Hai mặt của phòng vệ thương mại: Khi lợi ích đi cùng thách thức

Kỳ Thư - 21/07/2024 13:30 (GMT+7)

(VNF) - Các vụ kiện và “bị kiện” phòng vệ thương mại đang diễn ra ngày càng nhiều và là thực tế không thể né tránh của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt với một nước có nền kinh tế định hướng xuất khẩu, cũng xuất siêu nhiều như Việt Nam.

Tuy nhiên, việc đối diện với các vụ việc liên quan phòng vệ thương mại trong bối cảnh các vụ việc có xu hướng ngày một tăng lại là vấn đề không đơn giản khi lợi ích luôn đi kèm thách thức.

Các vụ kiện và khởi xướng phòng vệ thương mại gia tăng

Bộ Công Thương cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ.

Ở chiều ngược lại, tính đến cuối tháng 6, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2024 đã triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại, cụ thể, tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Các vụ kiện và khởi xướng phòng vệ thương mại gia tăng.

Trong diễn biến mới nhất, liên quan tới việc Việt Nam áp thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hoá các nước xuất khẩu vào thị trường trong nước, mới đây, Bộ Công Thương thông báo đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, vụ việc này đang tạo nên nhiều ý kiến trái chiều.

Thực tế, thuế nhập khẩu luôn tác động “đối nghịch” giữa những doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại. Doanh nghiệp thương mại thường muốn giá rẻ để bán có lợi. Nếu áp thuế chống bán phá giá, giá sản phẩm bị nâng lên không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn toàn thể người tiêu dùng. Ngược lại, việc tăng thuế này lại có mục đích dài hạn là bảo về cho doanh nghiệp sản xuất và nền công nghiệp tự chủ. Do đó, việc điều chỉnh tăng hay giảm thuế sẽ không chỉ liên quan đến “túi tiền” của 2 nhóm doanh nghiệp này.

Vì điều này, thời gian qua, 2 nhóm doanh nghiệp này có nhiều tranh luận xoay quanh việc đệ trình hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá.

Theo đó, một bên cho rằng cần áp thuế để bảo hộ nền sản xuất trong nước, một bên cho rằng đề xuất áp thuế chỉ nhằm mục đích thống lĩnh thị trường, tối đa hóa lợi nhuận cho một tập đoàn.

Cụ thể, ở góc nhìn của 12 doanh nghiệp tôn mạ cho rằng chưa đủ điều kiện để áp thuế. Các doanh nghiệp này cho rằng trong bối cảnh nguồn cung HRC nội địa đang chỉ đáp ứng được 30%, hành động nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ đạt được mục đích duy nhất là làm tăng giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam. Hơn thế còn gây lo ngại về nguy cơ bị trả đũa thương mại.

Chiều ngược lại, nhóm doanh nghiệp đệ đơn lại cho rằng việc nhập khẩu HRC đang tác động tiêu cực tới thị trường trong nước và cần bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước tác động của làn sóng nhập khẩu bên ngoài.

Một chuyên gia thương mại quốc tế nói: Không thể bình luận tới tính đúng sai của sự việc bởi mỗi bên đều có lí lẽ của riêng mình nhưng ở góc độ pháp lý việc áp thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng khi xác định được đủ ba điều kiện: Hàng nhập khẩu bị bán phá giá; ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nói trên.

Lập luận bảo vệ nền sản xuất trong nước, tránh nguy cơ mất thị trường nội địa chính là lý do nhiều quốc gia cũng dựng các "hàng rào" kỹ thuật ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc áp thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng khi xác định được đủ ba điều kiện đã nói ở trên.

Lo ngại trả đũa thương mại

Quay trở lại với làn sóng phòng vệ thương mại nói chung, thực tế cho thấy phòng vệ thương mại nếu được áp dụng hiệu quả sẽ giúp bảo vệ hàng hoá trong nước nhưng phòng vệ thương mại không phải lúc nào cũng tốt. Khi chúng ta áp thuế phòng vệ thương mại đối với một mặt hàng của một nước nào đó thì cũng có thể, nước kia sẽ áp thuế với mặt hàng khác của chúng ta.

Lo ngại trả đũa thương mại.

Chuyên gia thuế, TS Nguyễn Văn Phụng cho rằng vấn đề áp thuế chống bán phá giá có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ nền sản xuất trong nước một cách hợp lý.

“Khi phát hiện nước ngoài có dấu hiệu bán phá giá vào Việt Nam, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước thì Nhà nước cần tiến hành điều tra để quyết định áp dụng áp thuế hay không. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải cứ thích là áp thuế được, bởi thuế thể hiện quan điểm “có đi có lại” giữa các nước đối tác. Việt Nam đã ký kết hiệp định với các nước thì phải tôn trọng nguyên tắc này”, ông Phụng nói.

Theo ông Phụng, để có thể quyết định áp thuế hay không cần đứng trên nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất trong nước, làm rõ nguyên nhân vì sao nhập khẩu lại nhiều…

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng để trả lời cho câu hỏi có tăng thuế hay không tăng thuế thì cơ quan quản lý phải công minh, công bằng, công tâm, dựa trên số liệu về năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường.

Tương tự, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự nhìn nhận, việc áp thuế chống bán phá giá nằm trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đây là quyền của quốc gia thành viên được áp dụng.

Theo đó, các doanh nghiệp có quyền đệ trình hồ sơ đề nghị điều tra và họ phải chứng minh thiệt hại. Tuy nhiên, ở góc độ nhà nước, đây là câu chuyện chính sách và do đó cần cân nhắc một cách cẩn trọng.

“Ngoài việc bảo vệ quyền của doanh nghiệp thì Nhà nước cũng cần bảo vệ thị trường. Thậm chí, việc áp thuế hay không cũng ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng, vì lẽ ra người tiêu dùng được mua với giá thấp hơn thì nếu áp thuế sẽ phải trả giá cao hơn. Mặt khác, việc hàng nhập khẩu rẻ hơn cũng khiến các doanh nghiệp trong nước phải đổi mới công nghệ, quản lý… để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh”, ông Lập nói.

Các chuyên gia cho rằng cơ quan nhà nước phải công bằng, khách quan trong quyết định. Ở góc độ cơ quan quản lý, trước đó, trả lời báo chí trước đó, đại diện Bộ Công Thương cho hay sẽ thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý Ngoại thương và các quy định liên quan trước khi quyết định về mỗi vụ kiện cụ thể.

Điều tra thép HRC bán phá giá: Cục Phòng vệ thương mại đã nhận đủ hồ sơ

Điều tra thép HRC bán phá giá: Cục Phòng vệ thương mại đã nhận đủ hồ sơ

Thị trường
(VNF) -Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc.
Cùng chuyên mục
Tin khác