng VCB có thể vượt qua cơn bão trong bối cảnh tương đối bất ổn này và duy trì tăng trưởng lợi nhuận bền vững.

Trong trung hạn, Thông tư 26 có xu hướng mang lại lợi ích cho các ngân hàng quốc doanh về mặt huy động, đây cũng là chất xúc tác ngắn hạn. Ngoài ra, đợt phát hành riêng lẻ được thực hiện vào năm 2024, trong đó CAR dự kiến tăng khoảng 200 đến 250 điểm cơ bản, sẽ là bệ phóng giúp VCB duy trì tăng trưởng thu nhập trong tương lai.

VDSC duy trì quan điểm tích cực về dư địa dự phòng của VCB và lợi thế huy động. Trong bối cảnh bất ổn gia tăng, VDSC cho rằng VCB sẽ là ngân hàng cuối cùng bị tổn thương nhờ bộ đệm dự phòng hàng đầu và bảng cân đối lành mạnh.

Cùng với đà tăng của thu nhập lãi thuần và ngoài lãi, VCB sẽ tăng trưởng bền vững trong trung hạn. Do đó, VDSC điều chỉnh giá mục tiêu lên 107.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng PBR năm 2023 là 3 lần. Điều này tương đương với khuyến nghị mua với mức tăng 22% so với giá đóng cửa ngày 12/4/2023.

TLG: VCSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 55.400 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) giảm 4% dự báo tổng doanh số bán hàng giai đoạn 2022-2025 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG). Theo TLG, thị trường văn phòng phẩm đang bước vào giai đoạn cao cấp hóa với bút mực và bút bi cao cấp trong mức giá từ 1-2 USD/chiếc chiếm thị phần từ các sản phẩm rẻ hơn.

Trong phân khúc này, thương hiệu TLG hiện được coi là kém cao cấp hơn so với các thương hiệu nước ngoài đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Đức. Do môi trường cạnh tranh hơn, VCSC hạ dự báo doanh số bán hàng cho các dòng sản phẩm chính - bút viết, dụng cụ văn phòng và dụng cụ học tập - xuống khoảng 10%/năm so với tỷ lệ 15% trung bình trước đó.

Tuy nhiên, VCSC tăng dự báo giá bán trung bình giai đoạn 2023-2025 lên 6%. VCSC tin rằng TLG sẽ chuẩn bị tốt cho các sản phẩm bút viết và thâm nhập sâu hơn vào thị trường có biên lợi nhuận cao là dụng cụ mỹ thuật nhờ các kế hoạch marketing khác nhau được thảo luận bên dưới.

Theo TLG, giá bán trung bình cho 1 tỷ sản phẩm bán ra hàng năm của công ty vẫn ở mức thấp khoảng 0,15 USD/sản phẩm. Do đó, VCSC kỳ vọng giá bán trung bình (ASP) chung của TLG sẽ tăng trưởng khoảng 5% và biên lợi nhuận gộp của TLG sẽ duy trì trên 40% trong giai đoạn 2023-2025, cao hơn mức trước Covid-19. Tuy nhiên, VCSC kỳ vọng ASP sẽ cải thiện không đáng kể trong năm 2023 do VCSC thận trọng trước nhu cầu từ thị trường trong nước trong ngắn hạn.

Chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp (SG&A) trên doanh thu duy trì ở mức 30% do các kế hoạch marketing mới. Ban lãnh đạo TLG có kế hoạch tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho hoạt động marketing so với trước năm 2022. Trong năm 2022, TLG đã triển khai các hoạt động khuyến mãi và quảng cáo lớn để hỗ trợ bán hàng trước mùa tựu trường và tận dụng nhu cầu bị dồn nén do các đợt phong tỏa vào năm 2021.

Hiện tại, TLG đang tuyển dụng nhân viên kinh doanh, triển khai thương hiệu theo tiêu chuẩn mới và hiện đại hóa các cửa hàng của nhà phân phối, đồng thời giới thiệu chuỗi bán lẻ văn phòng phẩm “Clever Box”. Những kế hoạch này nhằm mục đích cải thiện cơ cấu sản phẩm và thương hiệu TLG. VCSC cho rằng TLG sẽ không để Clever Box trở thành gánh nặng tài chính.

VCSC điều chỉnh khuyến nghị đối với TLG từ mua còn khả quan và giảm giá mục tiêu 4%. Giá mục tiêu giảm do giảm dự báo lợi nhuận ròng giai đoạn 2023-2025 ở mức 17%, bù đắp một phần bởi việc cập nhật giá mục tiêu từ cuối 2023 đến giữa 2024. VCSC giảm dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2023-2025 chủ yếu do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) liên quan đến marketing và bán hàng cao hơn.

VCSC dự báo tỷ lệ chi phí SG&A/doanh thu sẽ duy trì ở mức 30% (mức của năm 2022) trong giai đoạn 2023-2025. Chi phí dự kiến cao hơn được bù đắp một phần bởi mức tăng 2% trong dự báo doanh thu 2023-2025. VCSC dự báo doanh thu sẽ tăng 9% vào năm 2023, thấp hơn mức 32% vào năm 2022 và mức tăng trưởng khoảng 15% trước dịch. Dự báo tương ứng lợi nhuận sau thuế cốt lõi năm 2023 tăng trưởng 8%

VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2022-2025 đạt 14%, nhờ vị thế dẫn đầu thị trường của công ty nhờ danh mục sản phẩm đa dạng và mạng lưới phân phối rộng khắp, tăng cường nỗ lực xây dựng thương hiệu và cao cấp hóa sản phẩm và tăng cường thâm nhập thị trường xuất khẩu.

Giá mục tiêu của VCSC cho TLG là 55.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E năm 2023 và năm 2024 là 11,8 và 9,9 lần so với P/E trượt trung bình 10 năm là 11,8 lần.

PVT: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 23.200 đồng/cổ phiếu

Kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT) được đặt ở mức 6,8 nghìn tỷ đồng (thấp hơn 25% so với kết quả thực tế năm 2022), trong khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đặt ở mức 680 tỷ đồng (thấp hơn 53% so với kết quả thực tế năm 2022).

Do công ty thường đặt kế hoạch thận trọng, nên Công ty Chứng khoán SSI cho rằng nhà đầu tư không nên coi kế hoạch này là định hướng cho lợi nhuận thực tế của PVT trong năm. Và năm 2023 cũng có thể lặp lại điều tương tự.

ĐHCĐ thường niên năm 2023 của PVT thông qua phương án cổ tức dự kiến là 10% bằng cổ phiếu và 3% bằng tiền mặt trên mệnh giá. Mức này thấp hơn một chút so với chính sách cổ tức 15% thông thường của công ty (bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt). PVT lên kế hoạch đầu tư 165 triệu USD vào các tàu mới, được tài trợ bởi 30% vốn chủ sở hữu và 70% nợ vay.

Ban lãnh đạo PVT đưa ra dự báo kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 278 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ). Kế hoạch này sát với mức ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cốt lõi của SSI là tăng 15% so với cùng kỳ trong năm 2023

Đầu tiên, về vấn đề chi phí vốn đầu tư, công ty đặt kế hoạch rất cao là 165 triệu USD (vốn đầu tư năm 2021 và 2022 lần lượt là 82 triệu USD và 75 triệu USD). SSI cho rằng số tiền đầu tư thực tế trong năm 2023 có thể sẽ còn thấp hơn số tiền đầu tư cho năm 2021 và 2022.

Điều này là do giá tàu đã tăng 50-100% so với mức trước đó do giá tàu chở dầu cao hơn, khiến việc đầu tư vào các tàu có giá cao này rất rủi ro và không hiệu quả. Thông thường, PVT ưu tiên đầu tư vào các tàu giá thấp để đảm bảo lợi thế về chi phí (cả về chi phí hoạt động và chi phí đầu tư) so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế.

Thứ hai, do tỷ lệ sở hữu nhà nước ở PVT, ban lãnh đạo lựa chọn quan điểm rất thận trọng trong thị trường tàu chở dầu đang trong chu kỳ tăng, bằng cách tăng chi phí dự phòng và chi phí khấu hao (thông qua việc giảm thời gian khấu hao tài sản), để đảm bảo đủ nguồn lực trong kịch bản ngành đang trong xu hướng giảm. Điều này thông thường sẽ làm dòng lợi nhuận của PVT ổn định trong suốt chu kỳ của ngành vận tải biển, vốn là một trong những ngành có nhiều biến động nhất.

SSI ước tính doanh thu năm 2023 của PVT đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (giảm 2,5% so với cùng kỳ). SSI duy trì khuyế nghị khả quan, với giá mục tiêu 1 năm là 23.200 đồng/cổ phiếu. Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh quý I/2023 có thể là yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu, nếu kết quả thực tế tích cực hơn so với số liệu sơ bộ.

Tin mới lên