Hà Nội tuần qua: Chấp thuận chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 theo hình thức PPP

Tố Như - 26/09/2021 09:12 (GMT+7)

(VNF) - Chấp thuận các chủ trương xây dựng 'siêu dự án' Vành đai 4 theo hình thức PPP; đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025... là những thông tin đáng chú ý của Hà Nội trong tuần qua.

VNF
Hà Nội đồng ý chủ trương xây dựng 'siêu dự án' Vành đai 4 theo hình thức PPP.

Hà Nội đồng ý chủ trương xây dựng 'siêu dự án' Vành đai 4 theo hình thức PPP

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội thống nhất, biểu quyết 100% quyết nghị đồng ý về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện chủ trương trên theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.

Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội lưu ý đề xuất dự án phải phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô; quy hoạch vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch chuyên ngành có liên quan và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm hiện đại, đồng bộ toàn tuyến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt và lâu dài; có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.

Các quy trình, thủ tục đầu tư dự án phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong đó, lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần theo hình thức PPP phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo quy định.

Bên cạnh đó, phối hợp với Đảng đoàn HĐND thành phố cân đối, bố trí đủ nguồn vốn của thành phố đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030).

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về khai thác các quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế đặc thù khác nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Đảng đoàn HĐND thành phố căn cứ các nội dung nêu trên chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ để trình tại kỳ họp thứ II, HĐND thành phố khóa XVI xem xét, cho ý kiến về chủ trương triển khai dự án.

Đường Vành đai 4 là đường vành đai ngoài khu vực nội đô của đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường trục hướng tâm, kết nối thành phố Hà Nội với các tỉnh lân cận. (Xem thêm)

Hà Nội chấp thuận đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đồng ý về chủ trương đối với nội dung đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo rà soát lại kết cấu bảo đảm sự phù hợp giữa tên gọi và nội dung trong từng chương cũng như tính thống nhất, đồng bộ, logic với quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 69/2001/NĐ-CP ngày 15/72021 của Chính phủ để hoàn thiện báo cáo, dự thảo đề án trình kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố khóa XVI xem xét, quyết nghị theo quy định.

Nghị quyết cũng lưu ý cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm định, đánh giá toàn diện hiện trạng các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các khu chung cư cũ đã xuống cấp, quá niên hạn sử dụng.

Việc này nhằm bảo đảm các số liệu được nêu trong đề án có tính chính xác, phản ánh đúng thực tế chất lượng của các khu chung cư cũ, đồng thời để làm cơ sở tổng hợp đầy đủ các chung cư cũ vào trong các kế hoạch triển khai cụ thể. (Xem thêm)

Hà Nội dành khoảng 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025

Tại kỳ họp thứ 2 diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/9, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến sẽ dành 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công. Trong đó, kế hoạch cấp thành phố 517.516 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách cấp huyện của các quận, huyện, thị xã là 132.484 tỷ đồng.

Trên cơ sở tính toán, cân đối ngân sách thành phố, dự kiến tổng mức vốn trung hạn khoảng 304.779,7 tỷ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố là 218.962,7 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.

Thành phố tập trung thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo 38 nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy, Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của HĐND thành phố và 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025 và Chương trình 05-CTr/TU của Thành ủy về đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, ứng phó với biến đối khí hậu.

Đáng chú ý, Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị. Cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông gồm 83.337 tỷ đồng đề thực hiện 255 dự án. Thành phố dành một khoản kinh phí cho 14 dự án lớn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế dự án.

Thành phố Hà Nội cho biết phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như các đường Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5, Vành đai 4…; các cầu lớn qua sông (Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); các trục hướng tâm, liên kết vùng (Quốc lộ 6, nâng cấp Quốc lộ 32, Quốc lộ 1A cũ, Quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình); các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. (Xem thêm)

Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói gì về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo?

Mới đây, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản góp ý gửi UBND thành phố Hà Nội về kiến trúc dự án cầu Trần Hưng Đạo.

Theo văn bản, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá đây là dự án giao thông cần thiết, quan trọng bắc qua sông Hồng, sẽ góp phần vào phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời tạo diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội một điểm nhấn kiến trúc quan trọng.

Vì vậy, Hội Kiến trúc sư cho rằng việc lựa chọn hình thức kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được cân nhắc xem xét, nghiên cứu cẩn trọng, trách nhiệm bởi hội đồng kiến trúc gồm các chuyên gia, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm là rất cần thiết. Đồng thời nên lắng nghe ý kiến nhân dân và giới chuyên môn liên quan để đi đến giải pháp thấu đạt.

Sau khi tổng hợp ý kiến các chuyên gia kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo cần phải trở thành một biểu tượng của thời đại, phản ánh được tư tưởng của thời kỳ khai sinh ra nó, phải là kết tinh của công nghệ, khoa học và trí tuệ hiện tại, hướng tới tương lai. Cây cầu nên trở thành một biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa đương đại. Vì vậy, theo Hội, không nên lặp lại phong cách kiến trúc "Đông Dương" như thuyết minh của tác giả đồ án.

Đáng chú ý, Hội Kiến trúc sư cho rằng phương án kiến trúc đưa ra từ đầu đến nay cũng không phải là phong cách kiến trúc "Đông Dương" mà là hình thức mô phỏng khiên cưỡng, nệ cổ, pha trộn hỗn tạp với nhiều chi tiết kiến trúc châu Âu từ thời trung cổ.

"Nếu muốn khai thác giá trị kiến trúc Pháp thuộc thì chỉ nên phát triển tinh thần cốt lõi của kiến trúc đó trong kiến trúc cầu hiện đại. Đó là sự ổn định, đĩnh đạc, sáng trọng, thanh nhã", Hội Kiến trúc sư Việt Nam góp ý thêm. (Xem thêm)

Chuyên gia: Cần làm rõ quỹ đất trong quy hoạch đô thị ven sông Hồng

Theo nhận định của giới chuyên gia, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là một trong những động lực thu hút đầu tư, đưa Hà Nội sớm có tên trong danh sách những thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực và cả trên thế giới.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần giải quyết vướng mắc bấy lâu nay về vấn đề trị thủy, dòng chảy, phân bổ hợp lý quỹ đất để thúc đẩy tiến trình hiện thực hóa “giấc mơ” đô thị ven sông Hồng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đô thị ven sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khẳng định đây là trăn trở, là ấp ủ của nhiều nhà quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

“Nói đây là một giấc mơ, bởi đã nhiều lần chúng ta bàn tới quy hoạch sông Hồng. Thậm chí là đưa vào thí điểm nhưng chưa hiện thực được. Mỗi lần chúng ta băn khoăn thì đều dừng dự án lại. Trong khi đó, với quy hoạch ven sông Hồng, số lượng dân ngoài bãi sông Hồng vẫn đang tăng lên khi chúng ta chờ sửa đổi quy hoạch. Nguồn lực sẽ thu hẹp mỗi lần như vậy,” ông Chiến nhấn mạnh.

Nhắc lại lần lập quy hoạch từ năm 2005, với sự tham gia của các chuyên gia Hàn Quốc, ông Chiến cho biết thành phố Hà Nội đã có nghiên cứu tổng thể quy hoạch sông Hồng, nhưng thời điểm 2005-2007, Hà Nội chưa mở rộng.

Về cơ sở pháp lý thời điểm đó, ông Chiến cho biết mới có Luật Đê điều vừa ban hành thay thế cho Pháp lệnh đê điều trước đây. Cùng với đó là Quyết định 92 phê duyệt tổng thể hệ thống đê có lũ sông Hồng và sông Thái Bình - đây là các căn cứ pháp lý, là mấu chốt cơ sở pháp luật quan trọng để nghiên cứu quy hoạch này.

Đặc biệt, theo ông Chiến, nghiên cứu quy hoạch khi đó cũng “ngại” về số dân cư ngoài bãi lên tới khoảng hơn 20 vạn dân. Đây là con số lớn, do đó quy hoạch sẽ tác động tới vấn đề an sinh. Do đó, nhà nước đã rất cẩn trọng, lấy ý kiến người dân 2 lần, tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa, cơ bản đồng tình với quy hoạch. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác