Tài chính

'Cứu' dự án Nhiệt điện Thái Bình 2: Vẫn đau đầu với bài toán vốn

(VNF) - Thiếu vốn khiến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục bị chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu, trong khi đó, các khoản vốn vay các tổ chức tín dụng đến hạn thanh toán… Phương án được PVN tính đến là phát hành trái phiếu để giải quyết bài toán vốn.

'Cứu' dự án Nhiệt điện Thái Bình 2: Vẫn đau đầu với bài toán vốn

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Zing

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 gồm hai tổ máy với tổng công suất thiết kế 1.200 MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm Tổng thầu EPC.

Tổng mức đầu tư dự án là 41.799 tỷ đồng, thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-Ttg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi than phun trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên, sử dụng than cám 5 (80% 5a Hòn Gai và 20% 5a Vàng Danh), lượng than tiêu thụ hàng năm khoảng 3 - 3,5 triệu tấn. Khi vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

Theo kế hoạch, dự án cần đạt được các mốc chính, gồm: nhận điện ngược, nhận nước thô, hoàn thành hệ thống khí nén, cấp dầu, tiến hành chạy thử, đốt dầu và đốt than tổ máy 1. Tuy nhiên, tình hình tài chính của tổng thầu PVC khó khăn, dòng tiền cho dự án bị thiếu hụt. 

Cụ thể, giá trị giải ngân vốn đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 lũy kế từ khi khởi công đến hết năm 2017 khoảng 10.009 tỷ đồng và 892,52 triệu USD (tương đương 29.297,24 tỷ đồng). Trong đó, lũy kế giải ngân của hợp đồng EPC (tạm ứng và thanh toán) là 8.235,93 tỷ đồng và 766,33 triệu USD. 

Đối với phần vay nước ngoài, trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ, PVN cho biết, tổng giá trị vốn vay đã ký là 937,14 triệu USD bao gồm các hợp đồng vay trực tiếp và vay thương mại nước ngoài và hợp đồng bảo hiểm tín dụng. Đến nay, số tiền đã giải ngân được 432,06 triệu USD, chiếm 46% hạn mức số tiền vay, đã trả nợ gốc được 81 triệu USD, số dư 351 triệu USD. Số còn lại chưa thể giải ngân là hơn 505 triệu USD.

PVN cho biết, thời hạn giải ngân cuối cùng theo quy định của hợp đồng là ngày 28/9/2018. Việc xác định thời hạn giải ngân cuối cùng phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành các tổ máy 1 và tổ máy 2 làm cơ sở hoàn tất các chứng từ thanh toán để giải ngân vốn vay.

Theo quyết định số 428 do Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, trong đó tiến độ vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 như sau: Tổ máy 1 năm 2017, tổ máy 2 năm 2018. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, PVN đã kiến nghị tiến độ dự án được điều chỉnh lại tiến độ, tổ máy 1 vào tháng 6/2019 và tháng 9/2019 cho tổ máy 2. Thế nhưng, đến nay, tiến độ này vẫn chưa được xét duyệt.

Trong khi đó, Bộ Tài chính mới đây cũng có văn bản nhắc nợ về khoản nợ cần được giải ngân cho phía tổ chức tín dụng đến 9/2018. Bộ Tài chính cho biết không đồng ý với việc gia hạn hợp đồng vay sau thời điểm ngày 28/9/2018. Do đó, PVN phải tìm nguồn khác thay thế. 

Như vậy, nếu các bên không tiếp tục đồng ý giải ngân thì đến thời điểm trên, giá trị hàng hóa, dịch vụ đủ hồ sơ để giải ngân dự kiến là 265,5 triệu USD và số tiền không giải ngân được khoảng 265,5 triệu USD.

Theo PVN, việc thu xếp nguồn vốn thiếu hụt này với thời hạn trả nợ từ 7 năm đến 10 năm không bảo lãnh Chính phủ sẽ là thách thức lớn đối với tập đoàn trong thời điểm hiện nay. Vì thế, PVN đã có văn bản kiến nghị các bộ ngành chức năng xem xét phương án phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế cho PVN. Theo đó, PVN dự kiến phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước.

Trước đó, để hoàn thành dự án trong bối cảnh khó khăn hiện nay, PVN đã kiến nghị Thủ tướng 12 giải pháp để giải cứu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Cụ thể, PVN đã đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận tiến độ hoàn thành tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào tháng 6/2019, tổ máy số 2 vào tháng 9/2019.

Bên cạnh đó, PVN kiến nghị cho phép miễn phạt hợp đồng với điều kiện PVC nỗ lực tối đa hoàn thành dự án theo tiến độ điều chỉnh đã cam kết. Việc miễn phạt hợp đồng, theo PVN, là nhằm tạo động lực và phù hợp với thực tiễn, tương tự như trường hợp của tổng thầu LILAMA tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Theo phương án chỉ định thầu ban đầu, tổng thầu PVC phải thực hiện giảm giá hợp đồng từ 3-5% theo giá dự toán được phê duyệt. Tuy nhiên, do tổng dự toán điều chỉnh đã được xem xét trên nguyên tắc đối chiếu các báo giá và hợp đồng thầu phụ để xác định giá thấp nhất, nên trong thực tế PVC không được tính lợi nhuận và phải bù lỗ cho các hợp đồng có giá cao hơn giá trị trong tổng dự toán. Vì vậy, PVN đề nghị xem xét cho không áp dụng giảm giá, mà giữ nguyên giá dự toán được phê duyệt.

Tin mới lên