Fitch: Tăng trưởng tín dụng nhanh có thể gây ra làn sóng nợ xấu khác

Thanh Long - 21/09/2017 09:11 (GMT+7)

(VNF) – Fitch cho rằng Nghị quyết 42 không thể giải quyết ngay các vấn đề nợ xấu tại Việt Nam. Đồng thời, Fitch cũng cảnh báo, một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh khác để đạt được các mục tiêu GDP có thể gây ra một làn sóng nợ xấu khác.

VNF
Giải quyết nợ xấu cần cân nhắc đến tăng trưởng tín dụng

Những nỗ lực của các nhà chức trách Việt Nam nhằm tăng tốc độ giải quyết các khoản nợ xấu có thể giúp giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản tại các ngân hàng, nhưng quá trình giải quyết nợ có vấn đề dường như không thể cải thiện đáng kể trong ngắn hạn do những thách thức trong việc triển khai, Fitch Ratings cho biết. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng nhanh tiếp tục làm tăng nguy cơ gia tăng nợ xấu.

Nghị quyết 42, có hiệu lực tháng trước, có thể loại bỏ một số trở ngại pháp lý để xử lý nợ hiệu quả hơn. Nghị quyết này bao gồm các biện pháp để cải thiện khả năng xử lý tài sản bảo đảm của người cho vay, giúp các ngân hàng tích cực hơn trong việc tịch thu tài sản thương mại để bù đắp cho các khoản nợ xấu.

Nghị quyết 42 cũng giúp đẩy mạnh giao dịch mua bán nợ xấu trên thị trường thứ cấp. Nợ xấu hiện giờ có thể được bán cho bất kỳ pháp nhân nào, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, mà không cần giấy phép kinh doanh nợ.

Theo Fitch Ratings, nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có thể làm tăng nguồn vốn sẵn có để giải quyết nợ, đặc biệt là sự quan tâm mạnh mẽ gần đây của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam - dòng vốn FDI ròng chảy vào Việt Nam nhiều nhất ở trong các nước APAC xét trong năm 2016, chiếm 5,6% GDP.

Tuy nhiên, việc bán nợ cho người nước ngoài vẫn có thể bị hạn chế bởi sự không chắc chắn còn tồn tại, bao gồm cả những hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc nắm giữ tài sản. Đây chỉ là một ví dụ về những vấn đề mà trên thực tế vẫn có thể cản trở tiến trình giải quyết nợ xấu. Nghị quyết mới sẽ chỉ được kiểm tra một cách đúng đắn khi xử lý các trường hợp lớn, và Fitch mong đợi những thiếu sót còn lại sẽ được giải quyết một cách từ từ.

Một cơ chế giải quyết nợ hiệu quả hơn có thể, trong thời gian dài hơn, giúp các ngân hàng giảm thiểu các vấn đề về chất lượng tài sản, vốn có ảnh hưởng đến thu nhập và lợi nhuận của họ. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống theo báo cáo là 2,55% vào cuối tháng 3/2017, nhưng không tính đến khoản nợ xấu tại Công ty Quản lý Tài sản TCTD Việt Nam (VAMC). Việc bán nợ cho VAMC giúp các ngân hàng tránh được những chế tài mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng lên trên 3%.

Tỷ lệ nợ xấu được điều chỉnh của Fitch cộng với các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC (các ngân hàng phải trích lập dự phòng từ 10% đến 20% giá trị sổ sách hàng năm với nợ xấu tại VAMC), cũng như các khoản vay đặc biệt. Sự không nhất quán trong việc tiết lộ và phân biệt chủ quan trong phân loại đồng nghĩa tỷ lệ nợ xấu thực sự có thể cao hơn.

Việc giải quyết nợ nhanh hơn cũng có thể làm giảm gánh nặng chi phí của các ngân hàng, điều này sẽ giúp các ngân hàng tuân thủ tốt hơn Hiệp ước ​​Basel II - sẽ chính thức áp dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2020.

Fitch nhìn nhận, những tiến bộ hiện tại trong việc giải quyết các khoản nợ xấu cần phải được cân nhắc trước những rủi ro về chất lượng tài sản tiềm ẩn do tăng trưởng tín dụng nhanh chóng.

Định hướng ban đầu của Ngân hàng Nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng là tăng trưởng cho vay năm 2017 là 17% -18% và hiện tăng lên 21% -22% nhằm giúp Chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% 2017. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2017 thấp hơn so với mục tiêu 5,9%. NHNN cũng giảm lãi suất điều hành xuống còn 6,0% trong tháng 7 từ mức 6,5% trước đó để thúc đẩy nền kinh tế.

Các vấn đề về chất lượng tài sản hiện tại có thể được bắt nguồn từ tăng trưởng tín dụng nhanh và tiêu chuẩn cho vay kém trong những năm 2000. Rủi ro đã bộc phát trong giai đoạn 2011-2013 và gây ra căng thẳng đáng kể trong ngành ngân hàng. Một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh khác để đạt được các mục tiêu GDP có thể gây ra làn sóng nợ xấu khác.

Cùng chuyên mục
Tin khác