Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ: Bộ GTVT nói do dùng 'công nghệ của Trung Quốc'

Trần Lưu - 04/06/2019 18:55 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng lý do dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư vì dự án này có tính chất kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới lần đầu được triển khai ở Việt Nam. Nhiều hạng mục chưa có trong quy trình trong nước, phải vận dụng, sử dụng quy trình, công nghệ của Trung Quốc.

VNF
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đang khiến người dân bức xúc nhiều nhất

Bộ GTVT vừa có báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề được chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Bộ đã có giải trình về các dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

Theo Bộ GTVT, 5 dự án chậm tiến độ và phải tăng tổng mức đầu tư, gồm có: dự án đường sắt đô thị TP. HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên; dự án đường sắt đô thị TP. HCM tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương; dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội; dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi. 

Đối với 2 dự án đường sắt đô thị TP. HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương, Bộ GTVT cho hay tuyến số 1 có giá trị thực hiện đạt 63,91%, hiện đang thanh toán từ vốn tạm ứng ngân sách thành phố hơn 2 nghìn tỷ đồng trong khi chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án. 

Tuyến số 2 có 9 gói thầu; trong đó gói thầu CP1 đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; các gói thầu còn lại đang lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên chưa thể triển khai do vướng mắc về việc điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, đến hiện tại, tổng tiến độ dự án mới chỉ đạt trên 49% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022. 

Trong khi đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, hiện tại tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ gói thầu, cập nhật thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu của gói thầu chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu khu tổ hợp Ngọc Hồi; đang thực hiện thanh quyết toán hợp đồng tư vấn giám sát khảo sát. 

Với đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, hiện đang vận hành, căn chỉnh toàn hệ thống để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019. 

Trong 5 dự án này, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đang là dự án khiến người dân bức xúc nhiều nhất vì liên tục chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. 

Theo Bộ GTVT, dự án được phê duyệt từ năm 2009 với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD (tương đương 8.769,965 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Mặc dù đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án với tiến độ hoàn thành giai đoạn thực hiện dự án trong quý IV/2018, tuy nhiên đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác như dự kiến. 

Lý giải về lý do dự án này chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, Bộ GTVT cho rằng dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới lần đầu được triển khai ở Việt Nam. Nhiều hạng mục chưa có trong quy trình trong nước, phải vận dụng, sử dụng quy trình, công nghệ của Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, dự án được triển khai trong khu vực trung tâm thành phố, nên giải phóng mặt bằng phức tạp, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật khó khăn, thời gian kéo dài. 

Cũng theo Bộ GTVT, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên áp dụng hình thức hợp đồng EPC (tổng thầu). Tuy nhiên, quy định về hợp đồng EPC chưa đầy đủ nên việc áp dụng khó khăn, lúng túng, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật và tài chính, quá trình thực hiện phụ thuộc nhiều vào tổng thầu. 

"Tổng thầu Trung Quốc chưa phải là đơn vị chuyên nghiệp, không có đầy đủ kinh nghiệm trong triển khai dự án tổng thể bao gồm cả xây lắp, thông tin tín hiệu và đào tạo vận hành đồng bộ dẫn đến việc quản lý điều hành của tổng thầu còn nhiều lúng túng, bất cập", báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ.

Cùng chuyên mục
Tin khác