Hiện trạng 2 dự án nghìn tỷ bị Tập đoàn Phúc Sơn bỏ dở ở Khánh Hòa
(VNF) - Tập đoàn Phúc Sơn muốn tiếp tục triển khai dự án Nút giao thông Ngọc Hội và Đường vành đai 2 kết nối Nút giao thông Ngọc Hội đang xây dựng dang dở.
Cây điều đã được xuất khẩu từ Brazil sang Ấn Độ thông qua các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha trong thế kỷ 16. Cây sớm tìm đường đến thành phố Kollam, một trong những cảng thương mại quan trọng nhất của Ấn Độ.
Hạt điều được đưa vào thương mại hóa trên thị trường thế giới từ đó, bắt đầu vào cuối những năm 1920, khi các nhà quản lý từ một công ty con của General Foods ký hợp đồng với các doanh nghiệp địa phương Ấn Độ để thu mua hạt điều thô và tách vỏ khỏi hạt.
General Foods sau đó đã vận chuyển chúng đến Hoboken ở New Jersey, sử dụng quy trình đóng gói chân không đã được cấp bằng sáng chế. Từ đó chúng được rang, đóng gói và bán trên khắp Hoa Kỳ dưới tên thương hiệu Baker's Vitapack Cashews.
Cây điều: Từ Brazil sang Ấn Độ
Đây là khởi đầu cho sự phát triển nhanh chóng của ngành kinh doanh toàn cầu hiện trị giá 6,5 tỷ USD. Tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất, hạt điều được đánh giá là đồ ăn nhẹ lành mạnh, đang dần được chế biến để trở thành sản phẩm thay thế cho bơ và sữa. Tại Ấn Độ, thị trường tiêu dùng hạt điều lớn nhất, một bộ phần tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cũng ưa thích việc thêm hạt điều vào bánh và đồ ngọt phục vụ cho đám cưới và sinh nhật.
Trong nhiều thập kỷ, Kollam là ‘thủ đô hạt điều’ của thế giới. Các nhà máy đã thực hiện gần như toàn bộ công đoạn từ tách vỏ cho đến phân loại.
Tuy vậy, ngày nay Việt Nam mới là ‘vị vua ngành điều’, nhờ vào việc khéo léo đẩy mạnh tự động hóa. Còn Kollam, một nạn nhân của chủ nghĩa bảo hộ sai lầm của chính phủ và không sẵn lòng chấp nhận thực tế của nền kinh tế toàn cầu tự do, đang quay cuồng tìm hướng đi.
Đây là một ví dụ về thời đại toàn cầu hóa. Toàn cầu hoá tạo ra thị trường rộng khắp trên toàn thế giới. Các chuỗi cung ứng quốc tế nằm rải rác khắp thế giới. Sự kết hợp này có thể làm cho các cộng đồng thoát khỏi đói nghèo và tạo ra sự cạnh tranh tàn bạo có thể củng cố các cộng đồng đó một cách nhanh chóng.
Các ông trùm ngành điều, chính vì vậy, không bỏ qua cơ hội làm giàu. Sau một vài năm thăm viếng để thiết lập các hợp đồng cung cấp cho General Foods, ông Johnson và vợ ông chuyển đến Kollam, nơi ông hợp tác với một đối tác địa phương, hình thành doanh nghiệp chế biến hạt điều của riêng mình và bán trở lại cho chính General Foods.
Ông đã tích lũy được một khối tài sản không nhỏ và thậm chí đặt tên con gái của ông là Kerala (thành phố Kollam thuộc bang Kerala, Ấn Độ). Sau khi Hoa Kỳ bước vào Thế chiến II và ra lệnh cho tất cả phụ nữ và trẻ em Mỹ rời khỏi Ấn Độ, ông Johnson cũng phải rời đi, vẫn hoàn toàn hy vọng một ngày sẽ trở lại. Nhưng ông ấy đã không bao giờ làm vậy.
Một số ít các gia đình địa phương sau đó tiếp tục thống trị ngành này. Đã có một sự xung đột giữa các nhà máy chế biến và lực lượng lao động địa phương ngay cả khi những người này chính là nguồn cung cấp việc làm chính.
Ngay từ đầu, ngành điều đã sử dụng nguồn lao động rẻ tiền nhưng có tay nghề để thực hiện quá trình loại bỏ hạt điều từ vỏ. Hầu như tất cả đều do phụ nữ thực hiện. Họ kiếm được một khoản thu nhập nhỏ.
Ông K. Ravindranathan Nair, hiện 85 tuổi, người đã xây dựng công ty Vijay Alaxmi Cashew thành một trong những nhà chế biến điều lớn nhất của Kollam nói: "Trước đó, những người phụ nữ này chỉ làm việc ở nhà. Thu nhập không phải là quá lớn, nhưng đối với họ, đó là một khoản bổ sung thêm cho nguồn thu của cả gia đình."
Những người lao động lành nghề được đánh giá cao, mặc dù mức lương của họ không phản ánh điều đó. Đặc biệt những người có tay nghề cao còn có thể nhanh chóng, bằng cách nhìn và cảm nhận, phân loại một cách chính xác theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
Bàn tay của công nhân làm trong nhà máy chế biến hạt điều ở Kollam
Khadeeja, một công nhân 39 tuổi, đã làm việc tại các cơ sở điều của Kollam kể từ năm 15 tuổi cho biết: "Đó là kỹ năng mà chỉ chúng tôi biết".
Vào những năm 1960, Kollam mọc lên hàng trăm nhà máy chế biến, những đám khói khói từ các máy rang xay của họ bùng lên khắp nơi. Những nhà máy này làm việc với hàng trăm ngàn công nhân vào thời gian cao điểm.
Krishnan G. Nair, người điều hành của KGN Cashew, nói: "Kollam chính là nơi thị trường được hình thành".
Trên bàn làm việc của ông có hai cuốn sách: "The Wealth of Nations", tác phẩm của Adam Smith nói về thị trường tự do; và cuốn Das Kapital của Karl Marx. Họ nắm bắt được rằng các thế lực cạnh tranh đã hình thành trong ngành công nghiệp điều của Kollam ngay từ khi bắt đầu.
Kinh doanh hạt điều bùng nổ. Nhưng những người lao động lại phải chịu một mức lương bèo bọt với lợi ích thấp và bị lạm dụng lao động. Tất nhiên, tình trạng này không thể kéo dài mãi mãi.
Từ những năm 1970, các nhà lãnh đạo công đoàn ở địa phương đã tạo ra nhiều sức ép ảnh hưởng, hình ban lãnh đạo tại địa phương với những nhà quản lý mang tư tưởng ủng hộ cho người lao động.
Để mở rộng việc làm và tăng lương, nhà nước đã thành lập hai nhà máy chế biến hạt điều lớn của chính phủ. Những công ty này chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp địa phương. Mức lương tối thiểu, ngay cả đối với các nhà sản xuất tư nhân, cũng được chính phủ tiểu bang quy định.
Lương tăng lên, chăm sóc sức khoẻ được cải thiện, ngành chế biến hạt điều khiến nhiều gia đình thoát khỏi nghèo đói. Phụ nữ và trẻ em là những người hưởng lợi lớn nhất.
Với sự phát triển của ngành điều, Kollam đã có thể xây dựng nhà hát địa phương, thư viện công cộng và khách sạn tốt nhất của thành phố. Kerala nhanh chóng trở thành một trong những bang tiên tiến nhất của Ấn Độ.
"Hầu hết các cơ sở, các cơ quan ở đây, đều là kết quả của hạt điều", N.K. Premachandran, đại diện cho cơ quan lập pháp của Kerala cho biết.
Trong một thời gian, sự cân bằng giữa chủ nghĩa tư bản và lý tưởng Marxist dường như chiếm ưu thế. Xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ vào năm 1999 đạt 97.000 tấn, tăng gấp đôi so với những gì họ đã đạt được vào đầu thập kỷ. Họ chiếm khoảng 80% thị trường toàn cầu. Nhìn chung, Ấn Độ đã chế biến được 173.000 tấn hạt điều trong năm đó, đứng đầu thế giới.
Đối với người dân tại Kollam và nhiều khu vực sản xuất hạt điều lớn khác tại Ấn Độ, hạt điều mang đến cuộc sống cho họ, hạt điều được coi như như là một cái gì mang ý nghĩa tâm linh.
Bhaiamma, một phụ nữ 80 tuổi, làm việc trong nhà máy từ năm 11 tuổi đến khi nghỉ hưu năm 2006 cho biết: "Cuộc sống vốn thật khó khăn. Với người dân ở đây, hạt điều chính là tất cả".
Các du khách từ Việt Nam đã bắt đầu đến Kollam vào giữa những năm 1990. Các nhà sản xuất cho biết họ đại diện cho người trồng điều. Việt Nam trước đó cũng đã là nguồn cung cấp hạt điều thô cho nhiều nhà máy ở đây. Các nhà sản xuất không ngần ngại hướng dẫn cho người Việt về cách chế biến hạt điều.
Một trong số những du khách đến đây thực ra lại là những kỹ sư làm việc cho một người đàn ông quyết tâm phát triển ngành điều Việt Nam, tên là Nguyễn Văn Lãng.
Ngay từ những năm 1980, chính phủ Việt Nam đã khuyến khích các chủ đất ở một số huyện nghèo nhất của họ trồng cây điều. Vào những năm 90, một nhà máy chế biến đã khẳng định được mình. Họ hoạt động với hàng ngàn công nhân, cũng giống như ở Kollam.
Tuy nhiên, các đại gia bán lẻ phương Tây như Wal-Mart, Carrefour và Tesco, những doanh nghiệp thu mua hạt điều lớn nhất, đang nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp có thể mang đến cho họ sản phẩm với mức giá rẻ hơn.
Vào năm 1995, ông Lãng, chủ sở hữu một doanh nghiệp đóng gói thực phẩm xuất khẩu, đã được chính phủ yêu cầu tìm hiểu cách thức Việt Nam có thể đẩy xuất khẩu hạt điều sang Mỹ hoặc bất cứ nơi nào khác có thể thu mua.
Ông Lãng chưa bao giờ thấy hạt điều trước đó. Khi ông không thể có được thị thực để đến thăm Ấn Độ, một người anh em sống ở Paris đã đi đến đó thay mặt ông Lãng.
Ông Lãng cho rằng: "Công nghệ sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh quan trọng."
Khi đó, một công ty Ý đã chế tạo một chiếc máy có thể cắt vỏ hạt điều. Máy này đắt tiền và làm vỡ nhiều hạt. Trong khi đó cắt hạt cũng chỉ là một bước, được cho là đơn giản nhất.
Chính vì vậy, ông đã quyết định tự chế tạo ra những chiếc máy của riêng mình. Người đàn ông 73 tuổi này kể về những khó khăn đã phải trải qua: "Chúng tôi đã cố gắng nhiều lần cho đến khi chúng tôi tìm ra được cách đưa máy móc vào từng khâu chế biến."
Gần đây nhất là đầu những năm 2000, các nhà máy chế biến của Việt Nam vẫn trông rất giống với các đối tác của họ ở Kollam: những căn phòng với những phụ nữ đang 'đắm chìm' trong việc lột vỏ, phân loại và xếp loại hạt điều bằng tay.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, nay đã 60 tuổi, bắt đầu xây dựng một trong những công ty chế biến hạt điều đầu tiên của Việt Nam vào năm 1993, sau nhiều năm mua hạt điều ở tỉnh Bình Phước và bán chúng cho các nhà môi giới chuyên chở chúng đến các nhà chế biến ở Ấn Độ.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ
Từ năm 2000 đến năm 2007, nhà máy của bà sử dụng đến 2000 công nhân trong những tháng cao điểm. Hầu hết những người công nhân đã đi gần một ngàn dặm từ vùng quê của họ ở miền Bắc Việt Nam vào đây làm thuê, tạm thời ở trong những ký túc xá chật chội.
Bà Mỹ Lệ đã biết đến chiếc máy mà ông Lãng đang phát triến. Bà không thấy lý do gì khiến bà phải mua những chiếc máy này cho đến một ngày lực lượng công nhân làm việc dần cạn kiệt. Các công ty nước ngoài ở miền Bắc đã cung cấp nhiều công việc cho những người công nhân, do vậy, họ đã quyết định quay trở về quê hương,
Cuối cùng Bà Mỹ Lệ quyết định mua máy móc và đưa chúng vào sản xuất. Theo thời gian điều này đã cải thiện đáng kể hoạt động của nhà máy.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp thăm công ty Mỹ Lệ
Ngày nay, nhà máy của bà chỉ cần sử dụng 170 công nhân. Mỗi ngày họ sản xuất 66 nghìn pound hạt điều, tương đương khối lượng của khoảng 2000 công nhân trước đây.
Những người lao động ngày nay sống trong cùng một ký túc xá, nhưng cả gia đình vẫn có thể sống cùng nhau, mỗi căn hộ đều có nhiều phòng riêng. Con cái của họ cũng được chăm sóc trong khi những người công nhân phải đi làm.
Một doanh nhân khác, ông Lê Quang Luyến, thậm chí còn mạnh tay hơn vào đầu tư công nghệ. Công ty của ông, Phúc An, gần đây đã chi 40 triệu Usd để xây dựng một cơ sở hoàn toàn tự động, sẽ khai trương trong năm nay. Nhà máy này có thể xử lý đến 110 nghìn pound hạt điều mỗi ngày chỉ với 30 nhân viên.
Tổ hợp nhà máy của Phúc An
Tại Kollam, đạt được ngôi vị thống trị thương mại trên thị trường toàn cầu đã khiến các nhà lãnh đạo chính trị mờ mắt, không khuyến khích cơ giới hóa do lo ngại điều này có thể khiến người dân mất việc làm
Luật pháp địa phương, ngăn cản các nhà máy chế biến ở địa phương sa thải công nhân và do đó đã mất đi cơ hội giảm thiểu chi phí và hưởng lợi ích mà công nghệ có thể mang lại.
Chính sách của chính phủ ngành càng khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Để bảo vệ người trồng điều và mở rộng vụ mùa trong nước, chính phủ Ấn Độ trong năm 2006 đã áp đặt mức thuế 9% cho nhập khẩu hạt điều thô. Chính quyền bang Kerala đã tăng 35% lương cho công nhân trong ngành. Hiện họ kiếm được 5,40 USD một ngày.
Kết quả là các nhà chế biến tư nhân đã chuyển các hoạt động sang các tiểu bang khác ở Ấn Độ, nơi mức lương thấp hơn và họ có thể cơ giới hóa các nhà máy.
Các công ty do chính phủ bang Kerala kiểm soát, không thể di chuyển sản xuất, chỉ đơn giản là ngành càng thua lỗ.
Nhân viên giờ chỉ được làm việc 165 ngày một năm so với 200 ngày như trước đây. Với mức tăng lương 35% theo yêu cầu, công ty phải trả cho công nhân với mức tăng trung bình là 22% trong khi hiệu suất lại giảm 18%.
Đầu năm nay, công ty sản xuất hạt điều do chính phủ Ấn Độ kiểm soát, Capex không thể mua được các loại hạt thô và phải đóng cửa trong vài tuần. Để cắt giảm nhân công, Capex cho biết họ đã không thuê công nhân mới trong hơn 5 năm. Hiện nay công ty này sử dụng 3.500 nhân lực, một nửa lực lượng lao động của họ trong năm 2010. Mục tiêu bảo vệ việc làm của họ đã khiến mọi việc trở nên tồi tệ
Capex nói rằng họ đã cố gắng hết sức để bảo vệ việc làm bằng chính sách lương của chính phủ. Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, chế biến hạt điều thô của Ấn Độ đã bị đình trệ trong năm ngoái ở mức 1,5 triệu tấn, trong khi xuất khẩu giảm 38% xuống còn 82,302 tấn.
Trong khi đó theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đã sản xuất được 1,4 triệu tấn hạt điều thô, tăng gấp đôi so với năm năm trước.
Giống như Bhaiamma, người công nhân đã nghỉ hưu ở Kollam, công nhân Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thịnh cũng đánh giá cao công việc của bà.
Bà Thịnh từ khi còn trẻ cũng bắt đầu với việc phân loại và nhặt hạt điều thô bằng tay. Nhưng khi bà Bhaiamma nghỉ hưu vào năm 2006, bà ấy vẫn phải làm những công việc như vậy, vẫn bằng tay.
Còn tại công ty của Bà Mỹ Lệ ở Việt Nam, bà Thịnh học được cách vận hành máy móc trong các công đoạn từ lột vỏ đến phân loại. Bà bắt đầu quản lý các công nhân khác vận hành những máy móc đó.
Bà Thịnh, với thu nhập 352,40 USD một tháng, có ngày nghỉ cuối tuần và tiền thưởng vào các dịp nghỉ lễ, cho biết: "Nhờ công nghệ mà tôi đã trở thành tôi của ngày hôm nay."
Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt. Sản lượng cây điều được trồng trong nước đã giảm trong những năm gần đây. Khi sự giàu có của Việt Nam ngày càng gia tăng, đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp. Các nhà máy chế biến ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Khi người thu mua người Việt Nam đến các khu vực đang phát triển của châu Phi để mua hạt điều thô, các quan chức chính quyền địa phương nơi đó đều có một yêu cầu: Ngoài việc phải trả tiền cho hạt điều mà họ trồng, họ muốn biết ở đâu họ có thể mua được các loại máy chế biến hạt điều mà các công ty Việt Nam đang sử dụng.
Rõ ràng, trong bối cảnh toàn cầu, cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng, liệu Việt Nam có trở thành Kollam thứ hai hay sẽ tiếp tục nắm giữ ngôi vương ‘ông vua ngành điều’?
(VNF) - Tập đoàn Phúc Sơn muốn tiếp tục triển khai dự án Nút giao thông Ngọc Hội và Đường vành đai 2 kết nối Nút giao thông Ngọc Hội đang xây dựng dang dở.