Đo tiềm lực Công ty Thanh Bình đổ vốn 2.600 tỷ làm KCN 226 ha

Hà Giang - 21/11/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thanh Bình được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình II - Giai đoạn I, tỉnh Hà Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới ký Quyết định số 1425/QĐ-TTg ngày 19/11/2024 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thanh Bình II - Giai đoạn I, tỉnh Hà Nam.

Theo đó, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thanh Bình (Công ty Thanh Bình). Dự án trên có quy mô diện tích là 226,6 ha với tổng nguồn vốn đầu tư là 2.610,4 tỷ đồng, được triển khai tại xã Thanh Nguyên và xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước cho thuê đất.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình II - Giai đoạn I, tỉnh Hà Nam.

Cơ cấu sở hữu của Công ty Thanh Bình

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thanh Bình (tên cũ: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Chí Viễn) thành lập vào 16/3/2022 và có trụ sở chính tại TDP Giáp Nhì, phường Bạch Thượng, Thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.

Công ty Thanh Bình có vốn điều lệ ban đầu là 8,6 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Sự (SN 1975). Đến ngày 24/11/2022, người đại diện doanh nghiệp kiêm Giám đốc được chuyển sang ông Nguyễn Quang Tân (SN 1984).

Ngày 26/3/2024, Công ty Thanh Bình tăng vốn điều lệ lên 62 tỷ đồng. Lúc này, người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là Bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1980), còn ông Trần Cao Cường là Chủ tịch hội đồng thành viên.

Đến ngày 20/4/2024, Công ty Thanh Bình tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng. Như vậy sau hơn 2 năm thành lập Công ty Thanh Bình đã tăng vốn lên gấp 46 lần so với thời điểm mới thành lập.

Tại thời điểm này, cơ cấu cổ đông gồm: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng dịch vụ Thương mại Việt Phát I góp 300 tỷ đồng (tương ứng 75%); Công ty TNHH Hợp Tiễn góp 20 tỷ đồng (tương ứng 5%); Phan Thị Lan góp 60 tỷ đồng (tương ứng 15%); Nguyễn Thị Hạnh góp 20 tỷ đồng (tương ứng 5%). Địa chỉ doanh nghiệp lúc này được chuyển về Căn L1 Khu nhà ở kết hợp trung tâm thương mại tổng hợp, đường Lê Duẩn, Phường Liêm Chính, Thành phố Phủ Lý, Hà Nam.

Đáng chú ý, toàn bộ phần góp vốn của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng dịch vụ Thương mại Việt Phát I được uỷ quyền cho ông Trần Cao Cường. Còn phần góp vốn của Công ty TNHH Hợp Tiễn được uỷ quyền cho ông Lê Tuấn Tài.

Cũng trong tháng 4/2024, Công ty TNHH Hợp Tiễn đã thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này, số cổ phần được chuyển sang cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng dịch vụ Thương mại Việt Phát I.

Tiềm lực của những ông chủ Công ty Thanh Bình

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng dịch vụ Thương mại Việt Phát I (Công ty Việt Pháp I) được thành lập 19/7/2023 có địa chỉ tại Cụm công nghiệp Lê Hồ, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.

Công ty Việt Phát I có vốn điều lệ ban đầu 252 tỷ đồng, người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc là ông Trần Cao Cường.

Tháng 9/2023, Công ty Việt Phát I tăng vốn điều lệ lên 338 tỷ đồng. Đến tháng 3/2024, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 680 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với thời điểm mới thành lập. Cơ cấu cổ đông lúc này gồm: ông Trần Cao Cường góp 342 tỷ đồng (tương ứng 50,295%); ông Trần Đại Dương góp 338 tỷ đồng (tương ứng 49,705%).

Trong khi đó, ông Trần Đại Dương (SN 1988) còn đứng tên tại Công ty TNHH Đầu tư và Công nghệ Hoàng Dương; Công ty TNHH Công nghệ nguồn Nhân Lực và Công ty cổ phần Interloan (Interloan)

Trong đó, Interloan được thành lập vào tháng 11/2018, trụ sở chính đặt tại số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP. HCM, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn đầu tư (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).

Interloan này ban đầu có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, do Công ty TNHH Phoenix Holdings (góp 3,25 tỷ đồng, sở hữu 65% vốn điều lệ), ông Nguyễn Đức Huỳnh (10% vốn), và bà Bùi Thị Minh Nguyệt (25% vốn). Đến tháng 5/2023, Interloan tăng vốn điều lệ lên 17 tỷ đồng.

Trong đó, Phoenix Holdings tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Bản Việt, được thành lập từ tháng 10/2015, hiện do ông Nguyễn Lân Trung Anh (SN 1988) làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Tính đến tháng 4/2022, Phoenix Holdings có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm hai thể nhân là bà Nguyễn Thanh Phượng (góp 480 tỷ đồng, sở hữu 80% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Bảo Hoàng (góp 120 tỷ đồng, sở hữu 20% vốn điều lệ).

Bà Nguyễn Thanh Phượng, nên biết, là Chủ tịch HĐQT Cổng ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (Mã CK: VCI), Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Bản Việt (Mã CK: BVB). Trong khi đó, ông Nguyễn Bảo Hoàng là Thành viên Hội đồng quẩn trị VCI, Tổng giám đốc quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam (IDGVV).

Còn lại là Công ty TNHH Hợp Tiến (Công ty Hợp Tiến) thành lập ngày 22/10/2007, có trụ sở chính tại thôn Lời, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ngành nghề chính là xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, đường dây và trạm biến áp điện từ 35kv trở xuống.

Công ty đã trải qua nhiều lần tăng vốn. Vào tháng 4/2016, vốn điều lệ Công ty Hợp Tiến tăng từ 30 tỷ đồng lên gấp đôi, đạt 60 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông gồm: Ngô Thanh Tân, Lê văn Tuyển, Lê Tuấn Tài, Lê Minh Tú mỗi người góp 6 tỷ đồng (tương ứng 10%) và Lê Văn Tiến góp 36 tỷ đồng (tương ứng 60%). Người đại diện pháp luật, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc là ông Lê Tuấn Tiến

Ngày 23/5/2017, Công ty Hợp Tiến tăng vốn lên 100 tỷ đồng. Đến 26/6/2018, Công ty tiếp tục tăng vốn lên 250 tỷ đồng. Sau đó, tại thay đổi ngày 9/12/2019, vốn điều lệ của Công ty Hợp Tiến đạt 350 tỷ đồng, cơ cấu góp vốn vẫn như trước đó.

Tại thay đổi ngày 10/2/2022, cổ đông Ngô Thanh Tân thoái toàn bộ 10% tại đây và chuyển sang ông Lê Tuấn Tài, nâng sở hữu của cổ đông này lên 20% tại Công ty Hợp Tiến. Đai diện pháp luật khi này của Công ty là ông Lê Tuấn Tài (SN 1990) kiêm Giám đốc.

Chưa hết, vào ngày 19/6/2023, Công ty Hợp Tiến thực hiện tăng vốn lên 650 tỷ đồng, cơ cấu góp vốn vẫn được giữ nguyên.

Cơ cấu cổ đông của Công ty Hợp Tiến.

Dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, Công ty Hợp Tiến đã tham gia 21 gói thầu, trong đó trúng 17 gói, trượt 1 gói, 1 gói chưa có kết quả và 2 gói bị hủy. Tổng giá trị trúng thầu đạt 809,8 tỷ đồng, tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với dự toán đạt 95,4%. Các tỉnh thành đã tham gia thầu gồm: Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Cạn, Hòa Bình...

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, công ty này từng trúng thầu nhiều gói thầu như: Gói thầu số 8 thi công xây dựng công trình giai đoạn 2 thuộc dự án cải tạo, sửa chữa đường ĐT.498B huyện Kim Bảng (giá trúng thầu 40,7 tỷ đồng); Gói thầu số 3 thi công xây dựng công trình thuộc dự án cải tạo, chỉnh trang tuyến đường Lý Thái Tổ, thành phố Phủ Lý (giá trúng thầu 46,683 tỷ đồng); Gói thầu số 2 thuộdự án hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực Tây đáy, huyện Thanh Liêm năm 2020 (giá trúng thầu 14,2 tỷ đồng)…

Trước đó vào năm 2018, Công ty TNHH Hợp Tiến cũng được UBND tỉnh Hà Nam lựa chọn là nhà đầu tư xây dựng tuyến đường 68m địa bàn xã Liêm Chung, TP. Phủ Lý. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 1,86km, theo hình thức BT, dự kiến giao nhà đầu tư 45,24ha đất đối ứng để kinh doanh…

Cùng chuyên mục
Tin khác