Giá xăng giảm, giá hàng hóa vẫn 'đứng im': Bộ Công Thương lên tiếng

Kỳ Thư - 05/08/2022 15:32 (GMT+7)

(VNF) - Dù giá xăng đã giảm giá tới 4 lần, tổng cộng hơn 7.000 đồng/lít nhưng đa số giá các loại hàng hóa vẫn đứng im.

VNF
Xăng dầu giảm giá, người dân đang nóng lòng chờ giảm giá hàng hóa, dịch vụ.

Theo Bộ Công Thương, trong những ngày qua, mặc dù giá xăng dầu trong nước đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm.

Bộ trưởng nhấn mạnh cần xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.

Đồng thời, Bộ trưởng giao Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường giám sát, triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm.

Bộ trưởng cũng yêu cầu cơ quan quản lý thị trường phối hợp với cơ quan báo chí thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ về thủ đoạn, nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá.

Các mặt hàng được Bộ trưởng lưu ý đặc biệt bao gồm lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch.

Vừa qua, thị trường xăng dầu đã ghi nhận 4 phiên giảm liên tiếp. Hiện tại, giá xăng E5 RON 92 ở mức 24.629 đồng/lít; xăng RON 95 có giá 25.608 đồng/lít; giá dầu ở dưới mức 25.000 đồng/lít.

Người tiêu dùng mong đợi khi giá xăng dầu hạ nhiệt, sẽ kéo theo giá hàng hóa giảm theo. Song ghi nhận thực tế, các mặt hàng vẫn neo giá, không chịu giá.

Nhiều doanh nghiệp tăng giá hàng hóa lý giải do xăng dầu chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành, nhưng thừa nhận có tình trạng "tát nước theo mưa", "tăng rồi, khó giảm" từ người bán. Mới đây Chính phủ cũng đã có yêu cầu "kìm giá cả", các chuyên gia cũng lên tiếng cần có các biện pháp hữu hiệu cho việc bình ổn giá, tránh để lạm phát quá "nóng".

Cùng chuyên mục
Tin khác