Giá vàng trong nước tăng thêm 150.000 đồng/lượng, các cơ hội cho vàng tăng giá đang nằm ở đâu?

Bích Thủy - 28/05/2021 13:59 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 28/5, giá vàng trong nước tăng nhẹ, vàng thế giới lại rời ngưỡng 1.900 USD/ounce, nhưng các chuyên gia chỉ ra 4 yếu tố đang mở cơ hội cho vàng tăng giá.

VNF
Giá vàng trong nước tăng thêm 150.000 đồng/lượng, các cơ hội cho vàng tăng giá đang nằm ở đâu?

Sau 13 giờ ngày 28/5, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 56,25 – 56,65 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này cũng đang ở mức 1.890,4 USD/ounce.

So với hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra. Giá vàng thế giới giảm nhẹ với mức giảm khoảng 10 USD/ounce (gần 250.000 đồng), và rời khỏi ngưỡng 1.900 USD/ounce.

Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được doanh nghiệp giao dịch phổ biến quanh 52,95- 53,65 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay được công ty SJC để ở mức 400.000 đồng/lượng, tăng 50.000 đồng so với mức trung bình cả tháng qua.

Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hôm nay nhích tăng thêm 1 chút do giá thế giới giảm, còn giá trong nước lại tăng. Hiện giá vàng thế giới chỉ thấp hơn giá vàng SJC khoảng 3,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đêm 27/5 cao hơn khoảng 24,3% (370 USD/ounce) so với đầu năm 2020.

Giá vàng thế giới trong ngày 27/5 có lúc giảm 15 USD/ounce từ 1.905 USD/unce xuống còn 1.890 USD/ounce. Đến 6 giờ ngày 28/5, giá vàng hôm nay giao dịch tại 1.896 USD/ounce. Khi giá vàng vượt qua 1.900 USD/ounce một số quỹ đầu tư vàng đã có động thái bán ra chốt lời. Điển hình, trong phiên giao dịch kéo dài từ đêm 26 đến rạng sáng 27/5, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares đã bán hơn 2,04 tấn vàng. Từ đó, nhiều nhà đầu tư e ngại rủi ro, không mạnh dạn đưa vốn vào vàng.

Về ngắn hạn, giá vàng vẫn được dự báo sẽ đi lên. Chiến lược gia hàng hóa cấp cao của Bloomberg Intelligence cho rằng những động lực mới có thể đẩy giá vàng trở lại mức 2.000 USD/ounce. Vàng trong nước sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng 60 triệu đồng/lượng.

Về dài hạn, trên Kitco, Dan Oliver, nhà sáng lập Myrmikan Capital cho rằng, dự báo về dài hạn của vàng không còn là 3.000 USD/ounce mà mục tiêu giờ là 10.000 USD/ounce.

Theo chuyên gia, có nhiều yếu tố đang hỗ trợ vàng tăng giá. Thứ nhất, USD vẫn đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hạ nhiệt.

Thứ hai, nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi thị trường tiền ảo do thông tin xấu liên tục ập đến. Chính phủ các quốc gia liên tiếp có động thái truy quét và quản lý chặt hoạt động khai thác, đầu tư tiền ảo, đồng thời thúc đẩy quá trình phát hành tiền điện tử của của ngân hàng trung ương, khiến nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, giá trị nhiều đồng tiền ảo trên thị trường đã giảm 50 - 100% chỉ trong vòng một tháng. Khả năng dòng tiền tháo chạy từ tiền ảo đổ sang thị trường vàng là rất lớn.

Thứ ba, căng thẳng chính trị vẫn diễn ra trên thế giới, mới đây nhất là xung đột leo thang giữa Israel và Palestine, căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…

Thứ tư, chỉ báo rõ nét nhất, các tổ chức lớn đang quay trở lại với vàng. Sau thời gian liên tục bán ròng, từ đầu tháng 5/2021 tới nay, SPDR, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới, đã mua vàng trở lại, nâng dự trữ vàng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua.

Ngân hàng trung ương các quốc gia cũng đang đẩy mạnh mua vào mấy tháng gần đây. Cụ thể quý I/2021, Ấn Độ đã nhập khẩu 321 tấn vàng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Hungary vừa có đợt mua vàng lớn nhất thập kỷ (94,5 tấn) trong tháng 3/2021, tăng gấp 3 lần lượng vàng dự trữ. Ba Lan mua vào gần 95 tấn vàng và có thể còn chưa kết thúc. Trung Quốc (nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới) đã cho phép các ngân hàng trong nước nhập khẩu một lượng lớn vàng thỏi (khoảng 150 tấn). Còn Nga, sau khi tạm dừng mua vàng 1 năm trước, đã bắt đầu mua vàng trở lại.

Cùng chuyên mục
Tin khác