'Đại gia' Đức muốn đầu tư 1,8 tỷ USD xây nhà máy điện khí Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh
Nguyễn Phượng -
08/10/2019 13:50 (GMT+7)
(VNF) - Công ty Điện khí Siemens (CHLB Đức) đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh khảo sát đầu tư dự án nhà máy điện khí Vũng Áng 3 với công suất 1.200 - 1.500MW có tổng mức đầu tư dự kiến 1,8 tỷ USD.
Sáng 8/10, làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Công ty điện khí Siemens (CHLB Đức) đề xuất được nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 từ nguyên liệu than sang khí tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Theo nhận định của đại diện công ty Điện khí Siemens, Hà Tĩnh là địa phương có hạ tầng thuận lợi. Việc kết nối đường dây 500 KW Bắc - Nam sẽ là lợi thế để nhà đầu tư xây dựng nhà máy.
Theo đề xuất, Siemens muốn khảo sát đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 chuyển từ nguyên liệu than sang sử dụng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG). Dự án có công suất 1.200 - 1.500MW có tổng mức đầu tư dự kiến 1,8 tỷ USD.
Siemens sẽ là đơn vị đầu tư công nghệ và góp vốn dự kiến khoảng 49% tổng mức đầu tư của dự án, còn lại huy động từ các nhà đầu tư khác. Samsung C&T sẽ là đơn vị tổng thầu thi công, thời gian dự kiến xây dựng triển khai thi công khoảng 24 tháng.
Phía Siemens cam kết sẽ tuân thủ và chấp hành các điều kiện liên quan đến đầu tư, vấn đề môi trường khi thực hiện dự án. Nhà đầu tư mong muốn tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện và đề xuất trình Bộ Công Thương cho phép điều chỉnh quy hoạch dự án từ sử dụng nguyên liệu than sang khí để xây dựng nhà máy.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng nói sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng các doanh nghiệp khi vào khảo sát đầu tư tại Hà Tĩnh.
Người đứng đầu chính quyền Hà Tĩnh đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề môi trường khi đầu tư dự án vào Hà Tĩnh. Theo ông Hưng, sau sự cố môi trường biển năm 2016, Hà Tĩnh thống nhất quan điểm không đánh đổi môi trường để làm kinh tế.
Hiện nay, Hà Tĩnh đã có nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã đi vào hoạt động, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để triển khai. Cả 2 dự án này đều sử dụng nguyên liệu than để sản xuất do đó sức chịu tải môi trường có hạn.
"Đối với dự án nhiệt điện Vũng Áng 3, nếu đầu tư đủ trung tâm điện lực theo quy hoạch, Hà Tĩnh thống nhất chủ trương đề nghị chính phủ điều chỉnh quy hoạch dự án từ sử dụng nguyên liệu than sang khí", ông Hưng cho hay.
Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Siemens tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các điều kiện đầu tư, làm rõ thêm giá nguồn nguyên liệu đầu vào, nguồn cung khí LNG, tỉ lệ góp vốn của các nhà đầu tư khác tham gia dự án; định hướng về bảo vệ môi trường, đầu tư công nghệ…
Đối với đề xuất về biên bản ghi nhớ hợp tác của Siemens, Chủ tịch Trần Tiến Hưng giao Sở Kế hoạch & Đầu tư, các sở ngành liên quan nghiên cứu, xem xét và có văn bản trả lời sớm nhất cho phía nhà đầu tư.
Siemens là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn nhất của Đức có lịch sử phát triển 170 năm, tập đoàn này đang hoạt động tại 190 quốc gia với nhiều lĩnh vực, trong đó có điện khí.
Siemens chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 1993 với việc mở hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, Siemens là công ty đứng đầu thị trường và dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực: nguồn điện, quản lý điện năng, dịch vụ nguồn điện, hệ thống vận chuyển, công nghệ tòa nhà, nhà máy số, công nghiệp quy trình và truyền động, y tế.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone