Đại biểu Nguyễn Văn Hiển: Chính sách về điện giật cục khiến điện gió, điện mặt trời lao đao

Kỳ Thư - 01/06/2023 19:39 (GMT+7)

(VNF) - Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng chính sách điều hành về điện có sự thay đổi, giật cục thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp làm điện gió, mặt trời lao đao, gây lãng phí.

VNF
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng).

Chiều 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chính sách thắt chặt, không hợp lý

Phát biểu về chủ đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đã nhắc tới tình trạng lãng phí nguồn năng lượng tái tạo và các khó khăn của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này trong thời gian qua.

“Xin lưu ý đây là định hướng ở tầm chiến lược và cho một giai đoạn phát triển từ 2020 đến 2030, tầm nhìn đến 2045” - ông nhấn mạnh và cho hay trước khi có nghị quyết này, Chính phủ và Thủ tướng cũng có nhiều văn bản có tính đột phá về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển điện gió, điện mặt trời.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, gần đây, trong các văn bản điều hành, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện, nhà máy phát điện, nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp…

“Các quy định này không những không khuyến khích, ưu đãi các dự án điện gió, điện mặt trời như Nghị quyết 55 mà còn thắt chặt hơn, chưa thật sự hợp lý”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển những năm gần đây, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời công suất lớn đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành phát điện. Tuy nhiên việc đầu tư các công trình truyền tải điện không đáp ứng yêu cầu thực tế. Điều này dẫn đến EVN phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy này, gây lãng phí tài nguyên, đặc biệt là gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” tại COP 26 rất thách thức

Trước đó, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) đã chỉ ra những thách thức khó khăn cho Việt Nam trong thực hiện cam kết của Chính phủ giảm phát thải ròng bằng “0” tại COP 26.

Cụ thể, liên quan đến vấn đề chuyển dịch năng lượng, ông Thi nhận định: Đây là xu hướng tất yếu trên thế giới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường và đang được triển khai hiệu quả ở nhiều nước.

“Cùng với cộng đồng quốc tế, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã đưa ra tuyên bố chính trị mạnh mẽ về việc phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, trong đó có nội dung về chuyển dịch năng lượng”, ông Thi cho hay.

Theo ông Thi, có 4 thách thức lớn cho việc triển khai, bao gồm tài chính, công nghệ, quản trị và nhân lực, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là nguồn vốn.

Theo ước tính, Việt Nam cần khoảng 86 tỷ USD đến năm 2030 và 370 tỷ USD cho lộ trình chuyển dịch đến năm 2050. Chỉ riêng đối với việc triển khai quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải khoảng 134,7 tỷ USD. Như vậy, nguồn lực đầu tư là rất lớn so với khả năng cân đối của nền kinh tế với mức dự báo phát triển kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới.

“Do đó, tôi kiến nghị với Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các dự án năng lượng, chú trọng các cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh và các tổ chức tài chính quốc tế, cơ chế tài chính quốc tế JETP trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”, ông Thi nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác