Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Khu vực Paradise - Bãi Sau có diện tích 220 ha, được xem là khu đất "độc nhất vô nhị" tại thành phố biển Vũng Tàu hiện nay.
Vào năm 1991, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy phép cho Liên doanh Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan, Trung Quốc) làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị, du lịch, văn hóa và thể thao tại khu đất Paradise.
Dự án có thời hạn hoạt động 25 năm với tổng vốn đầu tư hơn 97 triệu USD, trong đó phía Việt Nam góp 25% bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Dù được đặt rất nhiều kỳ vọng tuy nhiên trong suốt 25 năm, chủ đầu tư chỉ xây dựng được một số hạng mục như sân golf 27 lỗ (rộng 130ha, đưa vào hoạt động từ năm 1995), khu thể thao dưới nước, khách sạn 38 phòng và khu nhà gồm 54 căn.
Những hạng mục chính như khách sạn 500 phòng, làng dân tộc thiểu số Việt Nam, công viên giải trí… không được triển khai xây dựng theo tiến độ cam kết.
Hoạt động èo uột đã khiến kỳ vọng lợi nhuận 50 triệu USD của Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu tan thành mây khói. Không chỉ vậy, Liên doanh còn chìm ngập trong nợ nần. 25 năm hoạt động, Liên doanh chỉ đóng được vỏn vẹn 1 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước.
Tháng 4/2016, dự án chính thức hết hạn. Phía nhà đầu tư Đài Loan mong muốn dự án được gia hạn giấy phép hoặc giao đất để kêu gọi đầu tư, song UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu không chấp nhận.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, bởi theo quy định, các bên liên doanh đã đầu tư, khai thác dự án phải tổ chức thanh lý dự án, mà việc này vốn không hề dễ dàng.
Hồi tháng 8/2016, Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu đã ban hành Thông báo số 202-TB/TU về chủ trương lựa chọn nhà đầu tư cho khu vực Paradise - Bãi Sau.
Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: vốn đầu tư của dự án phải từ 2 tỷ USD trở lên; vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 25% tổng vốn đầu tư của dự án; thời gian hoàn thành dự án tối đa là 3 năm. Ngoài ra, việc đầu tư vào khu vực Paradise phải kết nối với khu Bàu Trũng trong cùng 1 dự án.
Mới đây, tại cuộc họp với Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Long, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa Vũng Tàu đã báo cáo các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu đất Paradise.
Cụ thể, về tiêu chí về kỹ thuật, dự án đề xuất phải là một khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp (bao gồm: thủy cung, khu biểu diễn biển, khu vui chơi giải trí dưới nước); sân golf 27 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế; khu trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị và khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao; khu không gian công cộng;…
Về ý tưởng thiết kế, nội dung ý tưởng quy hoạch, thiết kế của dự án tại khu Paradise phải kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án, trong đó gắn kết với khu Bàu Trũng về giao thông, giao thông công cộng…
Ngoài các tiêu chí về kỹ thuật, tài chính và năng lực thực hiện dự án, nhà đầu tư phải đáp ứng thực hiện một số nội dung như: có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà đầu tư đang hoạt động cấp; hoạch toán tài chính độc lập.
Dự án đầu tư cũng phải có giải pháp bảo vệ môi trường bền vững, đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định; dự án đầu tư phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội…
Việc UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chào mời nhà đầu tư mới cho khu đất Paradise đã thu hút hàng loạt ông lớn, cả trong và ngoài nước, nhảy vào cuộc.
Đáng kể nhất có lẽ là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco). Hồi đầu năm 2017, Thủ tướng đã yêu cầu Geleximco làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và các bộ, ngành liên quan để được hướng dẫn đầu tư dự án tại khu đất Paradise.
Theo sau Geleximco là Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC). Đơn vị tư vấn của HDTC - Han-Guk Architects & Engineers (Hàn Quốc) - đã đề xuất 2 phương án đầu tư dự án Vũng Tàu – Paradise gồm phương án đầu tư sân golf 18 lỗ và phương án đầu tư sân golf 27 lỗ.
Theo phương án đầu tư sân golf 18 lỗ thì diện tích sân golf chiếm khoảng 30% tổng diện tích đất. Các hạng mục thiết kế bao gồm: khu biệt thự và sân golf; khu vực khách sạn; khu trò chơi có thưởng; khu nhà cao tầng, cao ốc, căn hộ, biệt thự, nhà ở thương mại, biệt thự biển, resort nổi; khu thương mại; khu công viên giải trí, khu thể thao dưới nước...
Còn theo phương án đầu tư sân golf 27 lỗ, phần diện tích đầu tư cho sân golf chiếm 52% tổng diện tích đất của toàn dự án. Các hạng mục thiết kế còn lại gồm: khu biệt thự và sân golf, sân tập golf và câu lạc bộ; khu khách sạn, casino…
Về phía các nhà đầu tư ngoại, Sebrina Holdings Pte Ltd (Singapore) là một cái tên nổi bật. Nhà đầu tư này đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đầu tư ở vị trí Dự án Vũng Tàu - Paradise. Đáng chú ý, Sebrina Holdings Pte Ltd cũng có tên trong danh sách các nhà đầu tư tiềm năng mà Bà Rịa - Vũng Tàu muốn thu hút đầu tư.
Ngoài ra, một trong những cái tên được Bà Rịa - Vũng Tàu nhắc đến gần đây là VinaCapital Investment Management Ltd. Bên cạnh đó còn có Novaland, thậm chí cả Vingroup. Cả ba tên tuổi đình đám này đều nằm trong danh sách nhà đầu tư tiềm năng mà Bà Rịa - Vũng Tàu muốn kêu gọi đầu tư. Danh sách trên vừa được UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu báo cáo Tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu đầu tháng 10/2017.
Tuy nhiên, kết cục của việc lựa chọn nhà đầu tư dự án Vũng Tàu – Paradise vẫn còn phải chờ hạ hồi phân giải, nhất là khi bộ tiêu chí vẫn chưa được hoàn chỉnh và việc thanh lý dự án vẫn chưa kết thúc.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.