Dịch bệnh cuốn trôi hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu

Trần Lê - 17/09/2021 00:10 (GMT+7)

(VNF) - Giãn cách xã hội, quy định sản xuất 3 tại chỗ, thiếu shipper, đứt gãy nguồn cung… đã khiến hàng trăm công ty, cơ sở, hộ kinh doanh sản xuất bánh trung thu không thể triển khai mùa vụ kinh doanh bánh duy nhất trong năm 2021.

VNF
Dịch bệnh đã khiến hàng trăm công ty, cơ sở, hộ kinh doanh- sản xuất bánh trung thu không thể triển khai mùa vụ kinh doanh bánh duy nhất trong năm 2021 này.

Doanh nghiệp lớn vuột cơ hội

Ông Kao Siêu Lực, chủ hệ thống cửa hàng bánh ABC Bakery tại TP. HCM, nói với VietnamFinance rằng mọi kế hoạch chuẩn bị cho mùa bánh trung thu năm 2021 này, dù đã được tính toán kỹ cả năm trước, đến nay "coi như bỏ”. Hợp đồng mua nguyên liệu bột, đường, đậu, trứng, hộp bao bì… dù ký tá xong xuôi cũng không thể nào triển khai được khi mà cả 3 chiều hoạt động đều "đứng hình".

Cụ thể, ông Lực cho biết việc sản xuất bị tạm ngừng vì nhân viên chỗ này chỗ kia bị giãn cách, bị F0; đối tác mua hàng không thể đặt mua vì không có shipper giao hàng; đối tác cung cấp nguyên liệu như mứt, hạt, trứng muối… cũng không thể làm hàng để giao.

“Nhìn mùa vụ trung thu trôi qua, thấy buồn quá, nhưng cũng chẳng biết làm sao,” ông Kao Siêu Lực nói.

Bà Ngọc Thúy, chủ doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu Thành Long có lịch sử hơn 50 năm, chia sẻ: “Mỗi năm chỉ có 1 mùa Trung thu. Năm nay chết vụ bánh, không biết sang năm còn bao nhiêu lò bánh có thể gượng lại để giữ thợ, giữ nghề”.

Từ sau 15/9, khi shipper được giao hàng liên quận, bà Thúy đang cố gắng sản xuất hết sức để kịp bán hàng cho khách quen mua cúng rằm, còn khách hàng tiêu thụ hàng chục tấn bánh mấy năm trước thì... đành bỏ qua.

Bánh Givral cũng khởi động kinh doanh trung thu từ tháng 8/2021, nhưng chỉ nhận đơn đặt hàng qua số điện thoại của công ty hay số hotline ở mỗi cửa hàng hoặc qua website chính thức của công ty, nên không đạt số lượng nhiều như mọi năm. 

Mondelez Kinh Đô là một trong những đơn vị tiên phong mở kênh phân phối trực tuyến bằng cách hợp tác với các sàn thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng với lượng lớn phiếu mua sắm ưu đãi. Tuy nhiên, vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đơn vị này cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng về thị trường bánh trung thu năm nay.

Theo các đơn vị sản xuất bánh trung thu tại TP. HCM, sức mua bánh năm nay sẽ không cao vì người dân nhiều quận huyện vẫn chưa được ra đường. Việc đặt mua hàng qua các ứng dụng, qua sàn với phí giao hàng khá cao khiến nhiều người hiện chưa mặn mà mua sắm. Ngay cả giao hàng trong nội quận, khách phải trả phí ít nhất 30.000 đồng/lần.

Mất vụ mùa bánh trung thu, nhà sản xuất tùy quy mô, đang bị mất doanh thu từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Theo dữ liệu của VietnamFinance, tổng sản lượng bánh trung thu có thương hiệu từ năm 2020 trở về trước của toàn thị trường đạt khoảng 5.000 tấn bánh các loại. Trong đó, các thương hiệu lớn chiếm 75% - 80%, còn lại là thị phần của các khách sạn, nhà hàng, tiệm bánh địa phương…

Dẫn đầu thị trường bánh trung thu, về số lượng (theo công bố từ năm 2014) là Kinh Đô với 2.800 tấn, dù thương hiệu này từ 2015 đã không chính thức công bố sản lượng cụ thể. Công ty Bibica, năm ngoái công bố sản lượng 600 tấn. Hàng loạt thương hiệu Đại Phát, ABC Bakery, Như Lan, Hỷ Lâm Môn, Thành Long, Ái Huê, Givral, Brodard, Đồng Khánh… góp mặt với thị trường từ hàng chục đến hàng trăm tấn bánh.

Chợ mạng tấp nập cơ hội cho bánh nhập lậu

Trong những ngày giãn cách, thị trường bánh trung thu nội quận, huyện lại sôi động bất ngờ. Các shop thời trang, mỹ phẩm, cửa hàng bánh kẹo… cũng tham gia vào bán bánh trung thu, hầu hết đều giới thiệu là hàng nhà làm (homemade), bánh tươi, không chất bảo quản… vậy nên bánh không có bao bì nhãn hiệu, không đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định…

Các loại bánh này có giá chỉ bằng 50% - 70% bánh có thương hiệu. Người mua, người bán chốt giá và mua bằng niềm tin là chính. Nhiều điểm bán có cả bánh trung thu theo kg, với mức giá chỉ 120.000- 150.000 đồng/kg.

Trong các địa phương, Hà Nội là một trog các tỉnh thành tiên phong “quét” các sản phẩm bánh không nhãn mác hợp pháp. Cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cùng công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 11.130 cái bánh trung thu sản xuất ở nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm bị thu giữ có bao bì ghi chữ Trung Quốc. Một số địa phương khác cũng liên tục phát hiện nguồn bánh trung thu nhập lậu với hình thức tương tự.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh trên địa bàn về hành vi kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tang vật là 1.524 cái bánh trung thu các loại.

Cục quản lý thị trường Gia Lai cũng phát hiện và tạm giữ 139 kg sản phẩm thực phẩm bánh trung thu được đóng gói trong 59 thùng với tổng cộng trên 3.000 chiếc bánh trung thu các loại.

Cùng chuyên mục
Tin khác