'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tập đoàn Công nghệ CMC vừa trải qua một năm kinh doanh (niên độ 1/4/2018 - 31/3/2019), với doanh thu hợp nhất gần 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 300 tỷ đồng. Mục tiêu của CMC giai đoạn 2019 - 2023 là trở thành “công ty tỷ USD”, với 10.000 nhân sự vào năm 2023.
Với cột mốc doanh thu đó, CMC sẽ trở thành tập đoàn toàn cầu với đẳng cấp quốc tế.
“Thế giới đang mở ra một thời kỳ mới, đó là kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, của trí tuệ nhân tạo và robotics. Tôi tin, chỉ có xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu, mới có thể đem lại những sản phẩm dịch vụ giá trị cho khách hàng và cho xã hội”, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC nói.
Cùng với chiến lược đó, CMC sẽ tái cấu trúc kinh doanh theo thế kiềng ba chân, tương ứng với 3 tổng công ty mới chính thức đưa vào vận hành từ năm tài chính2019.
Trong đó, khối giải pháp và công nghệ tin học tập trung dẫn đầu về tư vấn chuyển đổi số cho tổ chức, doanh nghiệp.
Khối kinh doanh quốc tế với mục tiêu trở thành công ty cung cấp, xuất khẩu dịch vụ, giải pháp công nghệ top 5 Việt Nam, tập trung vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ…, phát triển thị trường mới Bắc Âu.
Khối dịch vụ viễn thông đang sở hữu những thế mạnh về hạ tầng như Data Center đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được cấp Chứng chỉ PCI DSS 3.2, một trong 3 công ty đầu tiên trên thế giới đạt được Chứng chỉ MEF 3.0.
Tầm nhìn, mục tiêu của CMC đã rõ, con đường để đến đích có thể là “cao tốc” hay “đèo núi”. Chặng đường hơn hai thập kỷ CMC trải qua đã được giới truyền thông khai thác. Nhưng, có những câu chuyện thật đến giờ người đồng sáng lập CMC mới tự thổ lộ.
Tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội năm 1987, ông Chính được nhận vào làm ở Viện Nghiên cứu công nghệ quốc gia. Thật không may, 2 năm sau, nơi này bị cháy, tất cả tài liệu, sản phẩm, máy tính phục vụ nghiên cứu bị thiêu rụi.
“Nếu không có vụ cháy đó, thì năm 1989, Việt Nam đã có máy tính đầu tiên”, ông Chính tiếc nuối.
Sau 1 năm gần như thất nghiệp, vị Viện trưởng gật đầu cho những người như ông thành lập Trung tâm ADCOM, tự hoạch toán, tự lo liệu để kiếm sống. Đó là lúc ông Chính cùng với vị trưởng phòng bấy giờ là ông Hà Thế Minh (cố Chủ tịch Tập đoàn CMC, khi đó 29 tuổi), ấp ủ ý định mở doanh nghiệp.
Năm 1993, sau khi Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời, ông quyết định thành lập Công ty TNHH HT&NT, tiền thân của Tập đoàn CMC sau này. Với sự may mắn, chính xác hơn là nhờ năng khiếu kinh doanh, ông đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng cách bán các sản phẩm máy tính Made in Việt Nam.
“Thành lập doanh nghiệp là quyết định dũng cảm. Bởi không ai từ nơi rất thanh cao, theo nghĩa của thời bao cấp là làm ở cơ quan nhà nước, lại nhảy sang làm tư nhân, bị coi là con buôn”, ông Chính kể lại.
Năm 1998, CMC thành lập Blue Sky - siêu thị bán lẻ hàng điện tử đầu tiên tại Việt Nam và nhanh chóng tạo dựng được danh tiếng. Nhưng sau đó một thời gian ngắn, do thay đổi cách tính thuế, áp dụng thuế VAT, hàng trốn thuế nhanh chóng tràn ngập thị trường, mô hình siêu thị Blue Sky bị phá sản.
Nguyên nhân thất bại được chỉ ra không phải do đầu tư trái ngành, mà do đi sớm hơn thị trường, không chuẩn bị đối phó với rủi ro thị trường, sự thay đổi của chính sách.
Cho đến năm 2006 - 2007, khi thị trường chứng khoán ra đời ở Việt Nam, CMC nhận thấy cơ hội mới, cổ phần hoá công ty mẹ và bắt đầu tái cấu trúc với 4 công ty ban đầu thành mô hình Tập đoàn Công nghệ CMC. Ba năm liên tục sau đó, CMC tăng trưởng vượt bậc, doanh thu từ ngàn tỷ đồng mỗi năm đã tăng lên vài ngàn tỷ đồng. Mức tăng trưởng thần tốc khiến đội ngũ lãnh đạo CMC “hồn nhiên” nghĩ rằng, với cách quản trị đó, mô hình kinh doanh của Tập đoàn tiếp tục phi mã.
Năm 2007, khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, kéo theo bất động sản sụp đổ. Ông Chính cùng các cộng sự cứ nghĩ, Việt Nam sẽ miễn nhiễm với cơn địa chấn đó và không có sự chuẩn bị. Hai năm sau, cuộc khủng hoảng khiến hàng loạt đối tác, khách hàng là doanh nghiệp bất động sản của CMC bị đóng băng hoạt động, hàng tồn kho chất đống, nợ xấu lên tới vài ngàn tỷ đồng.
“Vừa lên sàn chứng khoán, CMC đã bị liệt vào diện kiểm soát đặc biệt vì thua lỗ. Chúng tôi bị sai lầm kép. Đó là cú sốc cực kỳ lớn với tôi những năm 2011”, ông Chính nhớ lại quãng đường khó khăn.
Ngay lúc rơi vào bế tắc, ông Chính nhận được lời mời đi đảo Trường Sa. Chuyến đi đó tiếp thêm cho ông nguồn năng lượng mới. “Tôi xuống tất cả các đảo, chứng kiến phẩm chất của người lính mà tôi từng có thời gian trải qua. Tôi hiểu, khi kiên định đi theo con đường đã chọn thì nhất định sẽ thành công”, ông Chính chia sẻ.
Trong vòng 2 năm sau đó, từ chỗ chỉ muốn ra ngoài kinh doanh, thúc đẩy mối quan hệ, ông quay trở lại chấn chỉnh nội bộ, xây dựng năng lực tổ chức. Đó là lần đầu tiên, CMC xây dựng được bộ quản trị doanh nghiệp hiện đại đầy đủ, hoàn toàn có thể kiểm soát được công ty, thúc đẩy phát triển.
“Lúc đó tôi nghĩ, nếu CMC vẫn thành công với năng lực cá nhân, kinh nghiệm lâu năm, thì đó chỉ là mô hình quản trị thuận tiện. Mô hình đó không phù hợp với tập đoàn lớn, công ty đại chúng với đội ngũ nhân sự vài ngàn người. Trong khi, tầm nhìn của tôi là vươn ra khu vực và toàn cầu”, ông chia sẻ.
CMC vươn ra toàn cầu được cho là chậm chân hơn đối thủ. Trước đó, Tập đoàn FPT đã hiện thực giấc mơ doanh nghiệp tỷ USD khi vươn ra thị trường Mỹ với thương vụ mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting, một trong những công ty tư vấn công nghệ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.
Tuy nhiên, ông Chính không nghĩ vậy. Với ông, thời điểm CMC vươn ra toàn cầu có thể chậm, nhưng đó là bước đi ông thấy phù hợp, khi CMC có điều kiện thích hợp, đủ độ chín.
“Nếu nóng vội, một khi sụp xuống không cách gì đỡ được. Quan trọng là phải vững vàng trên con đường dài”, ông Chính nói và tin, CMC đã hội đủ các điều kiện về kinh nghiệm quản trị, sự trưởng thành của lãnh đạo, hệ thống công nghệ cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.
Hành trình vươn ra toàn cầu của CMC mới chỉ bắt đầu và đang phải đối mặt với tình trạng khát nhân lực công nghệ trên thế giới. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc đang có chiến dịch “săn đầu người”, trả lương kỹ sư phần mềm liên quan tới blockchain, trí tuệ nhân tạo cao hơn cả châu Âu, Mỹ.
Việc thu hút nhân lực không bao giờ là dễ dàng đối với các tập đoàn công nghệ. CMC sớm nhìn thấy điều này và chỉ cạnh tranh bằng bằng phát minh sáng chế. CMC dành 50% thời gian xây dựng công ty sáng tạo. Hơn 2.500 cộng sự đang chung tay, góp trí cùng ông đưa CMC phát triển. Đó chính là phần hồn của CMC, vì thế, các thành viên trong “gia đình lớn” CMC luôn được tạo điều kiện để tiếp nhận cơ hội, thể hiện tài năng và sống với đam mê của mình.
Thành công không chỉ đến từ những người dẫn đầu, mà còn là sự trợ giúp đắc lực từ rất nhiều cộng sự. Vận mệnh tương lai của “gã khổng lồ” CMC được đặt lên đôi vai của mỗi thành viên trong Tập đoàn. Ông mong, mỗi người CMC hãy tự làm mới mình, tự thay đổi, bằng cách nghĩ sáng tạo, từ bỏ những thói quen cũ lạc hậu. “Mỗi nhân sự cần phải đốt cháy ngọn lửa khát vọng, đam mê chinh phục đỉnh cao mới. Mỗi người CMC sẽ là một sứ giả của lòng khát khao và quyết tâm thay đổi”, ông Chính nói.
Trong cuộc trò chuyện, ông Chính không ít lần nhắc đến những cuộc đua marathon mà ông từng tham gia. Cuộc đua này với ông không chỉ để chiến thắng người khác, mà còn học cách chiến thắng chính mình. Chạy bộ không những rèn luyện thể lực, mà còn rèn ý chí, tinh thần lạc quan, kiên trì, luôn tiến về phía trước. Marathon không chỉ là một môn thể thao, mà đã trở thành phong cách sống của vị thuyền trưởng Tập đoàn công nghệ CMC.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.