Giá xăng trước ngày tăng mạnh: Nguy cơ vượt trên 24.000 đồng/lít
Mai Anh -
31/10/2023 07:16 (GMT+7)
(VNF) - Giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (1/11) có khả năng tăng tiếp còn giá dầu giảm nhẹ. Nếu không chi Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 250-500 đồng/lít, lên 24.000 đồng/lít. Giá dầu diesel được dự báo giảm 420-500 đồng/lít.
Ngày mai (1/11) là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày một lần.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.
Giá xăng dầu thế giới tuần qua giảm khá mạnh. Hiện giá dầu Brent về mức 87 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở mức 82 USD/thùng.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, ở kỳ điều hành này, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tăng nhẹ so với kỳ trước.
Do đó, trong kỳ điều hành ngày mai (1/11), nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể tăng 250-500 đồng/lít, còn giá dầu giảm khoảng 420-500 đồng/lít.
Nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng ít hơn.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng trong nước vào ngày mai sẽ có phiên điều chỉnh tăng thứ 2 liên tiếp.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 30 lần điều chỉnh, trong đó có 17 lần tăng, 9 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 23/10), giá xăng dầu được điều chỉnh tăng nhẹ.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 460 đồng/lít, lên 22.360 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 470 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.510 đồng/lít.
Còn giá dầu diesel tăng 70 đồng/lít, giá bán lẻ là 22.480 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 290 đồng/lít, lên mức 22.750 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính ngừng trích lập và cũng không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Liên quan đến giá xăng dầu, mới đây, Bộ Công Thương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Về điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định hiện hành, nhưng sẽ rà soát một số chi phí thực tế phát sinh, sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí để đảm bảo tính đúng, tính đủ và kịp thời hơn cho doanh nghiệp.
Phương án thứ hai là sửa đổi công thức, phương pháp công bố giá cơ sở theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá. Doanh nghiệp đầu mối căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ, sau đó báo cáo về liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để giám sát.
Qua ý kiến góp ý từ một số đơn vị, Bộ Công Thương cho rằng cách điều hành giá xăng dầu như hiện nay có nhiều ưu điểm hơn. Tuy nhiên, thời gian rà soát, công bố chi phí đưa vào giá xăng dầu được đề nghị rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Đồng thời, thời gian điều hành giá sẽ rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, cố định vào thứ năm hàng tuần.
Theo Bộ Công Thương, việc giảm thời gian điều hành giá sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
Song, nhược điểm của phương án này là thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam khoảng 10-15 ngày nên khi thị trường bất ổn theo xu hướng bất lợi, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.