Nhân vật

Đại gia Lê Thái Sâm: Con đường từ chủ nợ đến Chủ tịch Bamboo Airways

(VNF) - Trước khi chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Lê Thái Sâm là người cho hãng bay này vay tiền mặt (không lãi suất, lãi thấp và không tài sản đảm bảo) với tổng số tiền hơn 7.727 tỷ đồng.

Đại gia Lê Thái Sâm: Con đường từ chủ nợ đến Chủ tịch Bamboo Airways

Ông Lê Thái Sâm trở thành Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways.

HĐQT Bamboo Airways vừa thông qua quyết định bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 thay thế các thành viên từ nhiệm.

Theo đó, ông Lê Thái Sâm sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng kiêm đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Bamboo Airways thay thế ông Nguyễn Minh Hải đã từ nhiệm trước đó.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức hồi tháng 6, ông Hideki Oshima được bầu làm Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways.

Theo công bố của Bamboo Airways, tân chủ tịch Lê Thái Sâm hiện đang sở hữu số cổ phần tương đương trên 50% vốn điều lệ của hãng bay này.

Từ người cho vay

Theo tìm hiểu, ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP. HCM. Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính - ngân hàng.

Ông Sâm được giới thiệu là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn.

Trước đó, ông Sâm từng là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC. Ngoài ra, ông Sâm còn là người đại diện theo pháp luật của các công ty bao gồm Công ty cổ phần Thép Thăng Long, Công ty cổ phần Sắt thép Cửu Long, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Huỳnh Nguyên.

Ông Lê Thái Sâm bắt đầu xuất hiện tại Bamboo Airways vào thời điểm hãng bay này gặp nhiều khó khăn khi các lãnh đạo chủ chốt của FLC vướng vòng lao lý.

Bamboo Airways đạt doanh thu thuần hơn 11.732 tỷ đồng trong năm 2022.

Từ năm 2022, để đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên khi Bamboo Airways phải đối mặt nhiều khó khăn, nhất là về tài chính, ông Sâm đã ký các hợp đồng hãng bay này vay tiền mặt (không lãi suất, lãi thấp và không tài sản đảm bảo). Tính đến hết ngày 10/4/2023, tổng sổ tiền Bamboo Airways đã vay ông Sâm là hơn 7.727 tỷ đồng.

Đến người được chọn

Trong kiến nghị gửi tới đại hội cổ đông bất thường ngày 9/5 của Bamboo Airways, ông Sâm cho biết Bamboo Airways chưa có kế hoạch cụ thể để hoàn trả số tiền đã vay, do đó ông này cho rằng việc công ty phát hành cổ phần để hoán đổi nợ với ông là cấp thiết và là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của chủ nợ cho vay không có tài sản đảm bảo,

Cũng theo ông Sâm, việc hoán đổi nợ cũng đồng thời giảm áp lực thanh toán tiền lãi và áp lực hoàn trả tiền vay cho Bamboo Airways.

Ông Sâm kiến nghị Bamboo Airways phát hành cổ phần để hoán đổi khoản nợ với số lượng 1,15 tỷ cổ phần theo hình thức chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông. Số lượng cổ phần sau phát hành dự kiến là 3 tỷ cổ phần, tương ứng giá trị theo mệnh giá là 30.000 tỷ đồng.

Trong đó, 772 triệu cổ phần phát hành, tương ứng giá trị 7.720 tỷ đồng để hoán đổi cho chủ nợ và 378 triệu cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chiến lược. Tỷ lệ số lượng cổ phần dự kiến phát hành/tổng số cổ phần sau phát hành dự kiến là 38,3% và không hạn chế chuyển nhượng.

Theo phương án này, đối tượng chào bán là các chủ nợ của Bamboo Airways thoả mãn các tiêu chí sau như cho công ty vay tiền mà không có/không yêu cầu tài sản đảm bảo; tổng dư nợ từ 1.000 tỷ đồng trở lên và chủ nợ có yêu cầu hoán đổi nợ thành cổ phần.

Bên cạnh đó là các nhà đầu tư chiến lược là tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của Bamboo Airways mà HĐQT xét thấy mang lại lợi ích, hỗ trợ cho công ty. Sau khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư chiến lược trở thành cổ đông sở hữu trên 5% vốn của Bamboo Airways.

Ông Sâm cũng đề xuất không chào bán cổ phần cho toàn bộ cổ đông hiện hữu, mà chỉ phát hành cho các cổ đông, nhà đầu tư chiến lược đáp ứng các tiêu chí nêu trên.

Phương án này của ông Sâm sau đó đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Không chỉ cho Bamboo Airways vay, ông Lê Thái Sâm cũng là người cho vay tín chấp với FLC giá trị 870 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm. Các khoản cho vay được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6/2022.

Để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, hồi tháng 5/2023, FLC đã quyết định chuyển nhượng hơn 400 triệu cổ phần Bamboo Airways, tương đương 21,7% vốn nắm giữ tại hãng bay này cho ông Lê Thái Sâm.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, Bamboo Airways đạt doanh thu thuần hơn 11.732 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021. Dù vậy, do kinh doanh dưới giá vốn nên hãng bay này vẫn lỗ gộp 3.209 tỷ đồng. 

Cũng trong năm 2022, chi phí quản lý doanh nghiệp của hãng bay tăng đột biến gấp 80 lần, lên 17.592 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng gấp 4,7 lần lên 1.405 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính lại sụt giảm mạnh. Hệ quả là Bamboo Airways lỗ sau thuế kỷ lục với 17.619 tỷ đồng, gấp 7,7 lần số lỗ của năm 2021.

Tin mới lên