FLC tái cấu trúc: Qua cơn bĩ cực bao giờ đến hồi thái lai?
Chí Bình -
26/03/2023 01:10 (GMT+7)
(VNF) - Tròn 1 năm sau ngày ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, FLC từ một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành đang gấp rút thực hiện kế hoạch tái cấu trúc với việc từ bỏ hàng loạt lĩnh vực kém hiệu quả để tập trung cho 3 trụ cột kinh doanh cốt lõi là bất động sản, nghỉ dưỡng và M&A các dự án.
Cuộc “bể dâu” của FLC
Tròn 1 năm trước vào tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Chủ tịch FLC thời điểm đó là ông Trịnh Văn Quyết. Đây có thể xem là thời khắc khởi nguồn cho cuộc bể dâu diễn ra tại FLC.
Ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, hàng loạt vấn đề bắt đầu xuất hiện tại FLC. Đầu tiên là biến động nhân sự cấp cao. Báo cáo quản trị công ty của FLC cho thấy chỉ tính trong năm 2022 đã có tới 96 cuộc họp của HĐQT, trong đó nhiều nội dung là thông qua việc miễn nhiệm, chấp nhận đề nghị thôi chức hoặc bổ nhiệm chức vụ cho nhân sự mới. Theo đó, hàng loạt nhân sự trong HĐQT, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát ra đi, có vị trí có người thay thế, nhưng có những vị trí vẫn trống người đảm nhiệm.
Để hạn chế mọi rủi ro có thể phát sinh và đảm bảo hoạt động thường xuyên của FLC, sau khi biết tin bị bắt, ông Trịnh Văn Quyết đã tiến hành ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC thay mặt và đại diện ông Quyết thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT FLC, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại 2 doanh nghiệp nói trên theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty. Đồng thời, bà Vũ Đặng Hải Yến cũng được ủy quyền toàn bộ các quyền liên quan đến tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Quyết.
Tuy nhiên, bà Yến chỉ giữ nhiệm vụ được ông Quyết giao phó trong chốc lát vì 2 ngày sau đó, ông Đặng Tất Thắng được lựa chọn là người thay ông Quyết đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.
Sóng gió vẫn tiếp tục kéo đến với FLC vào đầu tháng 4/2022 với việc bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT cũng bị khởi tố và bắt tạm giam do giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”. Những ngày tháng sau đó với FLC càng trở nên khó khăn khi chứng kiến sự ra đi của hàng loạt nhân sự chủ chốt, cấp cao.
Đến đầu tháng 7/2022, FLC triệu tập phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu nhân sự mới với việc ông Lê Bá Nguyên làm Chủ tịch HĐQT. Ông Lê Thái Sâm, ông Doãn Hữu Đoàn làm thành viên HĐQT; ông Nguyễn Xuân Hòa, ông Nguyễn Quang Thái và ông Nguyễn Tri Thống vào ban kiểm soát. Tuy nhiên, bộ máy nhân sự tại FLC sau đó vẫn chưa thể ổn định mà tiếp tục có xáo trộn. Ngay trong tháng 7/2022, sau khi phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra thì bà Vũ Đặng Hải Yến đã xin thôi chức Phó tổng giám đốc và ông Đặng Tất Thắng cũng xin thôi giữ chức Phó chủ tịch HĐQT.
Bước sang năm 2023, ngay từ đầu tháng 1, ông Nguyễn Mạnh Cường từ nhiệm phụ trách bộ phận kiểm toán nội bộ, bà Nguyễn Mỹ Dung từ nhiệm thành viên bộ phận kiểm toán nội bộ. Mới đây nhất, bà Bùi Hải Huyền cũng xin thôi giữ chức vụ thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của FLC; đồng thời, các Phó tổng giám đốc Đàm Ngọc Bích, Lê Thị Trúc Quỳnh cũng xin từ nhiệm.
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường được tổ chức vào đầu tháng 3 vừa qua, bà Vũ Đặng Hải Yến và bà Trần Thị Hương đã được bầu làm thành viên HĐQT. Sau đó, HĐQT FLC cũng đã họp và thống nhất bầu bà Yến giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT. Như đã nói ở trên, bà Yến từng là người được cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ủy quyền toàn bộ quyền cổ đông tại FLC, Bamboo Airways và quyền liên quan đến các tài sản thuộc sở hữu của ông Quyết.
Với việc bổ sung thêm 2 thành viên mới, hiện tại HĐQT của FLC hiện tại sẽ có 5 thành viên, gồm: ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT; bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó chủ tịch thường trực HĐQT; ông Doãn Hữu Đoàn, Phó chủ tịch HĐQT và 2 thành viên khác là ông Lê Thái Sâm, cùng bà Trần Thị Hương.
Không chỉ biến động dữ dội về nhân sự cấp cao, từ ngày ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, hoạt động kinh doanh, đặc biệt là việc phát triển các dự án bất động sản của FLC cũng liên tục gặp trắc trở. Cụ thể, sau khi xảy ra sự việc liên quan đến ông Quyết, nhiều địa phương đã có động thái dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động loạt dự án của FLC như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi... Lý do chủ yếu được đưa ra là các dự án được chấp thuận chủ trương lập quy hoạch nhưng tập đoàn vẫn chưa triển khai thực hiện; chưa ký hợp đồng thuê đất và chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư.
Cuộc bể dâu của FLC không chỉ diễn biến ở nhân sự hay các dự án bất động sản mà nó còn kèo dài lên cả thị trường chứng khoán. Tính đến nay, “họ FLC” đã không còn mã cổ phiếu nào được giao dịch trên thị trường niêm yết khi các cổ phiếu này đã bị đình chỉ giao dịch (FLC, HAI, ART, GAB, AMD), còn mã ROS đã bị hủy niêm yết. Nguyên nhân của việc này là do các doanh nghiệp liên quan đến FLC đều chậm nộp báo cáo tài chính. Trong đó, riêng FLC không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính của mình.
Quyết tâm tái cấu trúc
Trước bối cảnh khủng hoảng liên tục kéo dài trong thời gian qua, tại đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu tháng 3 vừa qua, bên cạnh việc bổ sung thành viên HĐQT, lãnh đạo FLC cũng đã chia sẻ với cổ đông về kế hoạch tái cấu trúc trong năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ tập trung giữ lại 2 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi gồm phát triển bất động sản và kinh doanh nghỉ dưỡng, sân golf. Ngoài ra, FLC cũng sẽ thực hiện M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay, có nguồn vốn duy trì hoạt động.
Dưới thời ông Trịnh Văn Quyết, ngoài các mảng trên, FLC còn kinh doanh nhiều lĩnh vực như vận tải hàng không, đầu tư tài chính, khai thác chế biến khoáng sản, vàng - trang sức, nông nghiệp. Trong đó, hãng hàng không Bamboo Airways là dự án được ông Quyết đầu tư và dồn nhiều tâm huyết nhất giai đoạn 2018 - 2022. Như vậy, theo kế hoạch tái cấu trúc của FLC, chiến lược trong thời gian tới của doanh nghiệp này đã không còn chỗ cho mảng hàng không với cái tên Bamboo Airways, từng là “đứa con tinh thần” quý giá mà FLC cực kỳ chú trọng phát triển.
Minh chứng cho việc “gạch tên” Bamboo Airways ra khỏi hệ sinh thái, lãnh đạo FLC cho biết đã có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần đang sở hữu tại hãng bay này. Sau khi được đại hội đồng cổ đông ủy quyền, HĐQT FLC sẽ xây dựng phương án đánh giá cụ thể bởi các chuyên gia tài chính, sau đó mới có thể đưa ra kế hoạch cụ thể và công bố với các cổ đông.
Đến nay, FLC đã đầu tư 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways, tương ứng tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này.Trong năm 2021, hãng bay này hoạt động kinh doanh không có lãi, nên FLC phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư trên 373 tỷ đồng. Số trích lập này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 lên 3.642 tỷ đồng. Như vậy, ước tính kết quả kinh doanh của Bamboo Airways lỗ gần 16.783 tỷ đồng. Việc mạnh dạn cắt bỏ “khối u” này được kỳ vọng sẽ giúp FLC cải thiện dòng tiền để dồn lực đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi.
Trong lĩnh vực bất động sản, FLC đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư để được chấp thuận làm chủ đầu tư với các dự án mới. Với các sản phẩm đã bán, công ty tiếp tục duy trì trách nhiệm nhằm thu hồi công nợ, tập trung bàn giao sản phẩm cho khách, hoàn thiện hạ tầng, pháp lý. Theo thông tin từ lãnh đạo FLC, hiện doanh nghiệp vẫn còn khoảng 200 dự án ở các mức độ pháp lý khác nhau tại các tỉnh, thành phố. Con số này trước thời điểm các lãnh đạo cấp cao FLC gặp sự cố tháng 3/2022 là trên 300 dự án.
Với lĩnh vực nghỉ dưỡng, FLC hiện có 4 quần thể tại Quy Nhơn, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Phía doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung tăng tỷ lệ lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng này. FLC cũng có kế hoạch chi tiết, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng quần thể tối hưu hiệu quả vận hành, tăng doanh thu từ mảng này khi sắp đến mùa du lịch. Lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định với các dự án không hiệu quả sẽ được FLC tiến hành M&A để có vốn tái đầu tư.
Đặc biệt, FLC cũng sẽ thực hiện việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ các dự án để có nguồn vốn nhất định phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai các dự án (bao gồm cả các dự án đã được phê duyệt, đang triển khai và các dự án đang nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư). Việc M&A các dự án cũng là giải pháp để doanh nghiêp tái cấu trúc các khoản vay, giảm dư nợ với tổ chức tín dụng. Năm ngoái, FLC đã thanh toán nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng hơn 7.000 tỷ đồng (chưa gồm các khoản lãi và phí). Bên cạnh đó, FLC cũng sẽ sắp xếp lại các bộ phận phòng ban, đơn vị trực thuộc, giảm nhân sự để tối ưu hóa hoạt động.
Bên cạnh việc bầu bổ sung các nhân sự, đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC cũng trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho tổng giám đốc ký bản kiến nghị cơ quan quản lý cho phép cổ phiếu FLC được đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM và thông qua chủ trương xử lý các vấn đề tài chính tồn đọng từ năm 2015 đến nay.
Theo báo cáo tài chính công bố gần nhất hồi tháng 10/2022, FLC lỗ gần 1.900 tỷ đồng trong 3 quý. Hiện tại, FLC vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 và báo cáo tài chính kiểm toán 2021. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu FLC bị HoSE huỷ niêm yết. Hồi cuối tháng, cổ phiếu này được chuyển sang hệ thống UPCoM, nhưng tiếp tục bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đình chỉ giao dịch ngay sau đó. HNX yêu cầu FLC phải giải trình nguyên nhân vi phạm quy định công bố thông tin, đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị đình chỉ giao dịch trong 15 ngày tính từ 3/3. Nhưng đến nay, công ty vẫn chưa có giải trình. Tại phiên họp bất thường vừa qua, HĐQT FLC khẳng định đang nỗ lực hết sức để xúc tiến các lộ trình công bố thông tin.
Với kế hoạch tái cấu trúc này, rõ ràng dàn lãnh đạo mới của FLC đang cố gắng lái con thuyền FLC trở lại mảng kinh doanh cốt lõi ban đầu, thay vì cố gắng duy trì tham vọng đa ngành và hệ sinh thái khép kín như thời kỳ ông Trịnh Văn Quyết.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone