Giá vàng thế giới giảm mạnh, trong nước tăng nhẹ

Bích Thủy - 24/03/2021 14:12 (GMT+7)

(VNF) - Giá vàng trong nước hôm nay giảm 120.000 đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới giảm hơn 8 USD/ounce (khoảng 190.000 đồng).

VNF
Giá vàng thế giới giảm mạnh, trong nước tăng nhẹ.

Sau 13 giờ ngày 24/3, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia do Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào, bán ra ở mức 55,13 – 55,53 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này cũng đang ở mức 1.731 USD/ounce.

So với hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay giảm 120.000 đồng/lượng ở chiều mua vào lẫn chiều bán ra. Giá vàng thế giới giảm mạnh hơn với mức 8 USD/ounce (khoảng 190.000 đồng), nếu quy đổi theo trọng lượng, thì giá vàng thế giới đã tăng khoảng 210.000 đồng/lượng.

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay vẫn được SJC giữ ở mức 400.000 đồng/lượng.

Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại giảm mạnh hơn vàng SJC, khi được doanh nghiệp giảm sâu về 51,22 triệu đồng/lượng mua vào, 51,82 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 130.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Do giá vàng thế giới giảm nhiều, vàng trong nước giảm ít, quy đổi theo tỷ giá hiện tại, giá vàng thế giới thấp hơn vàng SJC khoảng hơn 7 triệu đồng/lượng.

Tại phiên giao dịch kéo dài từ đầu ngày 23 đến rạng sáng 24/3, thị trường vàng thế giới gần như không có người mua trong nhiều giờ liên tiếp. Giá vàng có lúc bị nhấn chìm 20 USD/ounce, từ 1.745 USD/ounce xuống còn 1.725 USD/ounce. Sau đó, giá vàng bật lên vài USD/ounce và đến 6 giờ ngày 24/3 giao dịch tại 1.728 USD/ounce.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay lúc 9 giờ ngày 24/3 vào khoảng 1.731 USD/ounce.

Phiên giao dịch kéo dài từ đêm 22 đến rạng sáng 23/3, một số quỹ đầu tư đã bán thêm 1,2 tấn vàng. Giá vàng thế giới đêm 23/3 cao hơn khoảng 13,6% (207 USD/ounce) so với đầu năm 2020.

Giá vàng trên thị trường quốc tế biến động mạnh, tăng nhanh rồi giảm sâu trong bối cảnh đồng USD vụt tăng bất chấp cặp đôi quyền lực nước Mỹ tuyên bố sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Giới đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục của kinh tế Mỹ.

Vàng giảm còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu giảm mạnh và đã xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng. Áp lực giảm đối với vàng vẫn lớn khi mà lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn neo ở mức cao và được dự báo có thể nới rộng đà tăng.

Theo giới phân tích, giới đầu tư vàng ngày càng tin tưởng sức khỏe kinh tế Mỹ sẽ tốt lên, tác động vào tâm lý của giới đầu tư muốn nhanh chóng đẩy nhanh tài sản an toàn như vàng, để chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư có yếu tố rủi ro hơn, nhưng thu lợi nhiều hơn.

Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) nhận định đà tăng của giá vàng đang suy yếu do các nhà đầu tư lớn không còn hứng thú với vàng. Theo đánh giá, giá vàng lao dốc xuống đáy 9 tháng đang trở thành yếu tố khiến các nhà đầu cơ châu Á tích cực gom mua để kiếm lời.

Giai đoạn này trong năm cũng là lúc người Ấn Độ thường mua nhiều vàng để chuẩn bị cho Lễ hội Akshaya Tritiya vào tháng 5. Còn tại Trung Quốc, Quý I là thời gian việc tiêu thụ vàng trang sức được dự báo tăng mạnh nhất trong mức tăng trưởng 28% được dự báo cho cả năm 2021. Tuy nhiên, sức mua hiện tại của cả Trung Quốc và Ấn Độ vẫn không đủ bù mức thiếu hụt để hỗ trợ giá vàng tăng.

Cùng chuyên mục
Tin khác