Ðề xuất Nhà nước mua lại cổ phần tại ACV đã bán: Lý do chưa thuyết phục?

Lê Hữu Việt - 07/09/2019 08:04 (GMT+7)

Các chuyên gia cho rằng, cần làm rõ những lý do của đề xuất nhà nước mua lại số cổ phần tại Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã bán ra công chúng. Nếu chỉ nói là vì an ninh quốc phòng thì chưa thuyết phục, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã và đang thực hiện, tạo tiền lệ xấu về cổ phần hóa.

VNF
Sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) là 1 trong 6 sân bay có lãi của ACV để bù lỗ cho 15 sân bay còn lại trên cả nước doanh nghiệp này được giao quản lý, vận hành.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV) cho rằng, đề xuất nhà nước mua lại cổ phần đã bán tại ACV cần được xem xét kỹ lưỡng.

Theo ông Lực, cần làm rõ lý do mua lại có chính đáng không, vì dẫn lý do an ninh quốc phòng chưa thuyết phục. Nếu để đảm bảo an ninh, quốc phòng cần phải được tính toán ngay từ khi nghiên cứu cổ phần hóa, không phải giờ mới tính. Cùng đó, cần làm rõ số cổ phần đã bán ra do ai nắm giữ, nhà đầu tư chiến lược hay nhà đầu tư tài chính. Nếu các nhà đầu tư tài chính nắm nhiều cổ phần ACV thì không đáng ngại (hiện có 2 quỹ đầu tư nắm đa số cổ phần đã bán ra tại ACV), vì họ chỉ đơn thuần là nhà đầu tư, mua bán kiếm lợi nhuận. Nhà đầu tư tài chính không tham gia hoạt động quản trị, định hướng phát triển, hay kiểm soát hoạt động của ACV.

Theo ông Lực, nếu chưa có lý do thuyết phục, nhà nước mua lại cổ phần tại ACV sẽ tác động tiêu cực đối với tinh thần cổ phần hóa, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài. “Các nhà đầu tư sẽ nhìn vào quá trình cổ phần hóa của nhà nước với con mắt băn khoăn, vì hôm nay bán nhưng ngày mai có thể thu hồi lại vì lý do nào đó. Do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này”, ông Lực nói.

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh nói, việc nhà nước mua lại cổ phần đã bán tại doanh nghiệp đã có tiền lệ, như trường hợp cảng Quy Nhơn (Bình Định). Tuy vậy, cần làm rõ lý do nhà nước mua lại, bởi trường hợp cảng Quy Nhơn là do sai phạm trong quá trình triển khai. Nếu vì lý do an ninh, quốc phòng cũng cần làm rõ để thuyết phục hơn.

Trước đó, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã bị kỷ luật vì đồng ý chủ trương cổ phần hóa ACV, khi doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc này cũng chưa được công bố rõ ràng. Đồng thời, cần xác định xem nhà nước có nhất thiết phải nắm giữ 100% vốn tại ACV hay không, hay có thể duy trì mức cổ phần đã bán ra như hiện nay, thậm chí thoái thêm vốn.

Ông Ánh cũng lưu ý: Trên thực tế, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) hoàn toàn do tư nhân đầu tư, khai thác, hay một số nhà ga hành khách tại sân bay khác cũng được tư nhân đầu tư, khai thác. “Việc mua lại cổ phần nhà nước đã bán tại doanh nghiệp vì lý do an ninh quốc phòng cũng có thể xảy ra. Vì giai đoạn trước chưa nhận thức hết các nguy cơ.

Không phải vô cớ mới đây Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về an ninh quốc phòng khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng cần đưa ra cơ sở thuyết phục, nếu không sẽ đi ngược chủ trương cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, thậm chí khiến dư luận nghi ngờ về mục đích muốn mua lại, khi thời điểm này giá cổ phiếu ACV đã gấp nhiều lần lúc bán ra”, ông Ánh nói. 

Mua lại cổ phần ACV - vòng luẩn quẩn của ngân sách?

Trong tờ trình gửi Thủ tướng về Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT kiến nghị: Nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa ACV, để ACV là doanh nghiệp nhà nước (nắm giữ 100% vốn), tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.

Theo Bộ GTVT, hiện hạ tầng hàng không gồm phần đã chuyển giao các doanh nghiệp quản lý khai thác, và phần thuộc nhà nước quản lý (đường cất/hạ cánh, đường lăn tàu bay). Trước đây, khi ACV chưa được cổ phần hóa, phần hạ tầng của nhà nước được Bộ GTVT giao cho ACV quản lý, khai thác, đầu tư mở rộng, nâng cấp, sửa chữa... bằng vốn tự có của ACV. Tuy nhiên, sau khi ACV được cổ phần hóa (sau tháng 4/2016), dù đường băng, đường lăn các sân bay vẫn do ACV quản lý, nhưng việc đầu tư mở rộng, nâng cấp, sửa chữa phải do ngân sách nhà nước đảm bảo. Tiền phí khai thác ACV thu hộ và nộp vào ngân sách nhà nước.

Thay đổi trên đã dẫn tới bất cập, khi đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TPHCM) khai thác vượt công suất thiết kế, xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không, nhưng chưa được sửa chữa. Năm 2018, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng xin bổ sung khoảng 4.210 tỷ đồng vào kế hoạch vốn ngân sách trung hạn để sửa chữa, nâng cấp 2 sân bay trên. Tuy nhiên, từ đó tới nay, do ngân sách nhà nước khó khăn, vẫn chưa bố trí được vốn.

Do đó, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng giao ACV quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không trong thời gian đến năm 2025. ACV có trách nhiệm khai thác ổn định, an toàn, đầu tư bảo trì, sửa chữa, mở rộng sân bay theo quy hoạch bằng vốn của doanh nghiệp. Điều này giúp giải quyết khó khăn ngân sách hiện nay, khi chưa có tiền bố trí cho lĩnh vực bảo trì, sửa chữa các sân bay.

Đổi lại, ACV được sử dụng nguồn kinh phí thu từ khai thác kết cấu hạ tầng hàng không. Trường hợp nguồn thu này không đủ cho bảo trì, ACV vẫn có trách nhiệm bảo trì sân bay bằng nguồn vốn doanh nghiệp, ngân sách nhà nước không cấp thêm kinh phí. Sau năm 2025, Bộ GTVT sẽ tổng kết đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định về việc quản lý kết cấu hạ tầng hàng không.

Một lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, từ khi ACV chuyển thành công ty cổ phần, đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mở rộng các sân bay. Do không còn là công ty 100% vốn nhà nước, Bộ GTVT không thể thực hiện cơ chế giao khoán cho ACV thực hiện các dự án bằng vốn tự có của doanh nghiệp. Thay vào đó phải sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư theo hợp đồng hợp tác công - tư (PPP).

Điển hình như việc đường cất/hạ cánh sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất xuống cấp, ACV có tiền nhưng không được sửa; nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dù cấp bách nhưng đã 3 năm vẫn chưa chốt được giao cho doanh nghiệp nào thực hiện, hay đấu thầu ra sao. Vì những lý do đó, Bộ GTVT đề xuất nhà nước mua lại cổ phần đã bán tại ACV.

Theo Bộ GTVT, đề án vừa báo cáo Thủ tướng đã được bộ này họp bàn với các bộ ngành liên quan, như bộ Tài chính, KH&ĐT, Quốc phòng, Công an, TN&MT... Sau đó, các bộ này đã có văn bản góp ý cho dự thảo. Tuy nhiên, tới cuối tháng 7/2019, còn 2 cơ quan chưa gửi văn bản góp ý là Bộ Tài chính và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trả lời báo chí về đề xuất nhà nước mua lại cổ phần đã bán ở ACV, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Ðông cho biết: Ðề xuất trên là một trong những giải pháp được đưa ra trong dự thảo Ðề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Việc mua lại nhằm đảm bảo điều kiện cao nhất là an ninh quốc phòng. Ðề án được phê duyệt mới có chủ trương để nghiên cứu các phương án mua lại, kinh phí lấy từ đâu...

Giá cổ phiếu ACV hiện lên tới 80.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thời điểm bán ra giá chỉ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu; tức nhà nước sẽ chịu lỗ khoảng 6.600 tỷ đồng để mua lại 100 triệu cổ phiếu ACV đang lưu hành trên thị trường có ý kiến lo ngại, việc nhà nước bỏ tiền mua lại số cổ phiếu ACV đã bán tạo ra nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước, làm lợi cho nhà đầu tư, như sai phạm “thổi giá” trong thương vụ Mobifone mua AVG. Tuy vậy, cả TS Cấn Văn Lực và TS Vũ Ðình Ánh cùng đồng quan điểm: Hai vụ việc này khác nhau về bản chất, nên không bình luận.

Bộ trưởng Bộ Tài chính:

Chưa nắm được báo cáo, chưa có ý kiến

Ngày 6/9, khi Tiền Phong hỏi quan điểm của Bộ Tài chính về đề xuất mua lại cổ phần ACV để biến doanh nghiệp này trở lại thành doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Ðinh Tiến Dũng cho biết chưa nắm được thông tin. Theo ông, Bộ Tài chính cần nghe báo cáo cụ thể rồi mới có thể có ý kiến.

Khi được hỏi đề xuất này của Bộ GTVT có đi ngược lại chủ trương của Chính phủ không, ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng cho hay: “Hiện tôi chưa tiếp cận được đề án này nên chưa rõ. Hơn nữa, đề án này phải được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước xem xét, thẩm định có phê duyệt hay không. Quan trọng nhất là phải xem có đúng tiêu chí sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ hay không đơn vị muốn mua cụ thể là ai, việc định giá có đúng hay không...”.

Tuấn Nguyễn

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác