Ngân hàng

Dư thừa hàng chục nghìn tỷ trong ngân hàng: Vô cùng phí phạm

(VNF) - Theo Tổng giám đốc VPBank, việc để hàng chục nghìn tỷ thừa trong ngân hàng là phí phạm nhưng không phải là ngân hàng không muốn cho vay mà là vướng nhiều lý do nên không giải ngân được.

Dư thừa hàng chục nghìn tỷ trong ngân hàng: Vô cùng phí phạm

Ảnh minh họa.

Thừa hàng chục nghìn tỷ đồng trong ngân hàng

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhận định “hiện nay lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó”.

Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.

“Cụ thể là hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (từ 4 - 5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi”, ông chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ, bài toán ngân hàng thừa tiền mà không cho vay được mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn có tiền để vay mà không vay được đã được đề cập đến trong nhiều hội nghị trước đó nhưng vẫn chưa có giải pháp.

Doanh nghiệp có nhiều vướng mắc khi tiếp cận tín dụng.

Trước ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), thừa nhận tình trạng thừa hàng nghìn tỷ đồng đang diễn ra tại các ngân hàng và đây là điều vô cùng phí phạm.

Tổng giám đốc VPBank cho rằng, lãi suất chỉ là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng: "Chúng tôi có hơn 40.000 doanh nghiệp, hạn mức cấp cho họ là 240.000 tỷ, hiện nay tổng giải ngân hơn 60.000 tỷ, còn lại không giải ngân được do nhiều lý do. Đấy là những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng họ không có đầu ra, không có phương án. Lãi suất chỉ là một trong các yếu tố”, ông nói.

“Nếu nói rằng ngân hàng không muốn cho vay là không đúng. Phía ngân hàng rất muốn cho vay nhưng điều kiện nào để cho vay?”, Tổng Giám đốc VPBank khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, mong muốn giảm lãi suất của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, các doanh nghiệp là rất chính đáng. Tuy nhiên, “để giảm còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Các chuyên gia cũng phân tích lãi suất huy động giảm rất nhiều nhưng còn một yếu tố nữa rất quan trọng là các thủ tục, chi phí liên quan làm kìm hãm không thể giảm được lãi suất”, ông nói.

Loạt ngân hàng “hiến kế”

Cũng trong hội nghị này, Tổng giám đốc VPBank khẳng định, loạt giải pháp của ngành ngân hàng cùng với các hội nghị được tổ chức trong gần một năm vừa qua đã tạo nên những sự kiện thay đổi rất quan trọng với kết quả cụ thể, tích cực. Tuy nhiên, vấn đề là có tiếp tục duy trì được tất cả các giải pháp để hỗ trợ hay không.

"Tôi cho rằng chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, đi vào chi tiết vì rất nhiều đề xuất, giải pháp ở tất cả các hội nghị đều đưa ra", ông nói.

Bên cạnh đó, cũng "cần xem lại lại xem tại sao một số chính sách đưa ra lại không chạy, có chính sách đưa ra giải ngân được ngay nhưng có những chính sách đưa ra 2 năm không giải ngân được. Qua đó rút kinh nghiệm để có một chương trình mới cho khách hàng, doanh nghiệp".

Tổng Giám đốc VPBank cũng đề nghị cần có giải pháp cho vấn đề là xử lý nợ. Theo ông, nợ xấu hay còn gọi là nợ không sinh lời là một lĩnh vực sẽ tồn tại mãi mãi của ngành ngân hàng, nền kinh tế. “Việc các ngân hàng vấp phải vấn đề xử lý nợ, không chỉ nợ không thu hồi được tài sản, không dám cho vay mà còn tăng thêm chi phí, vốn”, ông Vinh nói.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, cho rằng động lực tăng trưởng căn bản vẫn là giải quyết những vấn đề từ bên trong, đó là những vấn đề liên quan đến đầu tư công, chính sách tài khóa,…

“Từ đó mới có thể tạo động lực cho sản xuất kinh doanh, cầu tín dụng mới có khả năng tăng lên”, ông khẳng định.

Ngoài ra, theo đại diện của Agribank, Nhà nước cũng cần sớm có chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu hàng hóa.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV, cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

BIDV cũng đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, hợp đồng, đơn hàng; hoàn thiện thủ tục pháp lý, có phương án kinh doanh hiệu quả khả thi; minh bạch hệ thống sổ sách kế toán tài chính, quản lý dòng tiền; đặc biệt cam kết thực hiện trách nhiệm, củng cố niềm tin giữa người đi vay và người cho vay.

Tin mới lên