Hà Nội 'chốt' vị trí xây cầu Thượng Cát 7.300 tỷ đồng

Anh Hùng - 26/12/2024 17:35 (GMT+7)

(VNF) - Cầu Thượng Cát là một trong 10 cây cầu bắc qua sông Hồng được đưa vào Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội giai đoạn 2015-2030.

Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông thành phố Hà Nội, đơn vị chủ đầu tư, vừa công bố Quyết định phê duyệt phương án và vị trí xây dựng cầu Thượng Cát cùng đường dẫn hai đầu cầu. Dự án đã được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 và Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 8/12/2023.

Theo đó, dự án bắt đầu tại nút giao với đường Kỳ Vũ, thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, và kết thúc tại nút giao với đường 23B, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Hướng tuyến của cầu Thượng Cát được xác định dựa trên sự phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô, và các Quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.

Cầu Thượng Cát (thành phần 2, không bao gồm giải phóng mặt bằng) có tổng chiều dài, bao gồm cả cầu và đường dẫn hai đầu là 5,226km. Trong đó, cầu chính dài 780m, cầu dẫn phía Bắc Từ Liêm và Đông Anh dài 3,125km, và đường dẫn hai đầu cầu dài 1,321km. Tổng mức đầu tư của dự án được dự kiến hơn 7.300 tỷ đồng.

Cầu được thiết kế với 8 làn xe, bao gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Bề rộng của cầu chính là 35m, trong khi cầu dẫn rộng 31m. Đường dẫn phía Nam có mặt cắt ngang điển hình 60m, bao gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ trên tuyến chính và 2 đường song hành. Đường dẫn phía Bắc có mặt cắt ngang điển hình 50m, bao gồm 4 làn xe cơ giới và 2 đường song hành.

Cầu Thượng Cát là một trong 10 cây cầu bắc qua sông Hồng được đưa vào Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội giai đoạn 2015-2030. Các cầu còn lại bao gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên và Vân Phúc (trục Bắc - Nam nối Vĩnh Phúc).

Trước đó, vào tháng 11, thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn ngân sách, gồm cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi.

Trong đó, chủ tịch Hà Nội thống nhất đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đoạn đường nối từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên bằng nguồn vốn đầu tư công, nghiên cứu theo hướng hợp đồng EPC.

Cầu Trần Hưng Đạo và đường hai đầu cầu sẽ được thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Còn dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu được thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công (nguồn vốn của thành phố Hà Nội, của tỉnh Hưng Yên và vốn hỗ trợ của Trung ương theo quy định).

Cùng chuyên mục
Tin khác