Giáo sư Trần Văn Thọ: 'Củng cố nội lực, rà lại chiến lược hội nhập'

Bình Yên (ghi) - 14/11/2017 10:49 (GMT+7)

(VNF) - Giáo sư Trần Văn Thọ nói Việt Nam cần ưu tiên củng cố nội lực, cụ thể là tăng năng lực quản trị nhà nước và xây dựng các doanh nghiệp dân tộc ngày càng vững mạnh; đồng thời cần rà soát và lập lại chiến lược hội nhập.

VNF

Ngày mai (15/11), một hội thảo quan trọng với chủ đề "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy" sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Trước sự kiện này, GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) đã bày tỏ quan điểm của mình về tăng trưởng của Việt Nam, theo đó ông nêu lên 5 khuyến nghị để thúc đẩy chính sách công nghiệp hóa.

Theo Giáo sư, quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam đã tiến triển một bước, thể hiện qua một số chỉ tiêu tổng hợp như sản xuất công nghiệp trong GDP, trong xuất khẩu. Là nước đi sau, Việt Nam phát triển nhanh hơn các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa thời gian qua còn nhiều vấn đề hạn chế. Việt Nam chưa tận dụng tốt lợi thế dân số vàng và là nước đi sau trong dòng thác công nghiệp hóa của khu vực. Nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào FDI và cũng chưa tạo được kết nối chặt chẽ giữa khu vực FDI với nền kinh tế trong nước. 

Các đối tác FDI chủ yếu là các nước công nghiệp hóa thế hệ thứ tư, thứ năm, khoảng cách phát triển không lớn. Việt Nam chủ yếu tham gia vào khâu lắp ráp, gia công, ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Những vấn đề này chủ yếu bắt nguồn từ việc nội lực của Việt Nam còn yếu kém, năng lực quản trị và thực thi còn nhiều hạn chế, đặc biệt quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường còn chậm và chưa triệt để.

Hiện nay, trào lưu công nghiệp hóa đang phải đối diện với 3 thách thức. Đó là cạnh tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp mới do nhu cầu giảm sau khủng hoảng toàn cầu 2008 và dư thừa năng lực sản xuất; nhiều nước ở giai đoạn thu nhập trung bình và trung bình thấp rơi vào tình trạng "thoát công nghiệp hóa còn non" và nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất công nghiệp giảm mạnh do cách mạng công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tự động hóa và mạng hóa.

Do đó, GS Trần Văn Thọ đã đưa ra 5 khuyến nghị về chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, với một lực lượng lao động hùng hậu của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa tiến sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp mới tránh được hiện tượng bước vào thời đại hậu công nghiệp quá sớm.

Thứ hai, Việt Nam cần ưu tiên củng cố nội lực, cụ thể là tăng năng lực quản trị nhà nước và xây dựng các doanh nghiệp dân tộc ngày càng vững mạnh. Mũi đột phá là các vấn đề cải cách hành chính, cơ chế tuyển chọn cán bộ, và hoàn thiện các thị trường yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, lao động.

Thứ ba, Nhà nước phải quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập được thương hiệu riêng. Không chỉ cần tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp mà còn phải đi xa hơn, năng động hơn trong việc làm cho các doanh nghiệp dân tộc cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới.

Thứ tư, cần rà soát và lập lại chiến lược hội nhập. Song song với việc mở cửa thị trường trong các cam kết về tự do mậu dịch, phải có chiến lược nuôi dưỡng các ngành công nghiệp có tiềm năng. Mặt khác, phải thay đổi chiến lược tiếp nhận FDI và tiếp cận với công nghệ của thế giới.

Thứ năm, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt đáp ứng với nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới, và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.