Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Kém hiệu quả, kém minh bạch, chỉ là sân riêng của DNNN

Thụy Khanh - 30/03/2018 10:06 (GMT+7)

(VNF) – Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã chỉ ra hàng loạt vấn đề trong cách thức tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

VNF
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần cải tổ mạnh mẽ

VFA chỉ bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp nhà nước

Theo báo cáo, ngay từ đầu, việc ra đời của VFA đã không phản ánh đúng nguyên tắc cơ bản là dựa trên sự tự nguyện, vì mục đích hoạt động của các hội viên.

"VFA đã ra đời dựa trên ý chí của một bộ phận các cơ quan quản lý nhà nước, với kỳ vọng sẽ trở thành cánh tay nối dài của Chính phủ để quản lý ngành gạo", báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo cũng cho biết bộ máy quản lý, điều hành của VFA được xây dựng với đầy đủ các vị trí, ban bệ và bộ phận giúp việc nhưng thực tế hoạt động rất kém hiệu qua và kém minh bạch.

Theo điều lệ thì VFA được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, nhưng vị trí chủ tịch hiệp hội lại vẫn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê chuẩn. Vị trí này cũng thường do lãnh đạo của Vinafood 1 và Vinafood 2 thay nhau đảm nhận. Nhiều mâu thuẫn nội bộ bùng phát từ đây, khi liên tục có sự thiếu minh bạch và tự nguyện trong bầu cử lãnh đạo.

VEPR đánh giá VFA chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp và chỉ đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp lớn. Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc gia nhập VFA hiện nay đó là điều kiện "phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ".

"Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao nhưng lại không thể trở thành thành viên của hiệp hội. Như vậy dù có tên là Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhưng VFA không bao phủ tới nông dân, thương nhân trung gian và cũng không đại diện cho quảng đại cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành gạo".

Thực tế hoạt động, VFA cũng không làm tròn vai trò bảo vệ hội viên và bị chỉ trích rất mạnh mẽ khi trực tiếp tham gia vào thực thi Nghị định 109 – được cho là đang cản trở sự phát triển của các hội viên.

Thực tế VFA đang thực thi vai trò bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp nhà nước, thay vì đông đảo doanh nghiệp tư nhân. Điều này được thể hiện rõ qua việc triển khai hợp đồng tập trung (G2G). Các quyết định phân bổ của VFA dựa trên cách tiếp cận từ phía quản lý, không dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện của hội viên từ trước. Giá gạo theo hợp đồng tập trung trong nhiều nhiều trường hợp thấp, gây thua lỗ cho doanh nghiệp được phân theo chỉ tiêu và trực tiếp đẩy giá thu mua cho nông dân giảm.

VFA cũng không có giá trị định hướng trong chiến lược phát triển thị trường và liên kết năng động của khối doanh nghiệp tư nhân, đồng thời thất bại trong vai trò dẫn dắt khối doanh nghiệp nhà nước thu hẹp khoảng cách về năng lực phát triển thị trường và kết nối với khối doanh nghiệp tư nhân.

Tư duy thị trường của VFA xuất phát tù việc lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước kiêm nhiệm lãnh đạo VFA, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước đang tụt hậu so với khối tư nhân cả về năng lực phát triển thị trường và năng lực liên kết sản xuất.

Với bản chất là hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu, VFA thiếu quan tâm đến thị trường nội địa, mặc dù doanh nghiệp hội viên liên tục phản ánh về cơ hội thị trường nội địa, khiến quyền lợi của hội viên không được đảm bảo.

VFA đã thất bại trong việc triển khai chính các nhiệm vụ trong điều lệ, lẫn nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hội viên. Các hoạt động xúc tiến thương mại của VFA rất kém hiệu quả. VFA cũng chưa có bất cứ hoạt động cụ thể nào liên quan đến nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh lương thực, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên tiếp cận nguồn vốn.

VFA chỉ biết lợi cho mình

Theo VEPR, mối quan hệ của VFA với nhà nước ở hai cấp độ trung ương và địa phương về các khía cạnh trao quyền và phân quyền. Chính quyền trung ương đã dần trao quyền lực ngày càng lớn cho VFA, đặc biệt khi lúa gạo nội địa dư thừa lớn và xuất khẩu gạo trở nên quan trọng.

Xung đột về mặt lợi ích giữa chính quyền địa phương và VFA thể hiện rõ thông qua chính sách thu mua tạm trữ thóc gạo: VFA nắm quyền phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo theo hợp đồng G2G nhưng trách nhiệm thu mua, tạm trữ lại giao cho doanh nghiệp và địa phương.

Như vậy, doanh nghiệp và chính quyền địa phương không được chủ động đầu ra, nắm toàn bộ rủi ro của quá trình thu mua – tạm trữ, gánh hết trách nhiệm đối với sinh kế của nông dân nhưng lợi ích và lợi thế kinh tế thị trường lại thuộc về VFA.

Hai vấn đề nổi bật nhất trong mối quan hệ của VFA với thị trường là giá sàn xuất khẩu gạo và sự nổi lên của thị trường Trung Quốc.

Theo Nghị định 109, VFA được giao nhiệm vụ công bố giá sàn gạo xuất khẩu từng thời kỳ để làm cơ sở cho việc ký kết và đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Quyền lực xác định và công bố giá sàn của VFA "tình cờ" có tác động đặc biệt lớn khi Vinafood 1 và Vinafood 2 ký kết các hợp đồng tập trung và cạnh tranh giá khốc liệt trên thị trường quốc tế.

"Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cho thấy chính sách giá sàn là một thất bại của Chính phủ để giải quyết thất bại của thị trường", VEPR nhấn manh.

Vai trò xã hội của VFA cũng bị đánh giá là kém tích cực và không mang tính bao trùm. Điều này thể hiện trong chính sách mua, tạm trữ thóc gạo và chính sách liên kết nông dân – doanh nghiệp. Ưu đãi lãi suất trong chính sách mua, tạm trữ thóc gạo thực chất là một hình thức trợ cấp, nhưng VFA và các doanh nghiệp nhà nước là thành phần được hưởng lợi nhiều nhất.

Mục tiêu của chính sách này vốn hướng đến nông dân, đã bị thất bại. Và VFA, với bản chất là hiệp hội của các doanh nghiệp xuất khẩu, đã không có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của nông dân.

"Hãy trả lại tên cho em"

Với các phân tích trên, VEPR khuyến nghị trong ngắn hạn, hiệp hội này nên giới hạn tên gọi trong phạm vi doanh nghiệp xuất khẩu, có thể là Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam, thay vì tên gọi bao trùm cả ngành Lương thực như cũ.

Dựa trên tên gọi mới này, các vai trò hàng đầu của hiệp hội được VEPR đề xuất là: bảo vệ lợi ích của hội viên là chủ yếu trên thị trường quốc tế (như VASEP hiện nay); dẫn dắt/định hướng phát triển thị trường lúa gạo theo đúng mục tiêu tăng chất lượng, tăng giá trị và xây dựng gạo Việt Nam trên trường quốc tế; cung cấp các dịch vụ công từ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong dài hạn, VEPR cho rằng hiệp hội cần phải cải tổ và thay đổi một cách triệt để đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc: tự nguyện, tự quản, tự chủ và tự trang trải, tự chịu trách nhiệm. Tiêu chuẩn của hội viên cũng cần được mở rộng nhằm tối đa hóa tiềm năng phát triển của thị trường gạo Việt Nam.

Đối với nhà nước, VEPR khuyến nghị Chính phủ cần chấm dứt can thiệp hành chính vào tổ chức thể chế của hiệp hội; lãnh đạo VFA không nên là cán bộ do nhà nước bổ nhiệm và trả lương. Đồng thời Chính phủ cần thay thế chính sách thu mua, tạm trữ lúa gạo trước đây bằng kỷ luật xuất khẩu gắn với các điều khoản ưu đãi tín dụng vào chính sách hỗ trợ liên kết ngang, liên kết dọc trong chuỗi giá trị lúa gạo và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ cao.

Cùng chuyên mục
Tin khác