‘Đại dịch Covid-19 kéo doanh thu của Vietravel quay lại 10 năm trước’

Minh Quang - 14/10/2021 16:01 (GMT+7)

(VNF) - “Năm 2021, trước sự bùng phát của dịch bệnh lần thứ 4, cộng thêm việc nhiều địa phương trên toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội hạn chế đi lại, chúng tôi dự kiến doanh thu đạt khoảng 10% so với năm 2019, kéo Vietravel quay lại kết quả của 10 năm trước”, Tổng giám đốc Công ty Vietravel Trần Đoàn Thế Duy cho biết.

VNF
Ảnh minh họa.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm trực tuyến “Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới” diễn ra sáng 14/10 do báo Người Lao động tổ chức, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho biết Vietravel hiện đang hoạt động trên cả 2 lĩnh vực là hàng không và du lịch. Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến hãng hàng không Vietravel Airlines (vừa mới thành lập không lâu) bị thiệt hại rất nặng nề.

Lãnh đạo Công ty Vietravel dẫn chứng: “Năm 2019, Vietravel của chúng tôi phục vụ gần 1 triệu lượt khách, doanh thu vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Sang năm 2020, doanh thủ chỉ đạt 1.600 tỷ đồng và lượng du khách chỉ đạt 350.000 khách”.

“Trong năm 2021, trước sự bùng phát của dịch bệnh lần thứ 4, cộng thêm việc nhiều địa phương trên toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội hạn chế đi lại, chúng tôi dự kiến doanh thu đạt khoảng 10% so với năm 2019, kéo Vietravel quay lại kết quả của 10 năm trước”, ông Duy cho hay.

Cũng theo người đứng đầu Vietravel, công ty hiện có hơn 40 văn phòng trong nước và 6 chi nhánh ở nước ngoài nhưng hiện phải đóng cửa hơn 50% hoặc tạm thời đóng cửa. Toàn hệ thống 1.700 nhân viên và trên 90% nhân sự nghỉ không lương.

Mặc dù chịu sức ép từ thị trường “đóng băng” hoàn toàn nhưng công ty vẫn chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi. “Chúng tôi ngoài TP. HCM thì cũng làm việc với các địa phương khác, để khi điều kiện cho phép thì sẵn sàng có sản phẩm trong điều kiện an toàn trong tình hình mới. Việc khôi phục cũng sẽ tập trung vào yếu tố an toàn như điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn, chỉ cam kết đến những địa phương công bố an toàn”, lãnh đạo Vietravel thông tin.

Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết: “Chúng tôi trải qua chặng đường dài hơn 46 năm hoạt động nên có nhiều kinh nghiệm đối phó với các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành du lịch. Tuy nhiên, ảnh hưởng đại dịch Covid-19 lần này ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi”.

“Vào đầu quý II năm ngoái, khi tình hình dịch bệnh bắt đầu nguy cơ lan rộng, chúng tôi đã xây dựng các tình huống giả định 5 kịch bản, với các tình huống từ xấu nhất có thể xảy ra đến tình huống tốt nhất khi thị trường quay lại bình thường như thời kỳ năm 2019.

Từ 5 kịch bản đó chúng tôi chia thành các nhóm hành động, các giải pháp chi tiết từ dịch bệnh, biến động thị trường, khách hàng, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu, kích cầu, công tác quản lý tài chính, chăm lo giữ nguồn nhân lực…trong đó, vấn đề ưu tiên là yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu”, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group cho hay.

Ông Võ Anh Tài cho biết tính từ tháng 6/2021 đến thời điểm hiện nay, Saigontourist Group đã tiếp đón hơn 200 lượt đoàn công tác của Bộ Y tế, ban ngành trung ương. Cùng với đó là tiếp đón phục vụ các đoàn y bác sĩ từ các bệnh viện trung ương, tỉnh, thành phố trên khắp cả nước với hơn 25.000 lượt, phục vụ hơn 154.000 đêm phòng, hơn 633.000 suất ăn dinh dưỡng tại 24 khách sạn thuộc hệ thống, chi phí tham gia ước trên 300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mới đây Saigontourist Group cũng đã tài trợ, tổ chức bảo đảm an toàn thành công 10 tour tri ân tại Cần Giờ, Củ Chi phục vụ trên 1.100 y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới, đại diện Saigontourist Group cho biết công ty đã chuẩn bị sẵn các phương án kinh doanh cụ thể tại từng đơn vị, từng địa phương nơi có cơ sở của tập đoàn, với mục tiêu sản phẩm, dịch vụ phát triển phải đảm bảo các yếu tố an toàn, chất lượng. Cùng với đó là tung ra các chương trình khuyến mãi áp dụng chính sách giá linh hoạt, các hình thức khuyến mãi, hậu mãi, các giá trị cộng thêm nhằm tăng ấn tượng đối với khách hàng, áp dụng phù hợp tình hình thực tế dịch bệnh tại từng địa phương.

“Chúng tôi cũng đã liên tục kiến nghị cụ thể với lãnh đạo trung ương, TP. HCM để hỗ trợ cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch, cùng việc kết nối làm việc cụ thể với lãnh đạo các tỉnh, thành, các đối tác lớn để chuẩn bị các kế hoạch hợp tác khi các địa phương chính thức mở cửa du lịch”, ông Tài nói.

Hanoitourist lên kế hoạch nối lại mạch du lịch qua 3 giai đoạn 

Cũng tại toạ đàm, đại diện của Hanoitourist cho biết công ty cũng đã có kiến nghị gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương điểm đến đó là cần nên sớm ban hành bộ quy tắc chung, có sự thống nhất để khai thông việc khôi phục các hoạt động du lịch trở lại tránh tình trạng mỗi địa phương, mỗi tỉnh lại có các quy định khác nhau để các doanh nghiệp chủ động trong việc chào bán các sản phẩm cho khách hàng.

Đối với các hãng hàng không, Hanoitourist kiến nghị cần xem xét về kế hoạch bay giữa các tỉnh thành phố, có mức giá vé phù hợp theo từng nhóm nhỏ linh hoạt, đặc biệt là khách dưới 18 tuổi.

Trong kế hoạch nối lại mạch du lịch trong trạng thái bình thường mới, Hanoitourist đã lên kế hoạch tổ chức tour an toàn kèm theo các phương án tổ chức và chia làm 3 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1 Hanoitourist sẽ thí điểm điểm tour caravan Đường Lâm với Sở Du lịch và UBND TP Hà Nội.

Ở giai đoạn 2, Hanoitourist sẽ phối hợp với UBND các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Ninh tổ chức thí điểm loại hình tour caravan không chạm như: sử dụng xe tự lái do các cá nhân, trong qua trình di chuyển dùng bộ đàm để hướng dẫn cho khách, cơ sở lưu trú chỉ chọn 1 điểm, khách check-in theo nhóm có cùng yếu tố dịch tễ, nhà hàng sử dụng ăn theo giờ,… Và ở giai đoạn 3 sẽ tiến tới các hoạt động du lịch trong trạng thái thích ứng an toàn.

Xem thêm: Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường: ‘Cần chiến dịch marketing du lịch ra quốc tế ngay bây giờ’

Cùng chuyên mục
Tin khác