Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, việc hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững đã trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, việc thúc đẩy tài chính xanh rất quan trọng nhằm điều hướng nguồn lực tài chính vào các dự án thân thiện với môi trường.
Mặc dù tài chính xanh là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam nhưng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cả khu vực công và tư. Thông qua các chiến lược tài chính xanh, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình để hướng tới một tương lai phát triển bền vững.
Để nhìn nhận rõ hơn về thực trạng cũng như triển vọng phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức buổi tọa đàm “Triển vọng Phát triển Tài chính xanh”.
Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, doanh nhân, luật sư, gồm: TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia; TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu thương hiệu và cạnh tranh; TS Ngô Công Thành, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC);
Ông Tô Trần Hòa - Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; bà Nguyễn Thu Thủy - Phụ trách Ban Chiến lược, Phát triển và Quan hệ quốc tế, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC);
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw; ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc phụ trách Tài chính bền vững FiinRatings; ông Hoàng Đức Hùng - Chủ tịch IIA Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc tài chính PAN Group; bà Phạm Thị Minh Hương - Phó giám đốc Dịch vụ phát triển bền vững Deloitte Việt Nam.
Về phía cơ quan chủ quản là Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) có sự hiện diện của: TS Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội; Th.S Lê Long Giang - Phó chủ tịch Hiệp hội; PGS.TS Nghiêm Thị Thà - Tổng thư ký Hiệp hội.
Tại toạ đàm, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance cũng sẽ ra mắt Đặc san Toàn cảnh Đầu tư Tài chính 2024, với chủ đề chính là “Tài chính xanh”, nhằm góp thêm tiếng nói của mình cho sự phát triển chung của thị trường. Đây là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 10 năm ngày thành lập VietnamFinance vào tháng 8/2025.
Đặc san sẽ dẫn dắt bạn đọc qua những bước tiến quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong tiến trình xây dựng và thực thi chính sách phát triển tài chính xanh. Cùng với đó, nhìn rõ thực trạng triển khai các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh cũng như hoạt động của các quỹ đầu tư bền vững tại Việt Nam, đi kèm những gợi mở về các giải pháp thúc đẩy dòng vốn xanh hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Đặc san cũng không quên đề cập đến vai trò của các tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy kinh tế xanh và tài chính xanh tại Việt Nam. Các tổ chức này không chỉ cung cấp nguồn lực tài chính, mà còn mang đến những kinh nghiệm, công nghệ và kiến thức quý giá để hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, đặc san cũng truyền tải các câu chuyện chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Những nỗ lực chuyển đổi này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra giá trị lâu dài. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp phải những thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi, bao gồm chi phí đầu tư ban đầu cao, sự thiếu hụt thông tin và nguồn nhân lực có chuyên môn, đặc biệt là thiếu sự hỗ trợ thiết thực từ nhà nước.
Bên cạnh chủ đề chính là “Tài chính xanh”, đặc san còn đem đến cho bạn đọc các bài viết gần gũi mà sâu sắc trong chủ đề “Tài chính cá nhân”, qua đó cổ vũ việc giáo dục trẻ em về tiền bạc từ sớm, duy trì sự minh bạch và hợp tác trong hôn nhân, đầu tư thông minh cho tương lai để tạo dựng nền tảng tài chính vững chắc và hạnh phúc cho gia đình.
Không dừng lại ở đó, đặc san còn mang tới các bài viết với chủ đề “Dòng chảy của tiền”, từ diễn biến dòng tiền liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài đến dòng chảy của tiền trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, không thể không kể đến các bài viết đề cập đến các thú đầu tư độc lạ như đầu tư tranh Đông Dương, đầu tư đồ gỗ, đầu tư Lego…
Ông Hoàng Anh Minh: Tài chính Xanh Việt Nam mới ở giai đoạn đầu phát triển
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance cho biết: “Trên thế giới, tài chính xanh không còn là một khái niệm xa lạ mà đã trở thành một công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững. Nhiều quốc gia đã và đang triển khai mạnh mẽ các chính sách, cơ chế để khuyến khích tài chính xanh, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực về kinh tế, môi trường và xã hội”.
Ông Hoàng Anh Minh cho hay tại Việt Nam, Chính phủ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của tài chính xanh và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực này. Tuy nhiên, thị trường tài chính xanh Việt Nam vẫn mới ở giai đoạn đầu phát triển và còn nhiều rào cản phía trước. Do đó, rất cần nhìn nhận một cách toàn diện về thực trạng phát triển tài chính xanh, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể và khả thi nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Tổng biên tập Tạp chí kỳ vọng sẽ lắng nghe được những chia sẻ, phân tích quý giá từ đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nhân, luật sư về cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, từ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xanh, chuyển đổi xanh đến các giải pháp thúc đẩy tiếp cận tài chính xanh, phòng chống tẩy xanh cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh.
“Tôi tin rằng, phát triển tài chính xanh không chỉ là trách nhiệm của chính phủ hay các tổ chức tài chính mà là của tất cả chúng ta. Với sự tham gia tích cực của quý vị hôm nay, chúng ta có thể cùng nhau tìm ra những giải pháp khả thi để phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, góp phần xây dựng một tương lai bền vững hơn cho đất nước”, Tổng biên tập Hoàng Anh Minh bày tỏ.
TS Võ Trí Thành: "Chuyển đổi xanh là mệnh lệnh không thể chối từ"
Phát biểu tại toạ đàm, TS Võ Trí Thành khẳng định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là mệnh lệnh chính trị không thể chối từ. Phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, người tiêu dùng yêu cầu xanh hơn, an toàn hơn; từ chính yêu cầu của các nước phát triển; từ tài chính, không xanh không cho vay.
“80% lượng vốn tài chính đòi hỏi ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) mới cấp vốn. Mệnh lệnh này là rất cấp bách. Với doanh nghiệp, không chỉ là tồn tại hay không tồn tại, mà còn nắm bắt được nhiều cơ hội mới khi phát triển xanh”, ông Thành nói.
Ông Thành nhấn mạnh tài chính xanh là cuộc cách mạng về thể chế, công nghệ với nhiều điểm mới như tiêu chí, tiêu chuẩn xanh, nguồn gốc xuất xứ xanh…
Về các thách thức trong thực hiện tài chính xanh, ông Thành khẳng định, chúng ta có nhiều thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là chi phí chuyển đổi, áp lực từ thị trường và câu chuyện thể chế.
Việc đưa vấn đề “xanh” vào thị trường không phải là vấn đề đơn giản. Với vấn đề của thể chế, chuyển đổi xanh là quá trình đầy thách thức, đòi hỏi thay đổi từ tư duy, nhận thức, thay đổi thể chế, ban hành khung pháp lý, chính sách, đào tạo thay đổi trong hành động, đòi hỏi sự tham gia của cả các tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
Như vậy, không chỉ doanh nghiệp hay nhà nước muốn là làm được mà cần có sự nỗ lực từ cả Chính phủ và các tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Tóm lại đây là một sự chuyển đổi từ “dưới lên” và từ “trên xuống”.
Về phía các doanh nghiệp, chuyển đổi xanh là câu chuyện làm ăn, kiếm tiền, dù muốn hay không muốn cũng phải chuyển đổi. Vì xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ “xanh” trong tiêu dùng. Thực trạng này tạo ra áp lực cho doanh nghiệp.
Với vấn đề chi phí, theo ông Thành, chuyển đổi xanh cần nhiều chi phí, đòi hỏi rất nhiều vốn. Quá trình này cũng phải làm từ trên xuống, thay đổi thể chế pháp lý, chính sách và cả từ dưới lên, thay đổi cách làm việc, tiêu dùng, sản xuất, tác động đến toàn bộ người dân, đặc biệt là doanh nghiệp.
“Thực tế hoạt động của doanh nghiệp cho thấy, vấn đề khó tiếp theo là việc hoạch định các chi phí xanh, trong đó có thuế carbon vào giá là vấn đề rất khó”, ông Thành nói.
Tóm lại, theo ông Thành kinh tế xanh, tài chính xanh là một sự chuyển đổi toàn diện. Trong quá trình này, rõ ràng tài chính rất quan trọng, nên rất cần sự tham gia của các định chế tài chính, các quỹ. Nhưng bản thân tài chính cũng cần phải có sự chuyển đổi và phải góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh. Đây chính là ý nghĩa của tài chính xanh và xanh hóa tài chính.
Thời gian tới, để quá trình phát triển tài chính xanh tiếp tục phát triển, ông Thành cho rằng cần chú ý tới công tác truyền thông và hoàn thiện chính sách.
Theo đó, với vấn đề truyền thông, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức để doanh nghiệp và người dân có thêm nhận thức về tài chính xanh.
Với vấn đề hoàn thiện chính sách, ông Thành cho rằng đây là vấn đề cần phải được thực hiện một cách cấp bách.
“Không riêng gì vấn đề kinh tế xanh, tài chính xanh mà cả kinh tế số, tài chính số hay phát triển tài chính… chúng ta đều đang làm dang dở. Nếu tiếp tục chờ luật thì sẽ mất rất thêm khoảng 4 năm nên thời gian tới, tôi cho rằng cần một chính sách đột phá để phát triển kinh tế, tài chính xanh bởi nếu không thì chúng ta sẽ chậm”, ông Thành nói.
TS Lê Xuân Nghĩa: “Chúng ta nói về tài chính xanh rất nhiều nhưng làm rất ít”
Chia sẻ tại toạ đàm, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho biết, quá trình làm chính sách đang rất “gian nan”.
“Hiện tại, việc tiến hành đo carbon rừng thuộc sở hữu của CODE vẫn đang được tiến hành. Chúng tôi thực hiện cả đo máy và đo thủ công để so sánh kết quả. Nếu đo thủ công, mỗi 1ha rừng, chúng tôi mất 178 triệu đồng, nhân lên với 500ha mà chúng tôi đang sở hữu vô cùng tốn kém. Sau này, CODE đã nhờ chuyên gia nước ngoài tham gia hoạch định. Có rất nhiều công việc phải làm, ví dụ như chọn mẫu theo hướng mặt trời mọc hay mặt trời lặn, đo rừng lẫn tre thì làm thế nào (rừng lẫn tre có carbon), làm thế nào để đo sinh khối khác (chỉ có máy mới đo được rễ và cành ngọn). Sắp tới có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Khoa học Công nghệ và Chính phủ”, ông Nghĩa cho hay.
TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, trồng rừng là công việc có tính chất nghiên cứu khoa học nhưng cũng là làm ăn có lãi (khoảng 2 triệu USD/năm). “Chúng tôi cố tình lựa chọn và biến rừng bị tán phá nặng nề để phục hồi sinh quyển với phương châm “Phụng dưỡng thiên nhiên”. Đến nay, khu rừng này đã khôi phục được hiện trạng nguyên thuỷ của rừng mưa nhiệt đới với sự trở lại của chim chóc và muông thú. Mười mấy ngàn cây gỗ lim phát triển, tất cả những gì rơi từ cây xuống, chúng tôi lại đưa vào vườn ươm, trồng lại, phục hồi sinh quyển của rừng mưa nhiệt đới”, ông Nghĩa chia sẻ về quá trình trồng rừng của CODE.
Viện trưởng CODE cũng cho hay, khi tới tham quan khu rừng này, một giáo sư người Đức khi nhìn thấy con vắt đã đề xuất nghiên cứu. Sau này, cũng có các nhà khoa học từ Pháp và Hà Lan ngỏ lời tới CODE để nghiên cứu sinh quyển Đông Nam Á và mua carbon.
“Ban đầu, chúng tôi đã mua tới 11 căn nhà sàn cổ và cả nhà thờ đá để làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, theo những lời đề nghị mua carbon, chúng tôi đã chuyển từ làm du lịch sinh thái sang làm rừng”, TS Lê Xuân Nghĩa thuật lại quá trình phát triển tài chính carbon.
Ông Nghĩa cho hay, trong quá trình thực hiện, CODE đã “dứt khoát đấu tranh” để bà con có sổ đỏ, qua đó giúp họ bán được carbon. Rừng thuộc sở hữu của CODE chủ yếu là rừng tự nhiên, còn rừng trồng chỉ để tạo sinh kế cho người dân. Ngoài ra, đơn vị này cũng còn có 39ha rừng tại Lào. Ngoài Bộ Nông nghiệp đã có khảo sát về rừng, thống kê carbon, CODE cũng đang làm một đầy đủ và trong quá trình chuẩn hoá đo đạc giúp bà con.
Chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình phát triển tài chính carbon, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay, vướng mắc đầu tiên là quy định pháp lý về quy định về sở hữu carbon. “Rừng thuộc sở hữu của nhà nước, vậy thì carbon có thuộc sở hữu của nhà nước hay không? Vừa qua, sau khi 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán tín chỉ carbon rừng cho Ngân hàng Thế giới, tiền được tính cho bà con. Nhưng điều này lại không phù hợp với quy định rừng của nhà nước”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Bên cạnh đó là những vướng mắc liên quan đến việc triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon. TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng, hiện tại, khi bán carbon liên tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị đứng ra bán. Tuy nhiên, khi bán riêng lẻ thì của tỉnh nào tỉnh đó bán. Nếu bán như vậy thì chưa thể thể mang lên sàn được bởi lẽ khi lên sàn, cần phải có mã và mã phải có chủ. Do đó, COD đang đề nghị sửa đổi Nghị định 06 để có thể sớm đưa tín chỉ carbon lên sàn.
Thứ hai là vấn đề giá carbon. Hiện tại, giá carbon hiện tại đang rất “nóng”. Vừa qua, chúng ta đã lần đầu tiên bán tín chỉ carbon rừng (tín chỉ hấp thụ carbon) của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ với mức giá 5 USD/tấn cho Ngân hàng Thế giới. Mức giá này khá cao nhưng World Bank vẫn tặng lại cho Việt Nam tới 95% để đóng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm phát thải khí nhà kính) theo cam kết lộ trình Net Zero vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán về việc chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng của 11 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo phương thức mua và tặng lại để Việt Nam đóng góp NDC với mức giá 10 USD/tấn. Trong trường hợp Việt Nam muốn bán đứt thì 20 USD/năm. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp đang muốn nâng giá cao hơn hoặc bán có thời hạn (3-5 năm).
Về 15,5 tỷ USD mà cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP - Just Energy Transition Partnership) dành cho Việt Nam để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, theo ông Nghĩa, hiện cũng chưa tìm thấy dự án vay hoặc nhận tài trợ do những vướng mắc liên quan đến thủ tục.
Vướng mắc thứ ba, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay, là chúng ta bán 10 triệu tấn tín chỉ carbon nhưng vẫn còn 4,9 triệu tấn bị “kẹt”. “Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ CODE đứng ra giúp họ mua, mặc dù số tín chỉ này chỉ còn hạn trong vòng 17 tháng. Tuy nhiên, khi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì chúng tôi chưa bán được, vì còn rất nhiều quy trình liên quan đến vấn đề đấu giá như lập hội đồng, cơ quan giám sát, có người xây dựng hồ sơ kỹ thuật… Không biết khi hết hạn thì có thể bán được chưa. Tiền từ bên ngoài rất nhiều nhưng chúng ta thiếu cơ chế để tiếp cận”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Mở rộng ra câu chuyện chính xanh, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, chúng ta đang nói rất nhiều nhưng làm rất ít. “Thực tế, các khoản tín dụng xanh và trái phiếu xanh dành cho các dự án điện gió, điện mặt trời… vẫn chỉ là những khoản cho vay hoặc đầu tư thông thường với đầy đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, lãi suất, kỳ hạn mà không có ưu tiên, ưu đãi nào.
"Quỹ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho vay khắt khe như ngân hàng thương mại, chỉ có lãi suất thấp hơn. Chúng ta có một quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý với tổng nguồn vốn 1.800 tỷ đồng, chỉ cho vay vào các dự án xử lý rác thải với điều kiện nghiêm ngặt như những khoản tín dụng bình thường. Để vay tiền từ quỹ này, doanh nghiệp cũng cần phải có tài sản đảm bảo, tuân thủ hạn mức tín dụng, chỉ có lãi suất thấp hơn thị trường 2%. Theo tôi, đây chưa thể được coi là một quỹ tài chính xanh và quy mô của nó lại càng không tương xứng với nhu cầu về tài chính xanh mà Ngân hàng Thế giới ước tính là chúng ta cần tới 360 – 400 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính từ nay đến 2030”, ông Nghĩa phân tích.
Theo Viện trưởng CODE, thế giới đang “sôi sục” phát triển tài chính xanh, dành ra nguồn tài chính lớn cho việc này, dù rằng đây chỉ là “miễn cưỡng”. “Các khoản tài trợ nói trên là món nợ mà các nước phát triển phải trả cho các nước đang phát triển. Từ năm 1751 đến nay, Bắc Mỹ đã phát thải 400 tỷ tấn CO2, còn châu Âu thải ra 350 tỷ tấn. Đáng nói, CO2 không dễ phân hủy mà cần 100 - 1.000 năm để được loại bỏ hoàn toàn khỏi bầu khí quyển. Hậu quả mà nó để lại vô cùng nặng nề và lâu dài. Rõ ràng, với 10-20 năm phát triển của chúng ta, lượng phát thải carbon là không nhằm nhò gì so với họ”, ông Nghĩa phân tích.
Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, tại Việt Nam, Bộ Tài chính – cơ quan ngân sách của nhà nước, cần có sự quan tâm đúng mức. “Tiền dành cho tài chính xanh phải từ ngân sách đi ra”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Tô Trần Hoà: Các doanh nghiệp cần có sự chủ động khi đầu tư xanh
Ông Tô Trần Hoà - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), chia sẻ góc nhìn cá nhân về việc đầu tư xanh và tài chính xanh.
Theo ông Hoà, đây là một câu chuyện 2 chiều, nếu như cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm “xanh”, thì từ góc độ doanh nghiệp cũng cần sự chủ động, cần nghiên cứu và có phương án đầu tư xanh hiệu quả chứ không thể làm một cách bất chấp, vì tiêu chí đầu tư đầu tiên là phải có “lãi”.
Về việc TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định tiêu chí ủng hộ đầu tư xanh nên thuộc về nhà nước và được ngân sách nhà nước ủng hộ, ông Tô Trần Hoà cho rằng nếu sử dụng ngân sách để bảo lãnh đầu tư xanh và dự án xanh, đây sẽ là sức ép tương đối lớn lên ngân sách.
“Ngân sách chúng ta đang bội thu, có nhiều dự án lớn khác cần dùng ngân sách, như đường cao tốc Bắc-Nam hay đường sắt Bắc-Nam sắp tới. Vậy nên khi đầu tư, dù xanh hay không xanh, tự doanh nghiệp cần có sự chủ động và cân đối”, ông Hoà nói.
Chia sẻ về vai trò của UBCKNN trong việc thúc đẩy tài chính xanh, ông Hoà cho biết UB rất quan tâm tới vấn đề này và đã đưa vào chiến lược phát triển chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó gồm nhiều phương án phát triển tài chính xanh.
UBCKNN cũng ban hành sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải nhà kính và sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh rất hữu ích cho doanh nghiệp tham gia thị trường này.
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng tích cực tham gia đào tạo, tuyên truyền tới doanh nghiệp và công chúng đầu tư để họ hiểu thế nào là tài chính xanh và đầu tư công khai minh bạch khi tham gia thị trường.
Ngoài ra, với công tác thanh tra giám sát, UBCKNN đảm bảo trái phiếu xanh được phát hành đúng mục đích và quyền lợi nhà đầu tư được bảo đảm.
Riêng với việc khuyến khích phát hành trái phiếu xanh, ông Tô Trần Hoà cho biết UBCKNN sẽ tiếp tục đào tạo, tuyên truyền tới nhà đầu tư về việc tiếp cận vốn tài chính xanh.
Theo ông Hoà, liên quan tới việc giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp cận và được biết một số ngân hàng thương mại có nguồn vốn sẵn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh, đây là một trong những tín hiệu tích cực để kỳ vọng.
Ông cũng nói thêm rằng trong hệ thống chỉ số chứng khoán hiện nay có chỉ số phát triển bền vững từ năm 2017, đồng thời thừa nhận tới nay cũng có nhiều bất cập cần thay đổi, và UBCKNN sẽ nghiên cứu thay đổi để phục vụ nhà đầu tư.
LS Nguyễn Thanh Hà:
Liên quan đến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về kinh tế xanh, tài chính xanh tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà khẳng định Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này từ rất sớm.
Ông dẫn chứng, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2021, Việt Nam tiếp tục ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để thay thế cho Quyết định số 1393/QĐ-TTg, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh.
Quyết định số 1658 cũng đề ra 4 mục tiêu chính, bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Sau đó là Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 gồm 12 nhóm với 66 hoạt động cụ thể trải rộng trên 4 chủ đề chính là: xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; và thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Ở phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018 - 2019, NHNN cũng đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế.
Song, luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng thừa nhận rằng dù bắt đầu từ sớm nhưng khung pháp lý về tài chính xanh, kinh tế xanh vẫn chưa được như kỳ vọng.
“Chúng ta đã bắt đầu xây dựng khuôn khổ, hành lang pháp lý từ 12 năm trước và dần hoàn thiện qua từng giai đoạn. Song, trên thực tế, những quy định điều chỉnh liên quan đến tài chính xanh, kinh tế xanh tương đối chậm. Chẳng hạn như chúng ta vẫn thiếu rất nhiều quy định về xây dựng thị trường tín chỉ carbon như chưa có quy định về quyền liên quan, chưa xác định quyền sở hữu thuộc về nhà nước hay doanh nghiệp… Việc thiếu hành lang pháp lý, thiếu quy định pháp luật ảnh hưởng rất nhiều lên quyết định của các nhà đầu tư vào thị trường này”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Hà cũng đề cập đến một số vướng mắc trong ngành năng lượng tái tạo. Theo ông, “năng lượng tái tạo là một trong những ngành đóng góp rất lớn vào tài chính xanh, kinh tế xanh. Tuy nhiên, chúng ta đang rơi vào tình trạng dư thừa năng lượng khi nhiều dự án về năng lượng tái tạo dư thừa nhưng vẫn chưa được kết nối vào lưới điện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất đầu tư của các nhà đầu tư”.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng chưa xây dựng các bộ tiêu chí xanh khác nhau cho từng ngành cụ thể như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… “Thiếu quy định pháp lý cùng với những vướng mắc kể trên, chặng đường phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh ở nước ta vẫn đang còn nhiều thách thức”, ông Hà nhận định.
Ông Nguyễn Tùng Anh: Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Tùng Anh - Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh thuộc FiinRatings, cho biết dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với tăng trưởng tín dụng chung, nhưng tín dụng xanh mới chiếm 4,32% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, cho thấy còn nhiều dư địa phát triển.
Cũng theo ông Tùng Anh, cho tới hiện tại, chỉ có 2 lô trái phiếu xanh phát hành trong nước. Đối với thị trường tài chính xanh, trái phiếu xanh Việt Nam được nhắc đến và thúc đẩy rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.
Sau hai lô trái phiếu xanh với tổng giá trị 23,4 triệu USD và 3,6 triệu USD của TP. HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2016, thị trường trái phiếu xanh gần như không phát triển trong những năm tiếp theo và phải đến năm 2021, Việt Nam mới quay trở lại thị trường khi xếp thứ hai về nguồn cung nợ xanh tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, nhờ có BIM Land là doanh nghiệp không niêm yết đầu tiên của Việt Nam phát hành 200 triệu USD trái phiếu xanh mà không cần tài sản bảo đảm trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX).
Mặc dù vậy, thị trường trái phiếu xanh chứng kiến sụt giảm đáng kể cả về số lượng và giá trị phát hành trong năm 2022. EVNFinance có lô trái phiếu xanh đầu tiên với tổng giá trị 75 triệu USD, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) và bảo lãnh 50 triệu USD từ GuarantCo. Giao dịch này đại diện cho trái phiếu xanh trong nước đầu tiên bằng đồng nội tệ của Việt Nam được xác nhận quốc tế và là trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh một phần đầu tiên thu hút các nhà đầu tư tổ chức, bao gồm Manulife và AIA.
Để khai mở thị trường tài chính xanh ở trong nước, ông Tùng cho rằng cần yếu tố quan trọng nhất là nhận thức của nhà đầu tư và chấp nhập vấn đề ngoại ứng. “Để thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định trên một cách hiệu quả và nhất quán”, ông Tùng Anh nói.
Ngoài ra, ông Tùng Anh cũng cho rằng cần phải nâng cao năng lực và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các sản phẩm tài chính xanh, đồng thời tạo ra một môi trường đủ thuận lợi cho các chủ thể phát hành và nhà đầu tư để đầu tư và phát triển các dự án tài chính xanh.
Việc đưa ra các tiêu chí và quy định cụ thể về thị trường tài chính xanh là một bước đi đúng hướng, tuy nhiên cần có các cơ chế kiểm soát và giám sát để đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy của thị trường. Nếu được thực hiện đúng cách, thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh sẽ không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường mà còn tạo ra các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế bền vững cho đất nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Doanh nghiệp phải có nền tảng để tiếp cận nguồn vốn xanh
Dưới góc độ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đại điện PAN Group là ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ câu chuyện tiếp cận nguồn vốn xanh của doanh nghiệp với kỳ vọng mang lại một số ý tưởng hay cho cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, PAN Group hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp-thuỷ sản, với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu và Mỹ, do đó ngay từ đầu, ban quản trị doanh nghiệp đã đặt nền móng hàng đầu là phát triển bền vững.
Ông Tuấn cũng chia sẻ, trong quá trình huy động nguồn vốn xanh cho tập đoàn, PAN Group đã tiếp cận rất nhiều định chế tài chính quốc tế và nhận thấy có sản phẩm phù hợp là sản phẩm tài chính bền vững.
Tại Việt Nam đang có 2 sản phẩm theo định chế này, bao gồm sản phẩm tài chính xanh dành cho các doanh nghiệp có dự án xanh lớn và dễ được các tổ chức quốc tế tài trợ, một sản phẩm khác sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cam kết giảm phát thải theo các tiêu chí ESG. Theo ông Tuấn, PAN Group hiện đang theo cả 2 sản phẩm này.
Cũng theo ông Tuấn, thông qua điều này, có thể thấy, các định chế tài chính nước ngoài có nguồn vốn và nguồn lực để tài trợ cho tài chính xanh chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn nhà nước. Việc có các định chế riêng và nguồn lực riêng sẽ tạo nguồn vốn dễ dàng hơn cho doanh nghiệp Việt nếu muốn tiếp cận.
Với kinh nghiệm huy động nguồn vốn xanh, ông Tuấn cho rằng có 2 yếu tố cần chú ý, thứ nhất là nguồn vốn chủ động, tức nếu doanh nghiệp phù hợp thì nguồn vốn sẽ tự chảy đến. Thứ hai, nếu muốn tiếp cận các định chế tài chính, bản thân doanh nghiệp phải có nền tảng nhất định về phát triển bền vững cũng như quản trị bền vững, điều mà đại diện PAN Group cho rằng “doanh nghiệp Việt Nam đôi khi chưa có sẵn”.
Ông Hoàng Đức Hùng: “Đã bị mang tiếng là “tẩy xanh” thì khó sửa”
Chia sẻ tại tọa đàm trên cương vị Chủ tịch IIA Việt Nam, ông Hoàng Đức Hùng cho hay, trước tiên, phải khẳng định, dưới góc nhìn quản trị rủi ro, “tẩy xanh” cũng là một rủi tiềm ẩn.
“Trong dòng chảy tài chính xanh, làm sao để tiền chảy vào đúng chỗ, như ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính của PAN Group vừa chia sẻ là doanh nghiệp phải thể hiện rằng họ xanh. Xanh ở đây, theo tôi không chỉ là vấn đề môi trường, mà rộng hơn là vấn đề ESG và phát triển bền vững. Tiền chảy vào doanh nghiệp không chỉ đơn thuần vì họ xanh mà còn vì họ đạt được sự cân bằng, có sự cam kết và xã hội và phương thức quả trị”, ông Hùng đặt vấn đề.
Cũng theo Chủ tịch IIA Việt Nam, để các quỹ đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp, việc thẩm định là đương nhiên. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp phải có báo cáo để các bên hữu quan nhìn thấy cam kết của họ.
Theo đó, vai trò của kiểm toán nội bộ là kiểm chứng thông tin trên cơ sở hệ thống đo lường và tiến hành xác nhận trong doanh nghiệp, để đảm bảo báo cáo cuối cùng đến cho nhà đầu tư và cơ quan quản lý là đúng.
Cụ thể, các doanh nghiệp có ba tuyến phòng vệ nội bộ. Tuyến thứ nhất bao gồm hoạt động kiểm soát được thiết lập trong các quy trình và hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị và của các phòng ban chức năng. Tuyến phòng vệ thứ hai gồm các chức năng kiểm soát và giám sát được ban điều hành thiết lập, nhằm đảm bảo việc tuân thủ và hiệu quả của các quy trình và hoạt động như kiểm soát tài chính, đảm bảo an ninh, quản lý rủi ro, quản lý chất lượng, thanh tra, tuân thủ…
Tuyến phòng vệ thứ ba là kiểm toán nội bộ, cũng là tuyến độc lập nhất trong doanh nghiệp, có nhiệm vụ đánh giá cách thức mà hai tuyến phòng thủ đầu tiên thực hiện mục tiêu quản lý rủi ro và kiểm soát. Mục đích của ba tuyến phòng vệ này là nhằm giúp ban giám đốc và HĐQT có sự đảm bảo rằng, rủi ro ESG, trong đó có “tẩy xanh” đã được kiểm soát một các thường xuyên, liên tục.
Nếu không có hệ thống kiểm soát mà đến cuối kỳ mới đánh giá, doanh nghiệp sẽ không thể loại bỏ khả năng “trượt” khỏi mục tiêu đã đề ra và nảy sinh động cơ “làm đẹp” số liệu.
Ông Hoàng Đức Hùng chỉ ra rằng, hiện nay Việt Nam có một hạn chế, đó là chưa có khung báo cáo về phát triển bền vững, về xanh. “Các bên cho vay có tiêu chí của họ. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng khung báo cáo phát triển bền vững để khi doanh nghiệp công bố ra ngoài, chúng ta có thể so sánh và hiểu được. Phương pháp luận, công cụ đo lường cũng cần phải được chuẩn hoá”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, thực tế, trong bối cảnh Việt Nam chưa có quy định cụ thể, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động thực hiện theo chuẩn quốc tế như của GRI hay UCSD.
Vị chuyên gia này cho hay, “Tại đơn vị tư vấn kiểm kê khí nhà kính của chúng tôi, để hỗ trợ doanh nghiệp kiểm đếm CO2, chúng tôi đã giúp doanh nghiệp tiếp cận đến các giải pháp của Tập đoàn IBM”.
Ông Hoàng Đức Hùng cho rằng, muốn tránh rủi ro “tẩy xanh”, về dài hạn và quan trọng nhất là ý thức của lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp. “Rõ ràng, muốn hút vốn xanh, doanh nghiệp phải có chiến lược và định hướng cụ thể. Không phải nay nói xanh thì mai có thể xanh được ngay. Khi đã bị mang tiếng thì khó sửa và rất khó tìm “bạn” để chơi””, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính của PAN Group cho hay, liên quan đến rủi ro “tẩy xanh”, động lực từ phía các nhà đầu tư, định chế lớn là một chốt kiểm soát. Chẳng hạn như tại PAN Group, doanh nghiệp này có IFC và ADB thanh tra 2 lần/năm. Thứ hai, đó là sức ép từ chính thị trường. Thứ ba, bản thân khách hàng cũng có thể là những bên yêu cầu báo cáo.
Bà Phạm Thị Minh Hương: Doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh
Đứng ở góc độ của Deloitte, một đơn vị tư vấn đã được tiếp xúc với các doanh nghiệp và các bộ ban ngành, bà Phạm Thị Minh Hương - Phó Giám đốc, Dịch vụ Phát triển bền vững và Chống biến đổi khí hậu, Deloitte Việt Nam - cho rằng doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh.
“Khó khăn đầu tiên mà hầu hết các doanh nghiệp đều vướng phải là có quá nhiều khung tiêu chuẩn xanh. Qua quá trình làm việc với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp thừa nhận họ không biết nên tuân theo bộ tiêu chuẩn nào và bộ tiêu chuẩn nào là phù hợp với doanh nghiệp.
"Tiếp đến là vấn đề nhận thức. Phải thừa nhận rằng nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang mơ hồ về khái niệm phát triển bền vững và phát triển xanh. Ví dụ như có doanh nghiệp kêu gọi vốn để sản xuất ‘ô tô xanh’. Theo cách hiểu của doanh nghiệp, ô tô xanh là dòng sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu và sạch hơn, song trên thực tế, theo tiêu chí phân loại xanh của Ủy ban châu Âu, ô tô xanh phải đạt được nhiều tiêu chuẩn khắt khe thì mới được gọi là xanh như phát thải dưới 95g CO2/km.
"Sự mơ hồ trong nhận thức dễ khiến nhiều doanh nghiệp nhẫm lẫn giữa một bên là ‘xanh’ và một bên chỉ là ‘sạch hơn”, dẫn đến sự lúng túng trong quá trình chuyển đổi xanh”.
Cũng theo bà Phạm Thị Minh Hương, việc chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu cũng như KPI để đo lường cũng tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp. “Trên thực tế, các doanh nghiệp đã và đang làm về ESG cũng 'tương đối' nhưng nhiều doanh nghiệp còn loay hoay, chưa biết cách báo cáo, trình bày về những gì mình đang làm do chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu".
"Chính vì thế, đến khi có một đơn vị khác vào thẩm tra, doanh nghiệp lại không có đủ cơ sở, chứng từ để chứng minh những gì đã làm, dẫn đến việc có thể bị hiểu nhầm thành “tẩy xanh”, bà Hương cho hay.
Để giải quyết những vướng mắc trên, đại diện Deloitte kiến nghị các tổ chức hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, các hiệp hội ngành nghề cần đóng vai trò quan trọng trong truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức liên quan đến chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng một nền tảng, hệ thống công khai, minh bạch, rõ ràng, chính xác để tạo dựng niềm tin. “Doanh nghiệp không nên chỉ dựa vào mỗi cơ sở dữ liệu mà phải thuyết phục được nhà đầu tư thông qua những cam kết, tiếng nói từ phía lãnh đạo về việc thực hành phát triển bền vững”, bà Hương nói.
Ngoài ra, đại diện Deloitte cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những doanh nghiệp “role model” – tức những doanh nghiệp tiên phong thành công trong chuyển đổi xanh. “Những doanh nghiệp tiên phong này chính là những ‘tấm gương’ để doanh nghiệp nhìn vào, từ đó thúc đẩy việc thực hành chuyển đổi xanh và tránh tẩy xanh của các doanh nghiệp theo sau”.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ: VSDC đang góp ý cho đề án phát triển thị trường carbon
Chia sẻ tại toạ đàm, bà Nguyễn Thu Thuỷ từ VSDC cho biết cơ quan này đang có những góp ý cho đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Trong thể chế hiện tại, carbon chưa được ghi nhận trong thị trường như một hàng hoá, nên chưa xác định được sản phẩm này thuộc sự quản lý của cơ quan nào, dẫn tới việc các bộ, ngành cần ngồi cùng nhau để phân tách.
Để so sánh, ở một số thị trường khác như Indonesia, mục tiêu net-zero của họ là năm 2060, mà Việt Nam lại sớm hơn là 2050, nên thời gian để chuẩn bị sẽ gấp gáp hơn. Không chỉ vậy, khó khăn của Việt Nam là các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia đã làm rất bài bản, trong khi Việt Nam vẫn đang dừng lại ở bước thể chế pháp lý.
Trên thị trường carbon thông thường sẽ có 2 hàng hoá: thứ nhất là hạn ngạch carbon do nhà nước phân bổ, thứ 2 là tín chỉ carbon. Hai khái niệm này khác nhau và các nước trên toàn cầu có hệ thống đăng ký quốc gia về sở hữu những hạn ngạch này.
Nếu Việt Nam bán tín chỉ rừng thì phải sớm có quy định về việc bán hạn ngạch và tín chỉ. Tương tự với thị trường carbon, Việt Nam đang phải chờ sự thay đổi trong luật để biết có trách nhiệm, quyền hạn tới đâu.
Bà Thuỷ chia sẻ thêm mặc dù nhìn vào hệ thống của các quốc gia, có thể thấy việc đăng ký hạn ngạch trực tuyến rất đơn giản, nhưng thực tế để có được điều này cần phải có sự bảo mật thông tin rất chắc chắn đi kèm với những hệ thống nội bộ thông suốt.
“Đây là bài toán chúng tôi phải giải cho tới năm 2027”, bà Nguyễn Thu Thuỷ nhận định. Đại diện VSDC cũng nói thêm rằng để phát triển thị trường carbon nội địa, không chỉ có công việc của các cơ quan quản lý, mà cần toàn bộ thị trường phải nhận thức về vấn đề này.
Th.S Lê Long Giang: Cần có "rổ" riêng cho các doanh nghiệp thực hiện ESG
Ông Lê Long Giang, Trưởng ban Kiểm soát EVNFinance, cho biết ban lãnh đạo doanh nghiệp này xác định phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là hướng đi lâu dài của doanh nghiệp.
Hiện doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn của tổ chức Sáng kiến toán cầu. “Tuy nhiên, vướng mắc hiện là do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn. Sau 2 năm làm báo cáo phát triển bền vững và tiêu chuẩn xanh, ban lãnh đạo doanh nghiệp chúng tôi đang mong muốn hướng tới phát triển thực tế hơn: thúc đẩy khung thoả thuận bền vững…”, ông Giang nói.
Ông Giang cho rằng trong tương lai, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để có hướng đi tốt, từ đó mới quản trị được chi phí, để phát triển bền vững, phát triển các khoản tín dụng xanh.
Về mặt hồ sơ cho doanh nghiệp trong thực hiện xanh hoá và phát triển bền vững, ông Giang cho rằng phải làm sao để các khoản tín dụng giảm thiểu chi phí giấy tờ.
Bên cạnh đó, ông Giang đề xuất các cơ quan chức năng cần có “rổ” riêng cho những doanh nghiệp thực hiện phát triển xanh và phát triển bền vững.
“Cần một “rổ” riêng cho các doanh nghiệp thực hiện ESG để nhà đầu tư biết để đầu tư vào các doanh nghiệp này. Đây cũng là cách để khuyến khích doanh nghiệp", ông nói.
TS Ngô Công Thành: “Chưa hết khó vì cơ chế”
Chia sẻ tại toạ đàm, TS Ngô Công Thành - Ủy viên Ban chấp hành lâm thời Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) cho hay: “Tôi xin được kể một câu chuyện mới đây, khi chúng tôi trực tiếp làm việc với một công ty Nhật muốn đầu tư nhà máy điện sinh khối ở Tuyên Quang. Mặc dù họ đề xuất xây dựng nhà máy công suất 50MW nhưng quy định lại giới hạn ở 30MW. Phải mất rất nhiều thời gian, họ mới có thể nâng công suất lên 50MW như dự kiến. Nói vậy là để thấy, thực tiễn xây dựng nhà máy điện sạch, điện xanh vẫn còn rất khó khăn”.
Theo ông Thành, doanh nghiệp ngoại luôn có nhu cầu, nhưng để “giữ chân” họ, cần có cơ chế chính sách thông thoáng.
TS Ngô Công Thành nói thêm, hiện nay, các khu công nghiệp đang trong chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái, đòi hỏi cộng sinh với tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, họ vẫn đang vướng phải một số cơ chế.
Việc một số sản phẩm bị đánh thuế cao, chưa có cơ chế để bán hàng ra thị trường… cho thấy việc đưa tài chính xanh ứng dụng vào doanh nghiệp rất khó.
Cùng với đó, trong quá trình tăng trưởng xanh, một vấn đề ưu tiên là xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc đầu tư nhà máy xử lý rác rất khó, đặc biệt là về vấn đề địa điểm.
Hay như câu chuyện về điện mặt trời, vẫn còn rất nhiều điện áp mái thừa chưa được bán. “Quan trọng nhất vẫn là nhận thức, chúng ta phải gắn tài chính xanh với tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn”, ông Thành nhấn mạnh.
PGS.TS Nghiêm Thị Thà: Để gia nhập sân chơi quốc tế, phải phát triển bền vững
Theo PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, câu chuyện phát triển tài chính xanh, tài chính bền vững không phải bây giờ mới được nhắc đến. Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết định về phát triển tài chính xanh và tài chính bền vững.
Ở phía các doanh nghiệp, việc lập báo cáo phát triển bền vững trong hệ thống báo cáo thường niên cũng đã được các công ty niêm yết ở Việt Nam thực hiện từ năm 2012 song cũng dần ‘mai một’ vì nhiều yếu tố khách quan.
Lý giải về nhận định này, bà cho biết mỗi doanh nghiệp có 3 trụ cột chính, bao gồm trụ cột về kinh tế - tức doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh có hiệu quả, trụ cột về môi trường – doanh nghiệp phải thực hiện được cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra ngoài xã hội và trụ cột về xã hội – thể hiện về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.
Nói rõ hơn về trụ cột về môi trường, PGS.TS Nghiêm Thị Thà cho rằng doanh nghiệp phải đo lường được các loại chất thải mà doanh nghiệp thải ra môi trường, phải thu gom được những chất thải đó về và phải xử lý các chất thải đó như thế nào và cuối cùng là xả thải ra môi trường sau khi đã xử lý đạt ngưỡng an toàn cho môi trường. Trong khi đó, để lập được một báo cáo phát triển bền vững, doanh nghiệp cũng cần phải thu thập minh chứng, xây dựng các tiêu chí,…
“Rõ ràng, để thực hiện quá trình đó, các doanh nghiệp sẽ phải tiêu tốn một nguồn lực tài chính rất lớn và không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực để thực hiện”, bà Thà nhận định.
Dù khó nhưng bà Thà cho rằng đây là vấn đề mà các doanh nghiệp vẫn phải làm nếu muốn tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận các dự án tài chính xanh, sạch.
Đứng ở góc độ Hiệp hội Tư vấn Tài chính, PGS.TS Nghiêm Thị Thà cho rằng: “Để thúc đẩy chuyển đổi xanh, chúng ta không nói đến câu chuyện ai phải làm gì mà tất cả chúng ta đều phải làm. Cá nhân cũng phải nhận thức, doanh nghiệp cũng phải nhận thức, cơ quan nhà nước cũng phải nhận thức và tất cả các tổ chức xã hội cũng đều phải nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Nếu muốn gia nhập vào sân chơi quốc tế, đi theo dòng chảy của thời đại, chúng ta buộc phải phát triển bền vững”.
Bà Thà cũng trăn trở làm sao để các doanh nghiệp có định hướng tốt về việc cung ứng các sản phẩm xanh ra môi trường. “Điều này đòi hỏi trách nghiệm của hai cơ quan lớn nhất, một là cơ quan quản lý nhà nước và một là cơ quan về quản lý môi trường. Việc đưa ra các quy định quản lý cụ thể sẽ giúp các doanh nghiệp có định hướng tốt hơn. Nếu các cơ quan nhà nước không đi đầu thì công cuộc phát triển xanh, phát triển bền vững sẽ ‘tuột xích’ ngay từ khi mới bắt tay vào làm”.
Ngoài ra, đại diện của Hiệp hội Tư vấn Tài chính cũng khẳng định hiệp hội cũng như các tổ chức nghề nghiệp sẽ nỗ lực trong việc tuyên truyền, lan tỏa về tài chính xanh, kinh tế xanh để làm sao cho tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính cá nhân đều phát triển dựa trên nền tảng bền vững.
Hỏi đáp
- Thực trạng "tẩy xanh" của các doanh nghiệp ở Việt Nam có phổ biến không? Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thế nào về tình trạng này, ảnh hưởng tới việc đầu tư ra sao?
Ông Hoàng Đức Hùng - Chủ tịch IIA Việt Nam, cho biết trên thực tế, chưa có cảnh báo cụ thể nào về tình trạng “green washing” tại Việt Nam.
Ông cho biết, qua kinh nghiệm từng làm việc với nhiều doanh nghiệp trong việc lập báo cáo phát triển bền vững, chỉ có một số doanh nghiệp lớn làm theo tiêu chuẩn quốc tế, một số doanh nghiệp khác chỉ dừng ở bước công bố thông tin tối thiểu, dẫn tới việc báo cáo phát triển bền vững không mang lại nhiều giá trị lắm.
“Nếu mình là người sử dụng báo cáo phát triển bền vững, mình phải nhận thấy có sự tin cậy. Cá nhân tôi hỗ trợ doanh nghiệp làm những báo cáo này, phần lớn chúng ta làm rất “watermark” (rập khuôn - PV), dẫn tới rủi ro không chính xác rất cao”, ông Hùng cho biết.
Thậm chí, ông Hoàng Đức Hùng cho rằng các báo cáo phát triển bền vững có tỷ lệ trên 50% là mang tính truyền thông chứ không có ý nghĩa thực tế.
Đồng tình với ông Hoàng Đức Hùng, đại diện Deloitte Việt Nam - bà Phạm Thị Minh Hương cho biết, hiện chưa có ai chứng minh hay khảo sát doanh nghiệp để chứng thực các báo cáo phát triển bền vững, nhưng qua quá trình làm việc, Deloitte cũng phát hiện một số trường hợp thông tin không hoàn toàn chính xác.
“Doanh nghiệp một là trình bày tràng giang, hai là chỉ trình bày những gì mình có”, theo bà Minh Hương, điều này dễ dẫn tới tình trạng “green washing”.
Bà Hương cũng cho rằng doanh nghiệp cần thực sự hiểu biết và đánh giá được tác động của công ty với môi trường thì mới xây dựng được báo cáo theo đúng tiêu chí và thực sự có ý nghĩa.
- Trong thị trường tín chỉ carbon, ai nên là người được hưởng lợi?
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phụ trách Ban Chiến lược, Phát triển và Quan hệ Quốc tế, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho hay, trong giao dịch, đương nhiên người bán nhận toàn bộ phần tiền. Về phía tổ chức, họ phải thành lập pháp nhân theo quy định và pháp nhân này sẽ tự cân đối phân chia phần tiền này.
Đối với các tỉnh, họ cũng cần chia tỷ lệ. Chẳng hạn như đối với những phần thực hiện theo cơ chế hợp tác song phương, khoản tiền nhận được sẽ phải phân chia theo hợp đồng đã ký kết trước đó.
Bổ sung ý kiến, TS Ngô Công Thành cho rằng, liên quan đến câu chuyện hưởng lợi, đối với các rừng đặc dụng, có thể cho thuê rừng để có người chăm sóc hay giao khoán cho người dân, doanh nghiệp, sau đó chia tỷ lệ lợi ích theo đóng góp.
Về phía TS Võ Trí Thành, ông chia sẻ: “Nguyên tắc thì không khó. Nhưng tỷ lệ bao nhiêu, như thế nào thì phải tính. Quan trọng là phải chứng minh được mình có công sức, tạo ra giá trị bổ sung, bền vững đối với tín chỉ carbon, có vậy mới được hưởng lợi”.
Kết luận toạ đàm
Phát biểu kết luận tọa đàm, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, gửi lời cảm ơn các chuyên gia, diễn giả tham dự toạ đàm.
Theo TS Lê Minh Nghĩa, trong quá trình phát triển tài chính xanh thì vai trò của tài chính cá nhân là vô cùng quan trọng. “Vai trò tài chính cá nhân với tài chính xanh là vô cùng quan trọng. Trong quá trình phát triển tài chính xanh, cá nhân có thể tham gia với tư cách đầu vào và với tư cách đầu ra. Do đó, cần các giải pháp để khuyến khích cá nhân tham gia vào vấn đề phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh”, ông Nghĩa nói.
Về đặc san Toàn cảnh Đầu tư tài chính 2024, TS Lê Minh Nghĩa khẳng định đây là đặc san có chất lượng, cung cấp cái nhìn toàn diện về đầu tư tài chính nói chung và tài chính xanh nói riêng.
Ra mắt Đặc san Toàn cảnh Đầu tư Tài chính 2024
Trong khuôn khổ tọa đàm, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã làm lễ công bố biểu trưng và ra mắt Đặc san Toàn cảnh Đầu tư Tài chính 2024.
Tuyên bố ra mắt ấn phẩm, ông Hoàng Anh Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance gửi lời cảm ơn các chuyên gia, nhà tài trợ đã đồng hành cùng VietnamFinance trong hành trình phụng sự bạn đọc.
Đặc san với chủ đề chính là “Tài chính xanh”, mong muốn mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và sâu sắc về cách nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình để hướng tới một tương lai phát triển bền vững thông qua các chiến lược tài chính xanh.
Bên cạnh đó, Đặc san dành một phần quan trọng để bàn về “Tài chính cá nhân” thông qua các bài viết gần gũi mà sâu sắc, từ giáo dục trẻ em về quản lý tài chính từ sớm, duy trì sự minh bạch và hợp tác trong hôn nhân, đến các chiến lược đầu tư thông minh cho tương lai.
Ngoài ra, Đặc san còn có tuyến bài với chủ đề “Dòng chảy của tiền”, với các phân tích sâu sắc về diễn biến dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và xu hướng dịch chuyển vốn trong lĩnh vực bất động sản, cung cấp thêm cho độc giả góc nhìn về bức tranh tài chính - đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động không ngừng.
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.