Đón nguồn điện vô tận: Giá rất cao, nỗi lo đáng sợ
Lương Bằng -
07/05/2019 07:10 (GMT+7)
Dự án điện mặt trời đang chạy nước rút, kịp vận hành trước tháng 7/2019 để được mua với giá rất cao là 2.086 đồng/số điện trong vòng 20 năm. Nhưng câu chuyện sau tháng 6/2019 là rất khác.
Rõ hình hài những cánh đồng điện mặt trời
Một buổi trưa nắng như đổ lửa, công trường dự án năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 và Dầu Tiếng 3 tại Tây Ninh nhộn nhịp công nhân thi công. Các tấm pin mặt trời được lắp đặt trải dài trên diện tích hàng trăm ha, nhìn hun hút.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Hùng Cường, Chỉ huy trưởng công trường, cho hay: "Đây là vùng bán ngập, điều kiện thi công khó khăn. Nhưng chúng tôi đã gần về đích và tương đối thành công".
Dự án điện mặt trời của Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh được xem là lớn nhất Việt Nam thời điểm này. Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá dự án nằm ở vị trí rất đắc địa cho điện mặt trời.
Dự án có tổng công suất thiết kế 500 MW. Các dự án này có quy mô đầu tư gần 12.760 tỷ đồng, sử dụng 720 ha đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng thuộc các xã Tân Hưng, Tân Phú (huyện Tân Châu) và xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), do Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) góp vốn đầu tư. Nhà thầu thi công 3 dự án này là Power China (Trung Quốc).
Ông Vũ Hùng Cường, Chỉ huy trưởng công trường, cho hay: Dự án đã sẵn sàng lên lưới điện quốc gia 150 MW đầu tiên và cố gắng từ 15/5 đến ngày 30/6/2019 sẽ hòa lưới toàn bộ các nhà máy còn lại.
Ông Cường cho biết triển khai một dự án điện mặt trời thì khâu khó nhất chính là “thủ tục”, còn khâu lắp đặt thiết bị rất đơn giản, thời gian lắp các tấm pin chỉ 6 tháng.
Một dự án khác ở Long An cũng đang gấp rút hoàn thành. Đó là dự án Euro Plast có tổng mức đầu tư ban đầu 1.157 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2018. Dự án do Công ty cổ phần Nhựa châu Âu làm chủ đầu tư, sau đó chuyển giao cho Công ty Sao Mai.
“Theo tính toán, với sản lượng điện 70-80 triệu kWh/năm, doanh thu của dự án điện mặt trời này khoảng 160 tỷ đồng/năm”, đại diện nhà đầu tư cho hay.
Cách dự án Euro Plast không xa là “cánh đồng điện mặt trời” Đức Huệ 1 của Tập đoàn Thành Thành Công. Dự án gần như đã hoàn thành, chỉ còn làm đường giao thông nội bộ và tường rào bao quanh.
Ông Phạm Chương Dương, Giám đốc dự án cho hay: Liên doanh nhà thầu của Dự án là Sharp Corporation và Hawee Industrial JSC đã thực hiện thi công trong khoảng 10 tháng và cam kết hiệu suất tấm pin giảm 0,7%/năm, tuổi thọ cơ khí của dự án là 20 năm, khi hết hạn sử dụng nhà thầu sẽ thu hồi các tấm pin mặt trời.
Công nhân ngồi nghỉ ngơi dưới các cột điện mặt trời. Ảnh: Lương Bằng
Sau Nhà máy Điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 sẽ có một dự án khác của tập đoàn đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019. Như vậy, Thành Thành Công có 7 nhà máy điện mặt trời vận hành trước thời điểm tháng 7/2019.
Chuyến phiêu lưu cho người đến sau
Các dự án kể trên là một trong số nhiều dự án được hưởng giá ưu đãi 2.086 đồng/kWh nếu vận hành trước tháng 7/2019. Hiệu quả là rất rõ ràng. Nhưng không phải dự án nào được cấp phép cũng có thể “chạy nước rút” để về đích kịp thời. Nguy cơ cho người chậm chân là hiện hữu.
Ngay cả khi kịp về đích, nhiều dự án cũng có khả năng không phát huy hết hiệu quả nếu đặt ở các vị trí lưới điện đang quá tải. Trường hợp này, các dự án sẽ bị giải tỏa công suất, nói nôm na, là không được phép phát điện lên lưới.
Theo Bộ Công Thương, sau khi Quyết định 11 có hiệu lực, đến 3/2019, có 5 dự án điện mặt trời vận hành phát điện với tổng công suất 240 MW; khoảng 8.000 MW điện mặt trời được phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020 và khoảng 12.000 MW giai đoạn đến 2025. Ngoài ra, có hơn 200 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 17.000 MW đang đăng ký triển khai.
Có nghĩa, tổng công suất dự án điện mặt trời được duyệt quy hoạch và đăng ký triển khai là con số "khổng lồ" hơn 37.000 MW, trong khi tổng công suất điện cả nước hiện mới chỉ là 46.000 MW, và mất tới... 60 năm mới đạt được. Cảnh báo đó là có thực. Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tuy hạ tầng lưới điện 110-220-500KV của miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên đã được đầu tư nâng cấp những năm qua nhưng một số khu vực vẫn không đáp ứng được yêu cầu truyền tải thêm công suất từ các dự án điện mặt trời.
Tính toán của EVN cho thấy, lượng công suất các dự án điện gió, mặt trời có khả năng không phát được công suất trong năm 2019-2020 tại một số khu vực quá tải là khá lớn, ảnh hưởng đến công tác vận hành an toàn của hệ thống cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án.
Một số tỉnh gặp khó khăn trong vấn đề giải tỏa công suất là Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Đắc Lắk.
Sau tháng 6/2019, việc phát triển điện mặt trời sẽ không còn nhận được nhiều ưu đãi như trước. Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định mới thay thế Quyết định 11 theo hướng giảm bớt ưu đãi cho dự án điện mặt trời.
Mức giá ở vùng có nhiều tiềm năng điện mặt trời nhất giảm xuống chỉ còn là 1.525 đồng/kWh (mức giá này thấp hơn nhiều con số 2.086 đồng/kWh mà các dự án vận hành trước tháng 7/2019 được hưởng).
Lý do được đưa ra là để giảm các vấn đề tắc nghẽn lưới; dễ dàng tích hợp lưới; tăng sự đồng thuận của cộng đồng; tránh những cạnh tranh quá mức về đất đai; cho phép các dự án ở những khu vực cường độ bức xạ thấp đạt được hiệu quả như các dự án ở khu vực có cường độ bức xạ cao.
Vậy nên, cuộc chạy đua điện mặt trời sau tháng 6/2019 sẽ là khúc cua khó khăn cho những "tay lái"!
Điện mặt trời có thay được nhiệt điện?
Ông Vũ Hùng Cường, Chỉ huy trưởng công trường dự án điện mặt trời Dầu Tiếng, đánh giá với tư cách cá nhân: Để phát triển điện mặt trời phải đồng bộ hệ thống lưới. Cho nên, điện mặt trời không thay thế được nhiệt điện mà phải triển khai song song các nguồn điện. Khi vận hành cần có sự bù trừ cho nhau nên phải đầu tư song song.
Thông tin của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết: Qua thực tế công tác vận hành của A0 thì công suất của các nhà máy điện có thể sụt giảm 50-60% trong vòng 1 phút và 90% trong vòng 4-5 phút nếu mây che. Để bù được công suất trong khoảng thời gian đó là rất khó khăn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone