Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến kể công lao trước tòa để xin hưởng án treo

Hà Nhân - 11/12/2020 08:19 (GMT+7)

Ngày 10/12, Tòa án quân sự Trung ương đã mở phiên xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo đối với 7 bị cáo và một số tổ chức, cá nhân trong vụ án trao đất quốc phòng cho tư nhân xảy ra tại TP. HCM.

VNF
Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến kể công lao trước tòa để xin hưởng án treo

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến xin giảm án vì có nhiều công lao và thành tích

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt ở mức được hưởng án treo. Trong nhiều lý do xin giảm án được đưa ra, có việc hậu quả vụ án đã được khắc phục phần lớn; bản thân bị cáo Hiến có nhiều cống hiến cho quân đội; được nhiều cựu chiến binh, các tướng lĩnh quân đội và quân chủng hải quân làm đơn xin xem xét…

Ngoài việc xem xét đơn xin giảm nhẹ hình phạt của ông Nguyễn Văn Hiến và một số bị cáo, Tòa án quân sự Trung ương còn xem xét kháng cáo của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử lý về dân sự trong vụ án.

Nêu lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu đô đốc Hải quân, cho rằng tòa sơ thẩm đánh giá chưa hết những công lao, thành tích của bị cáo.

Trong vụ án này, có 5 bị cáo làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu đô đốc Quân chủng Hải quân (Quân chủng Hải quân), xin tòa phúc thẩm cho áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, hoặc hưởng án treo.

Trả lời HĐXX về lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Hiến cho rằng, phiên tòa sơ thẩm đánh giá chưa toàn diện về bối cảnh, nguyên nhân xảy ra vụ án. Mặt khác, tòa sơ thẩm chưa đánh giá hết các yếu tố giảm nhẹ của bị cáo.

Về bối cảnh, bị cáo Hiến cho rằng, thời điểm xảy ra vụ án, Đảng ủy Quân chủng Hải quân có chủ trương đưa đất quốc phòng làm kinh tế. Chủ trương này được Đảng ủy quân chủng giao nhiệm vụ bằng nghị quyết và bản thân bị cáo là phó bí thư Đảng ủy nên buộc phải chấp hành.

“Về hành chính, tôi là người chỉ huy cao nhất, nhưng về lãnh đạo là cả tập thể, mà cá nhân tôi chỉ là ủy viên Thường vụ Đảng ủy”, bị cáo Hiến phân bua.

Trước đề nghị của chủ tọa về việc nêu rõ các tình tiết giảm nhẹ chưa được tòa sơ thẩm xem xét, bị cáo Nguyễn Văn Hiến nói: công lao, huân, huy chương của tôi thì rất nhiều, nhưng nói ra trước tòa như thế này thì không tiện lắm.

Được sự động viên của chủ tọa, bị cáo Hiến cho biết, quá trình công tác đã được nhận 23 huân, huy chương các loại, trong đó cao nhất là Huân chương Độc lập hạng Hai, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, những thành tích này đã được cấp sơ thẩm xem xét.

Tại phiên xét xử, chủ tọa cũng đã công bố xác nhận của Quân chủng Hải quân về một số thành tích trong công tác của bị cáo Nguyễn Văn Hiến. Trong đó, có nhiều năm trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường. Từ năm 1972-1973 tham gia chiến trường Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, sau đó tham gia giúp đỡ Hải quân Hoàng gia Campuchia xây dựng lực lượng và từng 2 lần được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Angkor.

Lời khai bất nhất của Đinh Ngọc Hệ

Trong vụ án này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) là 1 trong 2 bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và kêu oan.

Nêu lý do kháng cáo tại tòa, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho biết, việc bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và kêu oan không thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là do tòa sơ thẩm đối xử không công bằng. Theo bị cáo này, quan điểm kêu oan của bị cáo cũng đã được thể hiện trong quá trình điều tra xét xử nhưng không được tòa sơ thẩm ghi nhận.

Trước tòa sáng 10/12, bị cáo này cũng phủ nhận mối quan hệ của mình với các công ty như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình, Công ty TNHH SX-TM-DV Yên Khánh (Công ty Yên Khánh), đồng thời cho rằng không tham gia vào việc đàm phán, ký hợp đồng đối với khu đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM).

Trả lời chủ tọa, bị cáo Đinh Ngọc Hệ một mặt thừa nhận Vũ Thị Hoan là cháu ruột của mình, nhưng khẳng định không nhờ Hoan đứng ra làm giám đốc Công ty Yên Khánh.

HĐXX đã công bố các lời khai của các bị cáo Phạm Văn Diệt, tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình, giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh và Vũ Thị Hoan, giám đốc Công ty Yên Khánh. Qua đó, các bị cáo này khai các doanh nghiệp này đều do Đinh Ngọc Hệ đứng ra thành lập, điều hành chỉ đạo mọi hoạt động liên quan.

Tuy nhiên, bị cáo Đinh Ngọc Hệ vẫn khăng khăng: “Không có chứng cứ nào thể hiện tôi lừa đảo mà cơ quan tố tụng toàn lấy lời khai người khác để buộc tội. Trong khi những người này có đầy đủ tư cách, năng lực để chịu chịu trách nhiệm của mình”.

Được gọi thẩm vấn sau đó, bị cáo Vũ Thị Hoan khai việc giữ chức giám đốc là do Đinh Ngọc Hệ nhờ. “Việc ký kết hợp đồng, tài chính, thuế má, là do bị cáo Hệ chỉ đạo. Bị cáo bảo lưu các lời khai trước đây”, bị cáo Hoan nói.

Khi chủ tọa đề nghị nêu quan điểm về lời khai của bị cáo Đinh Ngọc Hệ, bị cáo Hoan nhận xét “ông Hệ nói không đúng sự thật”.

Đáng chú ý, trong phiên thẩm vấn tại tòa chiều cùng ngày, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã bất ngờ xin lỗi HĐXX tòa sơ thẩm và cơ quan điều tra, đồng thời thừa nhận các tài sản và công ty là của bị cáo, do bị cáo đứng ra thành lập và nhờ Vũ Thị Hoan đứng tên giùm. Mặc dù vậy, bị cáo này vẫn không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho rằng, các sai phạm, hậu quả xảy ra là thuộc trách nhiệm của bị cáo Phạm Văn Diệt.

Theo bản án sơ thẩm, Quân chủng Hải quân được giao quản lý các khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 có tổng diện tích hơn 7.300 m2 trên đường Tôn Đức Thắng, TP. HCM. Sau khi được Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương chuyển đổi đất quốc phòng làm kinh tế, các bị cáo trong vụ án đã thiếu kiểm tra, kiểm soát, dẫn đến Công ty Yên Khánh lợi dụng, chiếm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mang thế chấp ngân hàng, gây thất thoát chonhà nước số tiền 939 tỷ đồng.

Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân tuyên án sơ thẩm đối với 8 bị cáo trong vụ án. Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Hiến bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 4 bị cáo khác là cấp dưới của ông Hiến bị tuyên phạt về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, với các mức án cụ thể: Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân) 9 năm tù, Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ - du lịch biển đảo Hải Thành - Công ty Hải Thành) 8 năm tù, Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng phòng Tài chính Quân chủng Hải quân) 7 năm tù và Trần Trọng Tuấn (cựu phó giám đốc Công ty Hải Thành) 4 năm tù.

3 bị cáo trong vụ án này bị tuyên phạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Đinh Ngọc Hệ, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) 20 năm tù, tổng hợp mức án 12 năm tù về các tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” trước đó nên bị cáo này phải nhận tổng mức án 30 năm tù; Phạm Văn Diệt (tổng giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Đức Bình, giám đốc điều hành Công ty TNHH SX-TM-DV Yên Khánh - Công ty Yên Khánh) 15 năm tù; và Vũ Thị Hoan (giám đốc Công ty Yên Khánh) 7 năm tù.

Về dân sự, tòa sơ thẩm yêu cầu các doanh nghiệp đang thuê trái quy định các khu đất số 2 và 9 - 11 Tôn Đức Thắng, quận 1 (TP. HCM) trả lại cho Quân chủng Hải quân; thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lô đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng đã cấp cho tư nhân để trả lại cho Quân chủng Hải quân đồng thời buộc Công ty Hải Thành phải nộp về ngân sách 939 tỷ đồng.

 

Theo BVPL
Cùng chuyên mục
Tin khác