Giao thông tuần qua: Đầu tư công 146.990 tỷ làm 12 đoạn cao tốc Bắc-Nam

Chí Bình - 20/11/2021 14:19 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trả lời về việc xử lý sai phạm tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; đầu tư 6.000 tỷ đồng cho tuyến Nam Định – Lạc Quần – đường bộ ven biển; Chính phủ đề xuất đầu tư công 146.990 tỷ làm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Chính phủ đề xuất đầu tư công 146.990 tỷ làm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa)

Trình Quốc hội duyệt cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hơn 52.360 tỷ vào kỳ họp thứ 3

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang về đề nghị sớm triển khai dự án kết cấu hạ tầng ở đồng bằng sông Cửu Long như đường cao tốc Long Xuyên - Châu Đốc, Long Xuyên - Sóc Trăng và cầu Châu Đốc, cầu Thuận Giang (chợ Mới - Phú Tân) tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.

Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với chiều dài khoảng 188km, đi qua các tỉnh/thành phố An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, với quy mô 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 52.363 tỷ đồng, theo hình thức PPP, thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2021 - 2027, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án đã bố trí cho giai đoạn 2021 - 2025 là 14.248 tỷ đồng.

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước đang tiến hành thẩm định làm cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022)", văn bản trả lời của Bộ GTVT nêu rõ. (Xem thêm)

Chính phủ đề xuất đầu tư công 146.990 tỷ làm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký tờ trình trình gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập với tổng chiều dài là 729km và triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.

Theo tính toán của Chính phủ, nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần trong 5 năm đầu có thể thu hồi được khoảng 18.300 tỷ đồng vốn nhà nước, trong 10 năm có thể thu được khoảng 37.881 tỷ đồng; nếu thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu), trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ, trong 10 năm khoảng 30.000 tỷ đồng.

Dự án có nhu cầu sử dụng đất khoảng 5.481ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532ha, rừng phòng hộ khoảng 110ha, rừng sản xuất khoảng 1.436ha. Giải phóng mặt bằng tất cả các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, các dự án thành phần trên đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt.

Trong giai đoạn đầu, 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 17m), tốc độ thiết kế 80-120km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 146.990 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 95.837 tỷ đồng; chi phí GPMB, tái định cư 19.097 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 12.015 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 20.041 tỷ đồng. (Xem thêm)

Bộ GTVT nói gì về việc xử lý sai phạm tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Bộ GTVT vừa có công văn trả lời kiến nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy và đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và biện pháp xử lý sai phạm liên quan đến dự án.

Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc. Ngày 15/10/2008, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án và thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.

Dự án được khởi công tháng 10/2011, nhưng do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài đến tháng 5/2014 mới cơ bản hoàn thành (tháng 8/2015 mới bàn giao toàn bộ mặt bằng ga Cát Linh), nên tiến độ dự án đã bị chậm so với kế hoạch.

Trên cơ sở văn bản chấp thuận cơ chế đặc thù cho dự án của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý dự án đường sắt và tổng thầu đã ký điều chỉnh giá trị trọn gói của hợp đồng EPC và đến cuối tháng 12/2020, tổng thầu đã hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống.

Dự án đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, công năng thiết kế và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vận hành theo quy định của dự án, đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác.

Đến nay, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội ký biên bản bàn giao đưa dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác thương mại từ ngày 6/11/2021.

Về biện pháp xử lý sai phạm liên quan đến dự án, Bộ GTVT cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ sẽ rà soát, phân tích, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, sai phạm (nếu có) của các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. (Xem thêm)

Bộ GTVT sắp trình Thủ tướng duyệt 2 dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và Cao Lãnh - An Hữu

Bộ GTVT có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Đồng Tháp về việc sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Cao Lãnh - Mỹ An và tuyến tránh Quốc lộ 30 (đoạn TP. Cao Lãnh) để tạo điều kiện phát triển kinh tế tỉnh Đồng Tháp nói riêng và của cả vùng nói chung.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ GTVT cho biết dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã được Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức đối tác công - tư (PPP), nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án đã bố trí cho giai đoạn 2021 - 2025 là 475 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2021 để làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo. 

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Bộ GTVT cho biết dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất vào tháng 8/2020.

Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với chiều dài 26km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 4.701 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự kiến trong tháng 11/2021, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. (Xem thêm)

Đầu tư 6.000 tỷ đồng cho tuyến Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển

Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định vừa ký ban hành thông báo ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. 

Theo đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 ngày 12/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển với chiều dài khoảng 24,65km từ Quốc lộ 21B đến đường bộ ven biển theo tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng.

Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến dưới 6.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan sớm triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. (Xem thêm)

Hà Tĩnh muốn làm cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng hơn 18.000 tỷ bằng vốn đầu tư công

Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã bắt đầu bị hư hỏng, xuống cấp và có những bộc lộ quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông và hạn chế khả năng lưu thông hàng hóa trên trục dọc Bắc - Nam cũng như ảnh hưởng đến sự kết nối với trục Đông - Tây qua Quốc lộ 8, Quốc lộ 12 đến cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cửa khẩu Cha Lo.

Chính vì vậy, việc sớm đầu tư hoàn thành các đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng để kết nối với Khu kinh tế Vũng Áng là hết sức cần thiết và cấp bách.

Liên quan đến hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc hiện nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết là hiện Bộ GTVT đang đề xuất theo phương thức đầu tư công và PPP.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho rằng việc đầu tư đường cao tốc theo phương thức PPP ngoài những lợi thế nhất định, thì từ thực tiển triển khai các dự án trong thời gian qua cho thấy vẫn còn có những khó khăn, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chưa thể khẳng định chắc chắn thành công, dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án (chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, các tổ chức tín dụng hiện nay khó khăn trong cân đối nguồn vốn,  thời gian thu hồi vốn kéo dài...).

Do đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng bằng phương thức đầu tư công và chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án trong năm 2022, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn để tỉnh chủ động, sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ khi thực hiện dự án. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác