Hậu IPO, VEAM sẽ 'buông dần xe máy, dồn lực cho ô tô'

Anh Hùng - 02/02/2017 08:31 (GMT+7)

Ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) vừa chia sẻ một số kế hoạch mới trong thời gian tới, sau bước ngoặt IPO cuối năm ngoái.

Theo ông Chuyện, trong tổng số 240 nhà đầu tư tham gia đợt IPO ngày 30/8/2016 chủ yếu là nhà đầu tư tài chính và có một số nhà đầu tư vừa trong lĩnh vực tài chính vừa trong lĩnh vực ôtô.

Thực tế, vẫn chưa có nhà đầu tư nào trong lĩnh vực máy nông nghiệp tham gia mua cổ phần của VEAM bởi lẽ ở lĩnh vực này ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc thì khả năng sinh lời không cao, vốn đầu tư nhiều, do vậy các doanh nghiệp nước ngoài cũng chưa mặn mà lắm trong việc đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, với VEAM xác định việc đầu tư vào lĩnh vực máy nông nghiệp "là nhiệm vụ chính trị và phải sản xuất các máy nông nghiệp "Made in Vietnam". 

Trong lĩnh vực máy nông nghiệp, chiến lược của VEAM là lấy chất lượng làm chính. ​Để cạnh tranh với máy giá rẻ từ Trung Quốc, Ấn Độ thì VEAM phải bằng năng lực của mình, công nghệ để vượt trội về mặt chất lượng.

"VEAM không chạy đua với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ về giá mà chỉ chay đua về chất lượng, tập trung mạnh vào việc bảo hành, bảo dưỡng đáp ứng yêu cầu của người sử dụng", ông nói.

Liên quan đến chiến lược phát triển của các công ty liên doanh giữa VEAM và các đối tác nước ngoài, ông Chuyện cho hay hiện đã cử cán bộ sang một số doanh nghiệp nước ngoài như Honda VietNam, Toyota VietNam để giữ chức vụ lãnh đạo và Hội đồng quản trị trong liên doanh, đồng thời nhiều cán bộ cũng giữ chức vụ Trưởng phòng, Trưởng các dây chuyền sản xuất để tiếp cận công nghệ.

Đặc biệt, đối với Công ty Ford VietNam hiện nay từ Tổng Giám đốc đến các vị trí chủ chốt đều là người của Việt Nam, do vậy việc chuyển giao để nắm bắt dần công nghệ và để chuyển giao sau khi kết thúc liên doanh là hoàn toàn có thể.

"Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm chủ yếu đến lĩnh vực ôtô, còn lĩnh vực xe máy tôi cho rằng sau thời điểm 2020 sản lượng xe sẽ giảm dần do bão hòa nên VEAM quan tâm chủ yếu và tập trung đầu tư cũng như là học hỏi kinh nghiệm chuyển giao công nghệ về sản xuất lĩnh vực ôtô", ông nói.

Cụ thể, đối với lĩnh vực ôtô con, VEAM tiếp tục tham gia đầu tư với các liên doanh như Toyota và Honda.

Còn đối với Tổng công ty VEAM hiện có nhà máy VEAM ôtô ở Thanh Hóa và mục tiêu là mỗi năm tăng từ 20-30% sản lượng, chủ yếu đáp ứng dòng xe tải, sau này tiến tới sản xuất dòng xe buýt và đây là 2 dòng xe chiến lược đã được Chính phủ xác định trong thời gian tới và VEAM có chiến lược đầu tư phát triển thông qua viêc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao hàm lượng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm xe tải.

"Chúng tôi hy vọng thời gian tới VEAM sẽ nâng cao thị phần của mình đối với ô tô tải, thông qua đó hạn chế nhập khẩu dòng xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc như hiện nay. Chúng tôi chỉ tập trung vào dòng xe chiến lược để đầu tư và phát triển", ông nói.

Về phát triển công nghiệp phụ trợ, theo ông Chuyện, hiện VEAM có 3 Công ty tập trung sản xuất về công nghiệp hỗ trợ, đó là Công ty phụ tùng máy số 1, Công ty cơ khí Phổ Yến (FOMECO) và Công ty Diesel Sông Công và 70% sản lượng của 3 đơn vị này đang cung cấp cho doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất xe máy, những chi tiết do doanh nghiệp Nhật Bản đặt hàng.

Qua kinh nghiệm thực tế có thể thấy, doanh nghiệp phải đầu tư thiết bị với công nghệ rất cao, tính chính xác và năng suất lao động của các thiết bị này được coi trọng hàng đầu.

Bên cạnh đó, để vận hành khai thác những thiết bị này, VEAM phải đưa lực lượng lao động đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Trong khi VEAM cũng phải thuê các chuyên gia đến trực tiếp các doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên, có như vậy mới tham gia được vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản.

Cùng chuyên mục
Tin khác