Hạn chế tín dụng đen: Mâu thuẫn từ chính sách?

Minh Tâm - 27/12/2019 12:48 (GMT+7)

(VNF) - Bất kỳ sản phẩm tài chính nào nếu có thể thay thế tín dụng đen thì chắc chắn cũng hàm chứa rủi ro lớn hơn đáng kể các sản phẩm tài chính thông thường, bởi bản chất tín dụng đen là phục vụ khách hàng vay dưới chuẩn.

VNF
Hạn chế tín dụng đen: Mâu thuẫn từ chính sách?

2019 đánh dấu một năm Chính phủ rất quyết liệt trong việc đẩy lùi tín dụng đen. Thủ tướng đã có chỉ thị riêng về vấn đề này, trong khi Ngân hàng Nhà nước hồi tháng 3 cũng đã ra một văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Bộ Công an trong suốt năm qua cũng đã triệt phá rất nhiều đường dây tín dụng đen với lãi suất có trường hợp lên đến hàng nghìn phần trăm mỗi năm.

Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có giải pháp đẩy lùi tín dụng đen từ gốc.

Tại một hội thảo về chủ đề hạn chế tín dụng đen tổ chức gần đây, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đề nghị cần có chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay dưới chuẩn như là một giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tín dụng đen.

Cụ thể hơn, theo ông Thắng, các đối tượng tìm đến tín dụng đen thường là một bộ phận người dân nghèo, không có tài sản đảm bảo, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, nên để hỗ trợ người dân tránh xa tín dụng đen thì nên đưa ra quy định cho vay dưới chuẩn. Các ngân hàng sẽ cân đối, đưa ra sản phẩm nằm trong ngưỡng an toàn.

Trên thực tế, hiện không phải không có các sản phẩm cho vay dưới chuẩn. Các công ty tài chính lâu nay vẫn cho vay tín chấp với chuẩn thấp hơn chuẩn ngân hàng, đi kèm với lãi suất cao hơn do rủi ro lớn hơn. Bản thân các ngân hàng hoàn toàn có thể sở hữu các công ty tài chính và thậm chí, như trường hợp của VPBank, công ty tài chính FE Credit đóng góp tới một nửa lợi nhuận hợp nhất.

Trong top 4 công ty tài chính dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng về thị phần hiện nay, có tới 3 công ty trực thuộc ngân hàng, bao gồm: FE Credit trực thuộc VPBank, HDSaison trực thuộc HDBank và MCredit trực thuộc MB. Điều này cho thấy, việc tiếp cận các khoản vay dưới chuẩn đã được các ngân hàng thực hiện quyết liệt.

Để từng bước đẩy lùi nạn tín dụng đen, giải pháp khả thi nhất hiện nay là dựa vào các sản phẩm cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, đặc biệt là cho vay tiền mặt.

Một giải pháp khác có thể được tính đến là tạo điều kiện để hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu vay tiền mặt của người dân.

Tuy nhiên, đặt lên bàn cân, rõ ràng nếu phải khuyến khích một sản phẩm cho vay để thay thế dần tín dụng đen thì cho vay tiền mặt thông qua công ty tài chính an toàn hơn vì khâu thẩm định khoản vay được đảm bảo hơn cả.

Thêm vào đó, bản thân công ty tài chính cũng phải tự quản trị rủi ro và tự chịu thiệt hại nếu xảy ra tổn thất nên rủi ro đổ vỡ hệ thống thấp hơn nhiều so với loại hình cho vay ngang hàng. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng dễ dàng theo dõi và can thiệp hơn khi chỉ có một số lượng hạn chế đầu mối cho vay tiền mặt.

Dù là thế nhưng trong một động thái cẩn trọng, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Thông tư 18 hướng đến giảm dần tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng (chủ yếu là dư nợ cho vay tiền mặt) trong tổng dư nợ cho vay xuống mức 30%. Quy định này chỉ áp dụng cho khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng.

Lộ trình giảm dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với các công ty tài chính kéo dài trong khoảng thời gian 4 năm, từ 2021 đến 2024, cụ thể: tỷ trọng này ở mức tối đa 70% trong năm 2021, 60% trong năm 2022, 50% trong năm 2023 và 30% kể từ ngày 1/1/2024.

Quy định này ra đời nhằm hạn chế rủi ro khi các công ty tài chính, đặc biệt là các công ty tài chính có hậu thuẫn nguồn vốn lớn từ ngân hàng, tập trung rất mạnh vào phân khúc cho vay tiền mặt, bởi dư địa phân khúc này còn rất lớn, lãi suất cho vay cao nhưng đi kèm với rủi ro cao.

Tuy nhiên mặt khác, quy định này cũng khép bớt cánh cửa đẩy lùi tín dụng đen bằng sản phẩm cho vay tiền mặt từ các công ty tài chính, trong khi sản phẩm này đến nay vẫn là khả thi nhất để thay thế tín dụng đen.

Bất kỳ sản phẩm tài chính nào nếu có thể thay thế tín dụng đen thì chắc chắn cũng hàm chứa rủi ro lớn hơn đáng kể các sản phẩm tài chính thông thường, bởi bản chất tín dụng đen là phục vụ khách hàng vay dưới chuẩn. Sẽ buộc phải có hy sinh về mặt rủi ro nếu muốn chống tín dụng đen và sự hy sinh này cần phải được "bật đèn xanh" từ phía Chính phủ.

Cùng chuyên mục
Tin khác