Hé mở danh sách 20 doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021
Vân Oanh -
02/06/2022 15:55 (GMT+7)
(VNF) - Năm 2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt trên 605.500 tỷ đồng, tăng 39% so với năm trước. Trong đó, top 20 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu đã đóng góp hơn 100.000 tỷ đồng với mức lãi suất bình quân từ 8-13%/năm.
Theo báo cáo do Bộ Tài chính gửi tới Chính phủ mới đây, năm 2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt 639.766 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020 (466.826 tỷ đồng). Trong đó, chủ yếu vẫn là TPDN phát hành riêng lẻ với 605.520 tỷ đồng (tăng 39%), còn lại chỉ 34.146 tỷ đồng là TPDN phát hành ra công chúng, tăng 12% so với năm trước.
Quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2021 tương đương 18,2% GDP, tăng 42,4% so với cuối năm 2020 (17,11% GDP).
Lãi suất phát hành bình quân TPDN riêng lẻ năm 2021 là 7,94%/năm, giảm 1,4%/năm so với năm 2020, thấp hơn 1-2% so với lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay.
Cũng theo thống kê từ Bộ Tài chính, TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo trong năm 2021 chiếm 49,7% tổng khối lượng phát hành, ngược lại 50,3% là TPDN phát hành không có tài sản bảo đảm. Đối với TPDN phát hành ra công chúng, chủ yếu đều không có tài sản đảm bảo khi chiếm đến 99% tổng khối lượng phát hành.
Trái phiếu không có tài sản đảm bảo chủ yếu là trái phiếu do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phát hành, chiếm 77,7% tổng khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ không có tài sản đảm bảo.
TPDN do các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chào bán thì có 88,2% khối lượng phát hành là trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán. Tài sản đảm bảo này phần lớn là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84% tổng khối lượng phát hành), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%).
Chính vì vậy, Bộ Tài chính đánh giá mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm cao, nhưng thực tế chất lượng tài sản bảo đảm lại không được như vậy. Trong trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản bảo đảm (dự án, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai...) có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Đây là rủi ro lớn.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, trong số 380 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.
Đặc biệt một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của TCTD đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.
Thống kê trong danh sách này, tiêu biểu là 20 doanh nghiệp bất động sản có khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng, với mức lãi suất bình quân từ 8-12,9%/năm. Top các doanh nghiệp dẫn đầu là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty Cổ phần Osaka Garden, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediteranean Revival Villas, Công ty Cổ phần H.T Land, ước tính đã huy động trên 6.900 tỷ đồng từ phát hành TPDN để làm dự án bất động sản.
Theo sau là các "ông lớn" trong ngành địa ốc khác, như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp, Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An, Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Minh Tân, Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, Công ty TNHH Đầu tư Big Gain, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng, Công ty Cổ phần Tập đoàn R&H...
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.