Hải Phòng cần giải trình căn cứ thu phí hạ tầng cảng biển

Yến Thanh - 08/02/2017 09:45 (GMT+7)

(VNF) - Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng TP. Hải Phòng cần phải giải trình về thay đổi mới đây liên quan đến phí cảng biển tại thành phố này.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề nghị TP. Hải Phòng phải có giải trình thuyết phục về các căn cứ đưa ra các mức phí tại Nghị quyết 148 của thành phố Hải Phòng, trong đó có đánh giá tác động một cách toàn diện các đối tượng chịu tác động.

Theo đó, nếu không giải trình hợp lý, cơ quan này "đề nghị giữ nguyên các mức phí trước thời điểm Nghị quyết 148 có hiệu lực".

Đây là ý kiến của VCCI về Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố Hải phòng ngày 13/12/2016 về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải phòng

Vẫn theo VCCI, ngay cả trong trường hợp giải trình hợp lý về việc ban hành Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND, VCCI đề nghị kéo dãn thời gian chuyển tiếp áp dụng quy định mới này, ít nhất là 06 tháng, để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị, tránh các tác động bất lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, VCCI đã nhắc tới một số trường hợp cụ thể của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và nhiều doanh nghiệp hội viên của VCCI.

Với chính sách tăng phí và bổ sung phí mới tại Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND, một số doanh nghiệp sợi dệt trung bình và lớn tại khu vực Thái Bình và Hà Nam, lượng xuất khẩu từ 150 – 400 container (40ft)/tháng/doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng/năm. Do đó, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trong ngành, lĩnh vực khác, dự kiến sẽ chi thêm hàng trăm triệucho mỗi lần thông quan.

"Đây trở thành gánh nặng mới về phí cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều các loại phí khác (phí cầu đường, các loại phí phát sinh khi sử dụng cầu cảng, kho bãi, các công trình dịch vụ ở khu vực cảng biển, …) và nhiều loại cũng đang tăng nhanh (như phí BOT). Điều này sẽ tác động trực tiếp đến chi phí, lợi nhuận của các doanh nghiệp và làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam", văn bản kiến nghị của VCCI phân tích.

Theo VCCI, Nghị quyết 148 của Hải Phòng đã đi ngược lại tinh thần lại Nghị quyết 35 của Chính phủ về rà soát để giảm các chi phí kinh doanh, một trong năm nhóm giải pháp quan trọng của Nghị quyết 35.

VCCI cũng phân tích, có nhiều vấn đề trong chính nội dung của Nghị quyết 148. Một là căn cứ xác định mức phí chưa rõ ràng. So với hiện hành, mức phí theo quy định tại Nghị quyết 148,tăng cao (tăng đến gần 70%, có loại phí tăng gấp đôi) đối với những loại phí đang thu và bổ sung thêm loại phí mới. Phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng trước đó đã được điều chỉnh vào năm 2015 và tiếp tục được điều chỉnh vào cuối năm 2016, theo hướng năm sau tăng cao hơn năm trước.

Các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng lộ trình tăng phí ở Hải Phòng là quá ngắn (03 năm tăng 03 lần), mức tăng cao cho mỗi lần điều chỉnh (tăng trên 50%) và dường như các mức phí không phù hợp với nguyên tắc xác định mức phí theo quy định tại pháp luật về phí và lệ phí và chưa giải đáp thỏa đáng được các câu hỏi xung quanh mức phí này.

Điều này cho thấy chính sách ban hành chưa minh bạch và thiếu ổn định, gây bất ổn cho tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư về môi trường kinh doanh nước ta nói chung.

Mặt khác, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội thì quy trình xây dựng Nghị quyết 148 của Hải Phòng chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nhất là quy trình lấy ý kiến, khidoanh nghiệp nhận biết được thông tin này gần với ngày ký ban hành, không có đủ thời gian để tham gia ý kiến.

Các giải trình từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đủ thuyết phục, ít nhất là các điểm về căn cứ ban hành các mức phí, đánh giá tác động của chính sách đến đối tượng chịu tác động trực tiếp cũng như gián tiếp.

Hơn nữa, thời điểm ký ban hành Nghị quyết (ngày 13/12/2016) đến thời điểm phát sinh hiệu lực là 01/01/2017 là khoảng thời gian quá ngắn (17 ngày) và theo VCCI, là "không đủ cho các doanh nghiệp chuẩn bị để áp dụng chính sách mới, trong khi đây lại là chính sách tác động rất lớn tới quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu". 

Cùng chuyên mục
Tin khác