Doanh nghiệp số 'Go Global': Cánh chim nhỏ vượt biển lớn

Ngọc Lưu - 08/05/2023 15:35 (GMT+7)

(VNF) - Hình ảnh chú chim nhỏ băng qua đại dương được Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT dùng để miêu tả về hành trình của doanh nghiệp này khi đi ra nước ngoài và ghi tên vào bản đồ công nghệ số thế giới. Trên hành trình này, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế, tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.

VNF

Tấm áo đã chật

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết năm 2022, doanh thu xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam là 2,2 tỷ USD do 1.000 doanh nghiệp và 80.000 kỹ sư thực hiện. Con số này chỉ chiếm 0,1% tổng doanh thu 1.803 tỷ USD của dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm trên thế giới. Trong khi đó, thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam trong năm 2022 có dung lượng xấp xỉ 2 tỷ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có hơn 40.000 doanh nghiệp và 550.000 kỹ sư.

Những con số này cho thấy quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ công nghệ thông tin hiện nay cũng như trong tương lai. Ở phía ngược lại, thị trường công nghệ thế giới đang có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Lợi thế lớn nhất mà doanh nghiệp Việt có được khi đi ra toàn cầu là nhân sự giá rẻ nhưng chất lượng cao.

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), thế giới hiện vẫn còn khoảng 49% dân số trong tổng số 8 tỷ người, tức là còn gần 4 tỷ người, chưa được kết nối Internet. Đây là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải các bài toán chuyển đổi số ở các nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam là thị trường chật chội. Các tổ chức chưa sẵn sàng chi nhiều cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rất nhiều. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ, khai thác thành công các thị trường mà các công ty công nghệ số lớn đang bỏ ngỏ. Đây là năng lực cạnh tranh chính của Việt Nam để có thể đi ra nước ngoài.

Theo đánh giá của người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam, một thế mạnh rất quan trọng của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đa số các công ty này đều do người sáng lập đang điều hành, tức là thế hệ F1, trong khi nhiều đối thủ quốc tế đã là F2, F3. Sức mạnh của F1 là một sức mạnh rất đặc biệt, rất lớn, có một không hai. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các doanh nghiệp cần tận dụng thế mạnh này, bởi nếu không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Những cánh chim đầu đàn

Khi kể về hành trình đi “mở cõi” của FPT, ông Trương Gia Bình tâm đắc với hình ảnh chú chim nhỏ vượt đại dương và ví đó như là hành trình của doanh nghiệp công nghệ này. Theo ông Bình, năm 2000, FPT mở liền một lúc 2 văn phòng tại nước ngoài. Trong đó, văn phòng đầu tiên tại Bangalore (Ấn Độ), thủ phủ ngành phần mềm thế giới và văn phòng thứ 2 tại thung lũng Silicon (Mỹ), thủ phủ công nghệ thế giới.

Nghe thì rất hoành tráng, nhưng theo lời kể của ông Bình, trong suốt 2 năm, doanh nghiệp của ông không ký được hợp đồng nào. Trong số 34 kỹ sư của FPT thời điểm đó, rất nhiều người đã có ý định buông bỏ. “Tiền hết, nhưng còn một niềm tin: Người Ấn độ làm được thì người Việt Nam cũng làm được”, ông Bình tâm sự.

“Hai năm đầu chúng tôi không bán được hàng, thậm chí thuê cả người Mỹ làm giám đốc bán hàng cũng chẳng ăn thua. Cứ 1 tháng tôi dành một nửa thời gian ở nước ngoài gặp vài chục công ty, nhưng kết quả là vẫn không bán được hàng. Cho đến khi tôi gặp lãnh đạo IBM và nói là nếu các bạn mua 1 USD phần mềm của tôi thì tôi sẽ mua 1.000 USD phần cứng của các bạn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi ký được hợp đồng làm phần mềm với với IBM. Tuy rất nhỏ nhưng nó động viên tôi rằng: IBM mua được thì tại sao các công ty khác không mua được”, ông Bình nhớ lại những ngày đầu đi ra nước ngoài của FPT.

Một lần khác khi đến Nhật Bản, quốc gia mà khi FPT nghiên cứu nhiều năm, ông nhận thấy Ấn Độ không thể phát triển được ở thị trường Nhật Bản. “Khi tôi sang Nhật Bản, người ta nói với tôi rằng họ không nói được tiếng Anh. Do vậy muốn làm phần mềm với chúng tôi, họ phải học tiếng Anh và sau này học xong họ sẽ làm việc với chúng tôi. Câu nói này có nghĩa là không”, ông Bình kể lại và hiểu ra rằng nếu nói được tiếng Nhật thì sẽ làm việc được ngay với người Nhật và việc học tiếng Nhật sẽ mở cơ hội cho FPT ở thị trường Nhật. “Vậy là vì thị trường Nhật, vì tiếng Nhật mà FPT đã xin Chính phủ cho thành lập Đại học FPT - trường đại học đầu tiên dạy các kỹ sư phần mềm nói tiếng Nhật và trở thành trung tâm đào tạo tiếng Nhật lớn nhất thế giới ngoài Nhật Bản”, ông Bình tiếp tục kể.

Cũng chia sẻ về hành trình đi ra nước ngoài, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng cho biết sau khi doanh nghiệp này tham gia vào lĩnh vực viễn thông từ những năm 2000 với dịch vụ VoIP và năm 2004 tham gia thị trường di động, thì chỉ 2 năm sau, Viettel xác định thị trường Việt Nam tuy rộng lớn, lên tới trăm triệu dân nhưng để phát triển bền vững lâu dài thì cần tìm kiếm thị trường rộng lớn hơn nữa. Đó là lý do năm 2006, Viettel bắt đầu đi ra thị trường nước ngoài, đầu tiên là Campuchia.

“Đi ra nước ngoài là cơ hội lớn nhưng cũng phải sẵn sàng đón nhận rất nhiều thách thức và rủi ro. Bởi ở mỗi nước đều có những thể chế chính trị, văn hóa, ngôn ngữ và ẩm thực khác nhau, thêm nữa là rủi ro về tỷ giá. Đứng trước hàng loạt thách thức và rủi ro như vậy, thực sự nếu không có khát vọng đi ra nước ngoài, không có khát vọng chinh phục thị trường quốc tế thì khó có thể vượt qua được”, ông Tào Đức Thắng nói.

Theo ông Thắng, sau 3 năm nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác, xin giấy phép, xây dựng hạ tầng mạng lưới, tháng 2/2008, Viettel chính thức khai trương thị trường tại Campuchia với thương hiệu Metfone và cũng là thị trường nước ngoài đầu tiên. Khi đó Campuchia có 6 nhà khai thác, tuy nhiên chỉ 2 năm sau Metfone đã vươn lên vị trí số 1 về thị phần. Đồng thời, năm 2009, Viettel tiếp tục khai trương tại thị trường Lào (thương hiệu Unitel).

Với khát vọng lớn, Viettel liên tục mở rộng ra nước ngoài trong các năm tiếp theo. Cụ thể, năm 2011, Viettel khai trương dịch vụ tại Haiti (thương hiệu Natcom); năm 2012 tiếp tục khai trương tại thị trường Mozambique (thương hiệu Movitel). Sau đó là thị trường Đông Timor ở châu Á vào năm 2014, năm 2015 là thị trường Cameroon và Tanzania tại châu Phi. Thị trường Peru được Viettel khai trương năm 2014 cũng là lần đầu tiên tập đoàn này đầu tư tại một nước giàu có hơn Việt Nam và gần nhất là thị trường Myanmar năm 2018.

Với một doanh nghiệp công nghệ khác là MISA, hành trình ra nước ngoài theo lời kể của thuyền trưởng Lữ Thành Long là cách đây 4 năm, với trăn trở về câu hỏi “mình có thể làm được những sản phẩm có hàng triệu người dùng, cả trăm nghìn doanh nghiệp sử dụng, về công nghệ không hề thua kém gì hàng ngoại, vậy tại sao không đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài được?”, MISA bắt đầu xây dựng bộ phận để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

“Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đơn giản là chỉ cần đưa sản phẩm lên mạng, tìm cách marketing và bán. MISA cũng bán được cho khách hàng ở nhiều nước nhưng số lượng không đáng kể. Muốn mang sản phẩm ra thế giới thì phải đi nhiều. Tôi cùng team của MISA đã tham dự nhiều hội thảo tại nhiều nước khác nhau. Khi bước chân vào thị trường các nước Âu, Mỹ, chúng tôi nhận thấy với các sản phẩm mang ra thế giới thì ở mỗi quốc gia lại có đơn vị phát triển và phân phối riêng. Đặc thù nhà hàng của họ là muốn hỗ trợ tại chỗ, vì vậy nếu chỉ đơn thuần ngồi ở Việt Nam và bán trên mạng thì rất khó triển khai được. Do vậy, chúng tôi tìm cách phát triển hệ thống các kênh phân phối. Hiện MISA đã có mặt tại 20 quốc gia và doanh số cũng bắt đầu đạt mức triệu USD”, ông Lữ Thành Long nói.

Doanh nghiệp số Việt Nam cần gì?

Để việc đi ra nước ngoài của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam dễ dàng và thành công hơn, ông Tào Đức Thắng kiến nghị dựa trên cơ sở của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cần có các nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy doanh nghiệp tiến ra nước ngoài. Cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn thành “sếu đầu đàn” để hỗ trợ các doanh nghiệp khác tạo sức mạnh cộng hưởng để cùng phát triển. Cùng với đó, hoàn thiện các cơ sở pháp lý tại Việt Nam để có quy định cho các hoạt động của doanh nghiệp Việt tại nước ngoài như mua bán - sáp nhập, thoái vốn…

Cũng theo ông Thắng, các doanh nghiệp Việt cần khảo sát, đánh giá kỹ về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, luật pháp nước sở tại trước khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, phải tập trung nguồn lực để triển khai nhanh nhằm tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả dự án. Các doanh nghiệp Việt cũng cần gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương sở tại, thượng tôn pháp luật, tham gia xây dựng chính sách, kinh doanh nhưng phải gắn liền với lợi ích xã hội.

Trong khi đó, ông Lữ Thành Long đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp để kết nối, hợp tác một cách nhanh chóng, hiệu quả với các nhà phân phối ở các quốc gia. Đặc biệt, MISA mong muốn các doanh nghiệp khi ra nước ngoài cần đi cùng nhau để phát triển, hỗ trợ, tạo sức mạnh đồng hành chinh phục thị trường thế giới.

Trong vai trò nhà nước, để thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mạnh dạn đi ra nước ngoài, trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với các cơ quan liên quan sẽ mở đường, các doanh nghiệp đã đi ra nước ngoài thành công sẽ hỗ trợ, kéo các doanh nghiệp khác cùng đi.

Để đẩy nhanh quá trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài. Cơ quan này cũng sẽ tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài, tham mưu Chính phủ ký kết các hiệp định đối tác số với các nước. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cam kết sẽ là chỗ dựa, là cầu nối, sát cánh cùng doanh nghiệp ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp số Việt Nam đặt chân đến.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
'Ông lớn' Alibaba dự kiến chi hơn 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

'Ông lớn' Alibaba dự kiến chi hơn 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

(VNF) - Theo Nikkei Asia đối tác của Alibaba trong đầu tư xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là Viettel và VNPT.

Ông Trần Thanh Mẫn điều hành Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ

Ông Trần Thanh Mẫn điều hành Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ

(VNF) - Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

(VNF)- Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm 2024

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm 2024

(VNF) - Theo tính toán của Chính phủ, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2024 sẽ làm giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Xoá nợ của Pacific Airlines, Vietnam Airlines lãi kỷ lục 4.300 tỷ

Xoá nợ của Pacific Airlines, Vietnam Airlines lãi kỷ lục 4.300 tỷ

(VNF) - Kết thúc quý I/2024, Vietnam Airlines lãi ròng 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 103 tỷ đồng. Đây là khoản lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập.

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ

(VNF) - Chiều 2/5, Quốc hội đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ.

Vinmec nhận 4 giải thưởng quốc tế về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững

Vinmec nhận 4 giải thưởng quốc tế về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững

Hệ thống Y tế Vinmec vừa nhận 4 giải quốc tế cho 4 hạng mục lớn: “Doanh nghiệp tốt nhất tại Việt Nam”, “Doanh nghiệp vì cộng đồng tốt nhất”, “Doanh nghiệp trao quyền cho phụ nữ” và “Nơi làm việc tốt nhất” trong khuôn khổ Hội nghị CSR và ESG toàn cầu lần thứ 16.

Ngày 3/5, tiếp tục đấu thầu vàng miếng

Ngày 3/5, tiếp tục đấu thầu vàng miếng

(VNF) - Sáng mai (3/5), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng, với khối lượng 16.800 lượng vàng miếng SJC, giá tham chiếu để tính đặt cọc lên 82,9 triệu đồng/lượng.

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu

(VNF) - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong báo cáo mới nhất, dựa trên những dấu hiệu sáng sủa hơn về lạm phát và nhu cầu, mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức khiêm tốn.

Khoản lãi ‘bé hạt tiêu’ của Hodeco

Khoản lãi ‘bé hạt tiêu’ của Hodeco

(VNF) – Quý I/2024, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, HoSE: HDC) đã lập kỷ lục về lợi nhuận, nhưng đó là kỷ lục lợi nhuận sau thuế thấp nhất lịch sử.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.