Cuộc bầu cử căng thẳng ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào?

Hương Giang - 06/11/2020 08:26 (GMT+7)

Nước Mỹ vẫn chưa xác định được Tổng thống Donald Trump hay cựu Phó tổng thống Joe Biden giành chiến thắng, và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục đối mặt nhiều bất ổn.

VNF
Cuộc bầu cử căng thẳng ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào?

Theo Washington Post, với việc cuộc đua vào Nhà Trắng chưa ngã ngũ, sự mù mờ sẽ bao trùm nền kinh tế Mỹ trong phần còn lại của năm nay. Lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà đầu tư thường rất ghét sự mù mờ, đặc biệt trong thời điểm các ca mắc Covid-19 vẫn tăng tại Mỹ và quốc hội vẫn chưa thể thông qua một gói kích thích kinh tế mới.

Một số nhà kinh tế và chuyên gia phân tích Phố Wall cho rằng những tranh cãi về kết quả bầu cử tổng thống sẽ còn kéo dài trong vài tuần nữa. Trước đó, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong hai tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 vì bất ổn chính trị và dịch Covid-19.

Nhiều khả năng chính phủ và quốc hội Mỹ sẽ thông qua một gói kích thích kinh tế mới, nhưng quy mô sẽ thấp hơn con số 2.000 tỷ USD mà giới đầu tư kỳ vọng theo kịch bản đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cả Nhà Trắng và Thượng viện.

Ứng viên Dân chủ Joe Biden phát biểu sau đêm bầu cử tại Delaware. Ông tự tin sẽ có đủ 270 phiếu để đắc cử. Ảnh: New York Times.

Phục hồi hình chữ K

Các chuyên gia cho rằng dù ông Trump hay ông Biden thắng cử, nền kinh tế Mỹ cũng sẽ phục hồi theo hình chữ K, nghĩa là tầng lớp khá giả và giàu có sẽ sống khỏe trong khi nhóm thu nhập trung bình và thấp ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Hôm 4/11, thị trường phố Wall sôi động bất chấp kết quả bầu cử chưa ngã ngũ. Chỉ số Dow Jones tăng 1,3%, S&P 500 vọt lên 2% và chỉ số Nasdaq 3,9%. Nguyên nhân là Phố Wall dự đoán ứng viên Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng, còn Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Các nhà phân tích giải thích kịch bản Nhà Trắng và Thượng viện được hai đảng khác nhau kiểm soát mang đến cơ hội tăng trưởng tốt cho thị trường chứng khoán. Nước Mỹ sẽ không có thay đổi lớn về chính sách thuế, biến đổi khí hậu cũng như chăm sóc sức khỏe.

Một phân tích của Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại CFRA Research, cho thấy kể từ Thế chiến II, chứng khoán tăng cao nhất khi tổng thống thuộc đảng Dân chủ còn quyền kiểm soát Quốc hội được chia đều cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Có khả năng kịch bản này lặp lại trong cuộc bầu cử năm nay.

Nếu không có dịch Covid-19, có lẽ Tổng thống Trump đã tái đắc cử. Ảnh: Getty Images.

"Quyền kiểm soát Thượng viện ít ra cũng quan trọng như kiểm soát Nhà Trắng. Khi đảng Cộng hòa nắm được Thượng viện, nước Mỹ sẽ khó có đợt tăng thuế lớn và gói kích thích kinh tế mới sẽ chỉ có quy mô 1.000 tỷ USD", ngân hàng Goldman Sachs nhận định hôm 4/11.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tổ chức một cuộc họp báo trong ngày 5/11 (giờ Mỹ, ngày 6/11 giờ Việt Nam). Dự kiến FED sẽ tiếp tục duy trì lãi suất tiệm cận 0% trong những năm tới. Giới nhà giàu Mỹ sẽ có thêm động lực đầu tư vào cổ phiếu và bất động sản. Thậm chí, FED có thể đẩy mạnh nhiều biện pháp kích thích nếu bất ổn vẫn tiếp diễn.

Trái ngược với không khí tưng bừng của thị trường chứng khoán, thị trường việc làm vẫn chưa thoát khỏi cảnh u ám. Tuyển dụng chậm lại, hơn 22 triệu lao động vẫn thất nghiệp. Họ đang đối mặt với gánh nặng nợ nần khi gói hỗ trợ của chính phủ đã cạn kiệt, và không thể trở lại làm việc như trước khi có dịch Covid-19.

Tương lai của nền kinh tế Mỹ

Theo nhiều nhà phân tích, tương lai của nền kinh tế Mỹ và thị trường sẽ phụ thuộc vào 3 câu hỏi lớn. Đại dịch Covid-19 và gói kích thích sẽ như thế nào? Người Mỹ có chi tiêu trở lại cho các dịch vụ du lịch, nhà hàng và giải trí nhanh hay không? Cuộc bầu cử có châm ngòi cho bạo loạn, bất ổn xã hội hay không?.

Nếu căng thẳng chính trị hậu bầu cử gây bất ổn xã hội, nền kinh tế Mỹ sẽ ngày càng lún sâu vào suy thoái, khiến tiêu dùng sa sút, làm tổn hại kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 như cửa hàng bán lẻ và nhà hàng.

“Nước Mỹ thậm chí còn bị chia rẽ sâu sắc hơn so với năm 2016”, Washington Post dẫn lời ông Peter Atwater, nhà sáng lập Financial Insights, giáo sư tại Đại học William & Mary, nói. Ông cho rằng tất cả những điều kiện châm ngòi cho sự phẫn nộ đã chín muồi.

Thực tế, kinh tế Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng, vốn đang chịu sức ép nặng nề từ đại dịch. Nghiêm trọng hơn, nguy cơ biểu tình và bạo loạn sau khi kết quả bầu cử ngã ngũ càng mang tới rủi ro cho lĩnh vực trọng yếu này.

22 triệu lao động Mỹ bị mất việc do dịch Covid-19. Ảnh: NBC News.

Vấn đề lớn nhất đối với kinh tế Mỹ trong nhiều tháng nay là dịch Covid-19, khi nó đã nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Constance Hunter, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, cho rằng ngành dịch vụ còn lâu mới có thể phục hồi nếu tình hình không thay đổi. “Chừng nào nước Mỹ kiểm soát được đại dịch, nền kinh tế mới phục hồi nhanh”, ông nói.

Những nhận định về nền kinh tế và thị trường chứng khoán sau bầu cử cũng đã được JPMorgan tóm lược trong báo cáo vào sáng 4/11. "Chưa rõ ai sẽ là tổng thống tiếp theo của Mỹ. Dù là lai thì cũng sẽ đối mặt với sự phản đối từ Quốc hội về bất cứ điều gì mang tính thay đổi", ngân hàng này nhận định.

Kịch bản phân chia kiểm soát tại Nhà Trắng và Quốc hội có thể là đòn bẩy cho thị trường và tin vui đối với giới đầu tư. Nhưng chủ các doanh nghiệp nhỏ và người lao động phổ thông sẽ tiếp tục bị tổn thương. Tương lai của họ vẫn gói gọn trong 2 từ: "Mù mờ".

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác