Hiệp hội Mía đường bác đề xuất áp thuế cao với nước ngọt

Lệ Chi - 23/05/2018 11:53 (GMT+7)

(VNF) - Liên quan đến việc Bộ Tài chính đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng nước giải khát có đường với mức 10%, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng Bộ Tài chính cần xem xét đánh giá toàn diện, đầy đủ, thấu đáo đề xuất này.

VNF
Hiệp hội Mía đường không ủng hộ đề xuất áp thuế cao đối với nước ngọt có đường

Theo dự thảo sửa đổi 5 luật thuế (trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt) được Bộ Tài chính hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2017, Bộ Tài chính đề xuất các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, đồng thời nâng thuế giá trị gia tăng (GTGT) thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.

Một trong những lý do để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường.

Bộ Tài chính cho rằng tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì và tiểu đường ở Việt Nam đang ở mức cao. Hiện ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số.

Tuy nhiên, ngay sau khi đưa ra đề xuất này, Bộ Tài chính đã vấp phải sự phản đổi gay gắt từ phía người tiêu dùng, hiệp hội và các doanh nghiệp.

Cụ thể, mới đây, Hiệp hội Mía đường cho rằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có đường không phải là một thực tiễn phổ biến trên thế giới và trong khu vực.

Theo Hiệp hội Mía đường, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế VAT này cần phải có khảo sát đánh giá toàn diện, đầy đủ, thấu đáo tác động của chính sách này đối với ngành mía đường trong nước và ngành sản xuất nước giải khát cũng như người tiêu dùng và cả nền kinh tế - xã hội.

“Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặt biệt là kiểm soát bệnh tiểu đường và béo phì cần kiểm soát chặt chẽ và không cho dùng sản phẩm đường lỏng HFCS là nguyên liệu sản xuất đồ uống chứ không phải đánh thuế là giải quyết được câu chuyện này”, Hiệp hội nhấn mạnh.

Hiệp hội Mía đường cũng cho rằng Bộ Tài chính cần xem lại chính sách ưu đãi thuế quan hiện nay đối với mặt hàng đường HFCS (không quản lý hạn ngạch thuế quan và thuế suất 0% đối với các nước ASEAN, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc).

Tăng thuế chưa chắc dẫn đến giảm tiêu thụ nước ngọt

Theo Hiệp hội này, số lượng các quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống nói chung, bao gồm cả đồ uống có đường và không có đường chỉ chiếm khoảng 25% trong số các quốc gia trên thế giới.

Trong khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ có 4 quốc gia áp dụng thuế đối với nước ngọt là Thái Lan, Brunei, Lào và Campuchia. Một số nước từng áp dụng loại thuế suất này nhưng đã bãi bỏ vì không hiệu quả, trong đó có Argentina, Đan Mạch, Cộng hòa Dominica, Ai Cập, Ghana, Indonesia, Pakistan, Nam Phi, Zambia và một số bang của Mỹ.

Ngoài ra, tác động của việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong việc cải thiện về sức khỏe cho người tiêu dùng, cụ thể là giảm tỷ lệ béo phì hay tiểu đường chưa được khẳng định ở bất kỳ quốc gia nào.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt ở khu vực châu Á Thái Bình Dương vẫn có tỷ lệ béo phì tăng liên tục trong những năm qua.

Các chuyên gia về thuế hay về sức khỏe cũng không bảo đảm được rằng việc tăng thuế đối với nước ngọt sẽ làm giảm tỷ lệ người béo phì hay tiểu đường, vì có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các bệnh này.

Ngoài ra, việc tăng thuế chưa chắc đã dẫn đến giảm tiêu thụ nước ngọt ở khu vực thành thị, nơi tập trung nhiều người có thu nhập cao hoặc trung bình và có khả năng chi trả cho các sản phẩm phổ thông như nước ngọt dù giá có tăng lên.

Chính vì vậy mà ngay cả các nước trên thế giới đang đối mặt với tình trạng người béo phì tăng nhanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Canada… cũng không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường.

Hiện tại, cả nước có 41 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150 nghìn tấn mía/ngày, tăng 12,7 lần so với năm 1995. Diện tích mía cả nước có khoảng 300 nghìn ha, tăng khoảng 10 lần so với năm 1995. Năng suất mía bình quân cả nước đạt khoảng 64.8 tấn mía/ha, tăng khoảng 1,5 lần so với năm 1995.

Hàng năm ngành mía đường sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường, đảm bảo cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước, tham gia bình ổn thị trường giá cả trong nước.

Đáng chú ý, hàng năm ngành mía tạo giá trị sản lượng khoảng 300 nghìn tỷ đồng đóng góp ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.