Formosa Hà Tĩnh lỗ gần 1 tỷ USD và những nỗi lo của ngành thép
(VNF) - Bức tranh toàn cảnh kinh doanh ngành thép năm 2023 hiện lên một cách đầy ảm đạm sau khi Formosa Hà Tĩnh báo lỗ 15.700 tỷ đồng.
Vì sao Formosa Hà Tĩnh lỗ gần 1 tỷ USD trong 2 năm?
Theo báo cáo thường niên 2023 của Tập đoàn Nhựa Formosa (Formosa Plastics Group), doanh thu của các công ty con tại Việt Nam năm vừa qua đạt 141,5 tỷ Đài tệ (hơn 110.000 tỷ đồng), giảm 10,5% so với năm 2022.
Trong đó, Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào doanh thu của Tập đoàn mẹ khi mang về 124,5 tỷ Đài tệ. Cần biết, đây là chủ dầu tư dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa Hà Tĩnh) - dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam.
Mặc dù doanh thu chỉ giảm nhẹ 3,2% nhưng chủ đầu tư dự án Formosa Hà Tĩnh đình đám lỗ tới 20,1 tỷ Đài tệ (khoảng 15.700 tỷ đồng), gấp đôi năm 2022.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, Tập đoàn Nhựa Formosa cho hay, sự trì trệ của thị trường bất động sản Trung Quốc và nhu cầu thấp trong năm 2023 dẫn đến làn sóng bán phá giá với sản lượng lớn tại khu vực Đông Nam Á. Do đó, để duy trì thị phần và tránh mất khách hàng, Formosa Hà Tĩnh đã phải giảm giá để cạnh tranh, trong khi giá nguyên liệu đầu vào không giảm đáng kể.
Năm 2022, doanh nghiệp này lỗ 10 tỷ Đài tệ. Nguyên nhân được đưa ra là do phát triển sản phẩm thép mới cho xuất khẩu, nhưng tiêu thụ ngành thép toàn cầu suy giảm, khiến công ty phải điều chỉnh sản xuất nhà máy cho phù hợp.
Như vậy, tổng mức lỗ trong 2 năm gần nhất của Formosa Hà Tĩnh đã lên tới hơn 30 tỷ Đài tệ (khoảng 23.500 tỷ đồng hay xấp xỉ 1 tỷ USD). Con số này đã làm “bay hơi” gần hết khoản lãi kỷ lục 33,47 tỷ Đài tệ mà doanh nghiệp đạt được vào năm 2021.
Những khó khăn mà Formosa Hà Tĩnh đưa ra cũng là những gì đang “bủa vây” các doanh nghiệp ngành thép trong nước, khiến bức tranh kinh doanh toàn ngành trở nên vô cùng ảm đạm.
Giai đoạn 2022 – 2023, số doanh nghiệp báo lỗ nhiều hơn báo lãi. Không riêng gì Formosa Hà Tĩnh, những tên tuổi lớn như Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco, HoSE: TIS), Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, UPCoM: TVN), Công ty CP Thép Pomina (UPCoM: POM), Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC),… cũng đã thua lỗ 2 năm liên tiếp.
Trong khi đó, dù báo lãi song các ông lớn như Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG), Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), Công ty CP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) hay Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) đều chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về lợi nhuận.
Sự khó khăn của doanh nghiệp FDI hàng đầu tỉnh Hà Tĩnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới thu ngân sách của tỉnh này. Năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.422 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2022, đạt 92% dự toán tỉnh giao. Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, chỉ tiêu này không đạt dự toán chủ yếu là do Formosa giảm nhập nguyên liệu đầu vào có thuế, trong khi xuất khẩu thép được miễn thuế.
Tình cảnh khó khăn hiện vẫn chưa chấm dứt khi kết thúc 6 tháng đầu năm nay, Hà Tĩnh tiếp tục báo khoản thuế thu nội địa từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sụt giảm hơn 69% so với cùng kỳ, chủ yếu do thu thuế từ Formosa giảm.
Bên cạnh đó, việc Formosa chịu tác động từ sự suy giảm sản lượng thép do yếu tố thị trường cùng sự kiện đại tu sữa chữa dây chuyền sản xuất trong tháng 4 cũng khiến chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh nửa đầu năm 2024 không đạt kỳ vọng, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Gian nan câu chuyện phục hồi
Bước sang quý I/2024, ngành thép được đánh giá là đã đi qua “mùa đông” khi hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ nô nức báo lợi nhuận tăng trưởng hàng chục, hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ.
“Vua thép” Hoà Phát báo lãi gần 2.869 tỷ đồng, gấp hơn 7,5 lần cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, “ông trùm” tôn mạ Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 219 tỷ đồng, tăng 27%. Một ông lớn khác là Thép Nam Kim cũng báo lãi 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 49 tỷ đồng. Tương tự là SMC và Tisco.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tìm thấy “nắng ấm”. Nhu cầu thép tiếp tục suy yếu trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất tăng cao, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh khiến không doanh nghiệp chưa thể “gượng dậy”.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, Thép Tiến Lên bất ngờ ghi nhận mức lợi nhuận thấp kỷ lục, đạt vỏn vẹn 953 triệu đồng so với mức gần 6,3 tỷ đồng cùng kỳ với nguyên nhân đến từ việc sản lượng tiêu thụ giảm và chi phí gia tăng. Trong khi đó, Thép Pomina vẫn đang chìm trong khủng hoảng khi lỗ thêm 225 tỷ đồng, đánh dấu 8 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp.
Nhận định về năm 2024, các lãnh đạo ngành thép, kể cả các doanh nghiệp có lãi, đều tỏ ra thận trọng khi đánh giá tình hình khó khăn vẫn còn tiếp diễn đến hết năm nay.
Các chuyên gia cũng cho rằng, không nên quá lạc quan trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam dự báo còn gặp nhiều thách thức. Theo họ, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại tại các thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng cùng áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa đang tạo ra “thế gọng kìm” đối với các doanh nghiệp thép trong nước.
Hiện nay, các doanh nghiệp thép nội vẫn đang “căng mình” với cuộc chiến chống bán phá giá. Trong khi nhóm tôn mạ đã khởi xướng cuộc điều tra đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc thì Formosa Hà Tĩnh đã cùng Tập đoàn Hoà Phát yêu cầu Bộ Công Thương điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Để ngăn chặn làn sóng thép ngoại “đổ bộ” vào Việt Nam gây ảnh hưởng đến thép nội, ngày 14/6, Bộ Công thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ theo yêu cầu từ nhóm doanh nghiệp tôn mạ nội địa. Trong khi đó, hồ sơ yêu cầu từ phía Formosa Hà Tĩnh và Tập đoàn Hoà Phát đã được tiếp nhận và được xác định là đầy đủ và hợp lệ.
Formosa Hà Tĩnh và Tập đoàn Hoà Phát là hai doanh nghiệp nội địa duy nhất hiện nay sản xuất được HRC. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất của 2 doanh này đã sụt giảm, chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021 do phải cạnh tranh thiếu công bằng với hàng nhập khẩu bán dưới giá thành. Về mức giá, giá nhập khẩu hiện đã giảm mạnh từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD vào cuối năm 2023.
Bên cạnh nỗi lo thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, các chuyên gia nhấn mạnh, phần lớn doanh nghiệp ngành thép sẽ phải đối mặt với áp lực quản trị hàng tồn kho. Theo đó, với đặc thù của doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất và thương mại, phần lớn doanh nghiệp đều duy trì lượng tồn kho nhất định liên quan tới nguyên liệu và thành phẩm thép.
Về lý thuyết, tồn kho của doanh nghiệp thép là cấu thành chính của giá vốn hàng bán. Việc tích trữ tồn kho lớn trong môi trường giá bán tăng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp, đồng thời tăng lãi. Tuy nhiên, trong trường hợp rủi ro là giá giảm, việc trích trữ tồn kho lớn sẽ trở thành gánh nặng với doanh nghiệp, khiến họ phải thực hiện bán dưới giá vốn.
SSI: Ngành thép đã chạm đáy lợi nhuận, tăng trưởng cao sẽ đến trong nửa đầu năm 2024
- Sự cố ở Formosa Hà Tĩnh: Công an tỉnh nói gì? 24/10/2022 07:30
- Nghịch cảnh ngành thép: Nhiều 'ông lớn' lãi đậm, có DN lỗ sâu trăm tỷ 09/05/2024 04:30
- ‘Đại chiến’ ngành thép: Thêm 3 doanh nghiệp phản đối áp thuế chống phá giá với thép HRC 09/04/2024 04:35
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.