Hỗ trợ cho hàng không: 'Cần coi như 'món đầu tư' của nền kinh tế'

Chi Lan - 19/03/2021 17:30 (GMT+7)

(VNF) - Mới đây, lần lượt các hãng hàng không thông báo kết quả kinh doanh của “năm Covid-19 thứ nhất”. Qua đó, chứng kiến một diễn biến ngược chiều đáng chú ý, khi “anh cả” thuộc khối quốc doanh là Vietnam Airlines báo lỗ, còn hai hãng bay thuộc khối dân doanh bao gồm Vietjet và Bamboo Airways thì ghi nhận lãi.

VNF

“Chỉ mong được đối xử bình đẳng”

Đáng chú ý, hiện đang nảy sinh một số ý kiến cho rằng: "có nên đưa kết quả kinh doanh của các đơn vị vào hệ tham chiếu để xây dựng các gói chính sách hỗ trợ cho từng hãng bay không? Thậm chí, các hãng làm ăn có lãi rồi thì có cần phải được hỗ trợ nữa không?"

Quan điểm này hiện đang vấp phải sự phản đối đến từ nhiều chuyên gia và nhà quan sát vì tính phiến diện và ngắn hạn.

Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không - đơn vị hoạt động tích cực trong quá trình kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ, nhấn mạnh: việc các hãng bay tư nhân xoay xở để mang về nhiều nguồn thu thể hiện “giải pháp chủ động của doanh nghiệp thay vì trông chờ được hỗ trợ”.

Trong giai đoạn khó khăn, sự khác biệt nằm ở những hãng đã năng động giảm chi phí hoạt động, tăng mạng lưới đường bay nội địa, đẩy mạnh vận tải hàng hoá, liên tục tung ra các sản phẩm kích cầu, đa dạng hoá dịch vụ.

Những nỗ lực đó góp phần phát triển du lịch, dịch vụ, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân một cách an toàn và kinh tế trong năm khó khăn chung.

Khả năng ứng phó, không bóc ngắn cắn dài của nhóm các hãng bay tư nhân ngay từ giai đoạn đầu phòng chống dịch bệnh, thay vì có thể gây ra sự bất lợi cho chính họ trong quá trình kiến nghị gói hỗ trợ, thì thậm chí cần phải được xem như một yếu tố để xem xét ưu tiên.

Vì suy cho cùng, sự bền bỉ của các doanh nghiệp tư nhân dù mãnh liệt đến đâu, nếu thiếu đi sự đối xử công bằng trong chính sách từ nhà quản lý, thì rồi cũng sẽ “mong manh” dần.

Đại diện lãnh đạo Vietjet bày tỏ quan điểm, một trong những nền tảng của mục tiêu "hùng cường" là hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Để làm được điều này, cần đổi mới tư duy, cần sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương.

"Khi đó chúng ta sẽ có một quốc gia đổi mới, cải cách để thu hút được các nguồn lực", lãnh đạo Vietjet nói, mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau.

Phía Bamboo Airways cũng nhiều lần khẳng định quan điểm, điều mà hãng mong muốn là các doanh nghiệp hàng không trong nước đều được bình đẳng trong việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi, không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.

“Chúng tôi không mong được ưu tiên. Chúng tôi chỉ mong được đối xử bình đẳng”, lãnh đạo Bamboo Airways nói.

Cần chính sách thống nhất và xuyên suốt

Trung tuần tháng 3/2021, trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã tiếp tục nhấn mạnh: cần tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ bổ sung, đưa chính sách phù hợp, phục hồi những ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch và hàng không.

Khi chủ trương hỗ trợ toàn ngành đã được Chính phủ nhiều lần cam kết, thì vấn đề đặt ra hiện giờ là phương thức hỗ trợ như thế nào là bảo đảm công bằng, mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước, xã hội và nền kinh tế nói chung.

Xét ở mặt bình diện xã hội theo đóng góp cho GDP, khối doanh nghiệp tư nhân hiện đang đóng góp gần 70-80%. Chưa kể các doanh nghiệp khối tư nhân thành lập và kinh doanh bằng chính dòng tiền riêng thay vì vốn nhà nước, nên yêu cầu về sự hỗ trợ cho khối doanh nghiệp này càng phải được đặt lên hàng đầu trong giai đoạn khó khăn.

Bình luận về những dữ kiện này, PGS.TS Ngô Trí Long nhận xét, việc tạo mọi cơ hội để các doanh nghiệp có thể khai thác và có một môi trường bình đẳng, công khai và minh bạch đối với tất cả mọi doanh nghiệp, xét cho cùng, cũng chính là thực hiện tối ưu nhất vai trò kinh tế của Nhà nước.

Hỗ trợ để “hồi phục trong dài hạn” là yếu tố được nhiều chuyên gia nhận định, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Chính phủ cần có chiến lược cho hàng không Việt Nam với tư cách là tổng thể sức mạnh gồm các hãng hàng không đang bay hiện nay, có chiến lược chung và cùng với các hãng thiết kế ra một chiến lược sống còn và trỗi dậy sau đại dịch Covid-19”.

"Hàng không hiện là phương thức kết nối các ngành kinh tế, nền kinh tế nhanh nhất, trực tiếp nhất và hiệu quả nhất. Việc hỗ trợ này không nên được xem như “con cá” dành riêng cho ngành hàng không, mà phải xác định đó là “món đầu tư” về lâu về dài của Nhà nước dành cho toàn bộ nền kinh tế", ông Thiên nhận định

Cùng chuyên mục
Tin khác