Gần 280.000 người mất việc làm trong 5 tháng đầu năm 2023

Anh Hùng - 02/06/2023 11:33 (GMT+7)

(VNF) - Theo báo cáo của Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội, trong những tháng đầu năm 2023, có 279.409 lao động phải thôi việc, mất việc làm.

VNF
Gần 280.000 người mất việc làm trong 5 tháng đầu năm 2023.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Trong đó, về thực trạng việc làm cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2023 tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng tính chung 4 tháng đầu năm thì giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8%.

Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 49,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký gần 331,4 nghìn người (tăng 0,6% số doanh nghiệp, giảm 4,8% số lao động so với cùng kỳ năm trước). Số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49,9 nghìn doanh nghiệp (bằng đúng số thành lập mới), tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo, bối cảnh kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 không được thuận lợi nhưng thị trường lao động vẫn có sự phát triển nhẹ là nhờ sự tăng trưởng ở ngành thương mại - dịch vụ; tính linh hoạt của người lao động về việc làm cao, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn (đặc tính về lao động việc làm Việt Nam với 64,6% lao động có việc làm phi chính thức).

Tuy nhiên, diễn biến cuối tháng 4 và tháng 5 về sản xuất kinh doanh kéo theo vấn đề lao động, việc làm có diễn biến khó khăn hơn. Cụ thể, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp). Trong đó, 27,4% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 72,18% doanh nghiệp ngoài nhà nước; 0,39% doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp gặp khó khăn là những doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử,…

Đáng chú ý, về lao động, đã có 509.903 lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, có 279.409 lao động thôi việc, mất việc làm, chiếm 54,79%. Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP. HCM (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người). 

Số lao động giảm giờ làm là 195.039 người, chủ yếu là lao động ngành dệt may với 66.641 người và ngành da giày với 66.133 người.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng). Trong đó lao động ngành dệt may là 4.938 người, ngành sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 2.243 người, ngành chế biến thủy, hải sản là 3.138 người, ngành chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ là 2.232 người.

Cùng chuyên mục
Tin khác