Doanh nghiệp nhập ô tô ‘kêu trời’ vì không ‘đào’ đâu Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại

Vĩnh Chi - 12/12/2017 14:04 (GMT+7)

(VNF) – Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Nhóm công tác Ô tô – Xe máy cho rằng một số quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP đang gây ảnh hưởng hết sức nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp ô tô.

VNF
Một số quy định tại Nghị định 116 được cho là đang "trói tay" doanh nghiệp nhập khẩu ô tô

Không thể tìm được bất kỳ giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại nào

Điểm a, Khoản 2, Điều 6 Nghị định 116 quy định: "Đối với ô tô chưa sử dụng, khi tiến hành kiểm tra, thử nghiệm, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài từ ngày 1/1/2018".

Theo Nhóm công tác Ô tô – Xe máy của VBF, đa số doanh nghiệp ô tô cho biết họ không thể nào tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào theo như mô tả tại Nghị định 116.

Nguyên nhân là Chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và chỉ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô tô tiêu thụ trong nước. Còn các xe ô tô sản xuất để xuất khẩu không được cấp.

"Các xe ô tô xuất khẩu được sản xuất với mục tiêu đáp ứng mong đợi của khách hàng và tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể của từng quốc gia nhập khẩu. Do đó, sẽ luôn có sự khác biệt nhất định giữa thông số kỹ thuật của xe xuất khẩu và xe tiêu thụ trong nước", Nhóm công tác nhấn mạnh.

Cũng theo Nhóm công tác, một số quốc gia còn không có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho toàn xe vì Chính phủ chỉ kiểm tra khí thải, hoặc để nhà sản xuất tự chứng nhận.

"Một số quốc gia có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, nhưng có thể lại không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái, tiêu chuẩn khí thải hay thông số kỹ thuật".

Bản tổng hợp chi tiết các giấy chứng nhận chất lượng ở nước ngoài và nhận định về khả năng được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp thuận 

Do vậy, Nhóm công tác Ô tô – Xe máy VBF kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét linh hoạt chấp thuận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hoặc do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp hoặc do Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra và cấp.

Yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu đang gây lãng phí 10.000 USD

Theo Nhóm Công tác Ô tô – Xe máy VBF, quy định yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp.

"Các doanh nghiệp ô tô không thể tuân thủ được quy định này do gánh nặng của việc cùng một kiểu loại xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm lại nhiều lần về khí thải và an toàn theo từng lô hàng nhập khẩu.

"Quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng và chỉ làm lãng phí thêm thời gian (lên tới 2 tháng) và làm tăng chi phí (lên tới 10 nghìn USD) cho việc thử nghiệm theo từng lô hàng", Nhóm công tác cho biết.

Vì vậy Nhóm công tác "xin được khẩn thiết đề nghị" Bộ giao thông vận tải và Cục đăng kiểm Việt Nam khi tiến hành dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 cần bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định hiện hành, mà không cần thử nghiệm lại.

Theo nhận định của Nhóm công tác, các quy định nêu trên của Nghị định 116 có thể đặt Việt Nam vào tình huống không tuân thủ với các thông lệ và cam kết quốc tế.

Ví dụ theo như Hiệp định thương mại Việt Nam-EU tới đây, Việt Nam sẽ tự động chấp thuận mà không yêu cầu phải thử nghiệm lại đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn tương đương hoặc cao hơn đã được chứng nhận bởi Liên minh châu Âu.

"Chúng tôi xin kiến nghị Chính phủ duy trì thông lệ hiện nay là chấp thuận chứng nhận UNECE, vốn phù hợp với các Tiêu chuẩn Kỹ thuật Quốc gia Việt Nam hiện hành. Đối với trường hợp linh kiện hay cụm linh kiện, các ký hiệu chứng nhận hợp chuẩn UNECE hợp lệ được ghi dấu trên một sản phẩm có thể được coi là bằng chứng đầy đủ rằng sản phẩm này có giấy chứng nhận có hiệu lực.

Các cam kết này nhằm tạo điều kiện cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Việc này cũng phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính của Việt Nam cũng như các mục tiêu và nguyên tắc của các Hiệp định thương mại: thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau, loại bỏ và ngăn ngừa các rào cản phi thuế quan đối với thương mại song phương", Nhóm công tác nhận định.

Cùng chuyên mục
Tin khác