Tài chính

Habeco: Lãi ròng năm 2017 đạt 751 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng chiếm 1/3 tổng tài sản

(VNF) - Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 với kết quả doanh thu thuần cả năm đạt 9.800 tỷ đồng và lãi ròng 751 tỷ đồng.

Habeco: Lãi ròng năm 2017 đạt 751 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng chiếm 1/3 tổng tài sản

Năm 2017, Habeco lãi ròng 751 tỷ đồng.

Theo báo cáo, doanh thu thuần quý IV/2017 của BHN đạt 2.597 tỷ đồng, giảm 30% so cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 635 tỷ đồng, giảm 20%.

Trong quý, doanh thu tài chính đạt 39 tỷ đồng (tăng 73,6%) tuy nhiên do chịu lỗ 19,5 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 150 tỷ đồng, giảm 28%.

Quý IV/2016, BHN phải trích trước khoản dự phòng phải trả ngân sách lên tới 182 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế bị sụt xuống chỉ còn 36 tỷ đồng. Năm nay, không còn khoản dự phòng, BHN đã ghi dương 12,6 tỷ đồng lợi nhuận khác, do đó lợi nhuận trước thuế quý IV đạt 163 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2017, doanh thu thuần của BHN đạt 9.800 tỷ đồng, giảm 2%; lợi nhuận gộp đạt 2.756 tỷ đồng, giảm 6,7%.

Trong năm, BHN ghi nhận sự suy giảm của doanh thu tài chính (giảm 7%) và phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết (giảm 8 lần), trong khi đó chi phí bán hàng lại tăng 6%… nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 20%.

Phải nhờ khoản lợi nhuận khác lên đến 43 tỷ đồng (thu hồi vỏ chai – keg, thanh lý tài sản và thu nhập khác), BHN mới có mức lãi trước thuế 972,6 tỷ đồng (giảm 5%)

Kết thúc năm 2017, BHN lãi ròng 751 tỷ đồng, giảm 2,4%.

Tại ngày 31/12/2017, BHN có tổng tài sản 9.503 tỷ đồng, giảm 2,5% so với đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn là 5.221 tỷ đồng (tăng 1,5%), tài sản dài hạn là 4.282 tỷ đồng (giảm 7%).

Đáng chú ý, lượng tiền gửi ngân hàng của BHN khá lớn, lên tới 3.754 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu kỳ và chiếm tới 39,5% tổng tài sản.

Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của BHN, "tiền và các khoản tương đương tiền" có mức tăng 25% (từ 1.724 tỷ đồng lên 2.155 tỷ đồng). Trong khi đó, các khoản đầu tư tài chính giảm 18% (từ 1.837 tỷ đồng xuống còn 1.560 tỷ đồng) và các khoản phải thu ngắn hạn giảm 49% (từ 484,8 tỷ đồng xuống 326 tỷ đồng).

Trong cơ cấu tài sản dài hạn, tài sản cố định chiếm tới 84% (3.590 tỷ đồng). Trong năm, các khoản phải thu giảm gần 3 lần (từ 1.505 tỷ đồng xuống 657 tỷ đồng), tài sản dở dang giảm 4 lần (từ 168 tỷ đồng xuống còn 41 tỷ đồng). Trong khi đó, các khoản đầu tư tài chính tăng 28% (từ 239,7 tỷ đồng lên 306,5 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả là 2.796 tỷ đồng, giảm 14%. Nợ ngắn hạn chiếm 78% trong tổng nợ và giảm 13%, chủ yếu do giảm nợ vay (từ 816 tỷ đồng xuống còn 600 tỷ đồng).

Nợ dài hạn là 609 tỷ đồng, giảm 15%. Nợ vay chiếm 66% trong cơ cấu nợ dài hạn. Năm qua, nợ vay dài hạn đã giảm 9%.

Tin mới lên