Công bố Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2030
Thùy Linh -
27/03/2018 19:34 (GMT+7)
Chiều 27/3, Sở Công Thương Hà Nội đã công bố Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Theo đó, thành phố quy hoạch 159 cụm công nghiệp, tổng diện tích khoảng 3.204,31ha.
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội có 138 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 2.622,91ha (giữ nguyên, điều chỉnh, mở rộng, hoàn thiện 64 cụm công nghiệp; cho tồn tại nhưng hạn chế phát triển 22 cụm công nghiệp; thành lập mới 52 cụm công nghiệp).
Giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, thành phố mở rộng 5 cụm công nghiệp, xây mới 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 536ha.
Theo quy hoạch, phía bắc gồm các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm...
Phía nam gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Phía tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn) ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học, hóa dược - mỹ phẩm, công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, nano, năng lượng mới...
Việc quy hoạch các phân khu chức năng được thực hiện theo các điều kiện cụ thể của từng cụm theo phương châm tiết kiệm quỹ đất, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng hiện hành; khuyến cáo triển khai với các chỉ tiêu định hướng sau: đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp: 65% - 70%; đất xây dụng các công trình kỹ thuật: 0,5% - 1%; đất xây dựng trung tâm quản lý điều hành: 0,5 - 1%; đất xây dựng các công trình giao thông: 10% - 12%; đất dịch vụ hỗ trợ và cây xanh: 18% - 21%.
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 49.425 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 khoảng 34.900 tỷ đồng và giai đoạn từ năm 2021 - 2030 khoảng 14.525 tỷ đồng.
Khi các cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang rất cần mặt bằng để phát triển sản xuất, không phải mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận hoặc bó hẹp sản xuất trong khuôn khổ hiện tại.
Bên cạnh đó, căn cứ vào quy định của Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ và các quy định hiện hành khác của Trung ương, thành phố sẽ xem xét ban hành nhiều chính sách thiết thực để thu hút các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp, cơ sở đang sản xuất kinh doanh trong làng nghề vào trong cụm công nghiệp.
Việc hình thành các cụm công nghiệp làng nghề sẽ giải phóng sức sản xuất cho làng nghề Hà Nội hiện nay, để các làng nghề phát triển bền vững trong xu thế hội nhập, khắc phục ô nhiễm môi trường, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, giải quyết những bất cập trong quá trình đô thị hóa hiện nay.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone