(VNF) - Trong vòng 1 tháng trở lại đây, thị giá của 12 mã cổ phiếu ngành bảo hiểm đang niêm yết trên sàn chứng khoán đều có mức tăng trưởng tích cực từ 12,8% đến 77%.
Toàn bộ 12 mã cổ phiếu của các công ty bảo hiểm đang niêm yết trên sàn chứng khoán đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số trong vòng 1 tháng trở lại đây. Trong đó, một số mã có mức tăng trưởng trên 20% có thể kể đến như MIG của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (29%), BIC của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (21,4%), BMI của Tổng công ty Bảo Minh (23,4%), BLI của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Long (34,4%), VNR của Tổng công ty Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (77%),…
Riêng trong phiên 22/9, toàn bộ cổ phiếu ngành bảo hiểm đều tăng vài phần trăm, trong đó riêng PVI tăng kịch trần 10% trên sàn HNX, lên mức giá 48.000 đồng/cổ phiếu; AIC và BLI cũng tăng mạnh lần lượt ở mức 10,3% và 12,8% trên sàn UPCoM.
Nhìn về giai đoạn 3 tháng trở lại đây, ngoại trừ BVH giảm 1,67% và AIC tăng 6,4% thì thị giá các cổ phiếu còn lại trong ngành bảo hiểm đều tăng trưởng hai chữ số, từ hơn 10% đến hơn 56%.
Đâu là nguyên nhân giúp cổ phiếu ngành bảo hiểm "dậy sóng" trong thời gian qua?
Đầu tiên phải kể đến định giá thấp. Theo đánh giá của FiinGroup, cổ phiếu ngành bảo hiểm đang ở mức định giá rất thấp so với lịch sử, cụ thể là hệ số P/B ở mức 1,7 lần, thấp hơn rất nhiều so với nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán trong cùng ngành tài chính, trong đó nguyên nhân chính là do môi trường lãi suất thấp làm ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư trái phiếu Chính phủ và lãi tiền gửi tiết kiệm.
“Khác với cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán trong ngành tài chính, mặt bằng lãi suất thấp là lợi thế cho mô hình của ngân hàng và công ty chứng khoán nhưng lại là yếu tố làm cho lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính và tiền gửi kém đi. Hơn nữa, với sự thiếu vắng giao dịch của cổ đông nội bộ đã làm cho cổ phiếu bảo hiểm kém sôi động và lý giải cho sự chiết khấu định giá ở mức thấp”, FiinGroup nhận định.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất thời gian qua đã thiết lập vùng "đáy" và nhiều khả năng sẽ đảo chiều đi lên khi nhu cầu tín dụng tăng cao khi nền kinh tế dần phục hồi. Trên thế giới, các quốc gia cũng đã tính đến việc tăng lãi suất để giảm thiểu rủi ro tài chính, thậm chí Hàn Quốc đã thực hiện tăng lãi suất cơ bản.
Nguyên nhân thứ hai hỗ trợ cổ phiếu ngành ngân hàng là việc phụ lục Nghị định 31/2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây quy định không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) đối với lĩnh vực bảo hiểm. Như vậy, các công ty bảo hiểm có thể “rộng cửa” đón thêm cổ đông ngoại mới cùng tham gia vào hoạt động kinh doanh.
Được biết, một trong những công ty bảo hiểm gặp khó khăn vì việc room ngoại bị hạn chế là Tổng công ty Bảo Minh (BMI). Công ty này đã nhiều lần có văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền, xin nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định rằng với đề nghị của Bảo Minh thì Bộ Tài chính đang thận trọng và trì hoãn việc đưa ra quyết định vì vấn đề phân loại ngành bảo hiểm là lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện hay là ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường. Đồng thời cho rằng vấn đề của Bảo Minh đã được giải quyết khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành phụ lục Nghị định 31/2021.
Thứ ba, khung pháp lý mới góp phần nâng cao triển vọng dài hạn của ngành bảo hiểm.
Được biết, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, dự kiến có hiệu lực từ năm 2023.
Nhiều công ty chứng khoán như SSI, KIS Việt Nam, Chứng khoán Rồng Việt đều đánh giá tích cực về việc Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi dự kiến được ban hành và cho rằng những thay đổi trong khung pháp lý mới sẽ là nền tảng vững chắc, là một bước tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm.
Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định lại về danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm, bổ sung các điều khoản mới giúp chuẩn hóa định chế về hợp đồng bảo hiểm; tôn trọng quyền tự thỏa thuận và giảm thiểu các tranh chấp; đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về công bố thông tin;…
Theo đó, về danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm, dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã thay đổi “danh mục đầu tư được cho phép” thành “danh sách các lĩnh vực không được phép đầu tư”.
Ở Luật Kinh doanh Bảo hiểm hiện hành, danh mục đầu tư được cho phép bao gồm trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào các doanh nghiệp (giới hạn tối đa từ 20-35% vốn nhàn rỗi), kinh doanh bất động sản (giới hạn tối đa từ 10-20% vốn nhàn rỗi).
Còn ở danh mục giới hạn tại dự thảo, các hạng mục bị giới hạn bao gồm vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản, góp vốn vào doanh nghiệp; đầu tư bất động sản (trừ trường hợp làm trụ sở kinh doanh/cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết/xử lý trái phiếu đảm bảo bằng bất động sản); cho vay; đầu tư vào kim loại quý, quỹ thành viên; đầu tư vào tài sản vô hình; đầu tư chứng khoán phái sinh (trừ mục đích phòng ngừa rủi ro).
Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, điểm tích cực trong sự thay đổi này là các công ty bảo hiểm sẽ không bị giới hạn tỷ trọng tối đa cho từng hoạt động đầu tư, sẽ có nhiều cơ hội để tối đa hóa việc sinh lời tùy theo tình hình thị trường. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là đầu tư bất động sản không còn ở trong danh mục được phép đầu tư của các công ty bảo hiểm thay vì giới hạn vốn đầu tư như trước.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone