HSC: Agribank, Sacombank và một số TCTD nhỏ đang ‘còng lưng’ gánh nợ xấu

Trang Lê - 22/11/2017 06:19 (GMT+7)

(VNF) – Theo Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), gánh nặng nợ xấu của hệ thống hiện tập trung phần lớn ở các ngân hàng thương mại như Agribank, ngân hàng 0 đồng như Oceanbank, GPBank, VNCB và một số ngân hàng khác như Sacombank, Eximbank, SCB.

VNF
HSC cho rằng Nghị quyết 41 về xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng được Quốc hội thông qua vào 21/6/2017 sẽ giúp hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

Cụ thể, HSC nhận định tình hình chung nợ xấu đang đổ dồn về phía 7 – 8 ngân hàng, bao gồm Agribank, Sacombank và một số tổ chức tín dụng nhỏ. Gánh nặng nợ xấu ở các ngân hàng không giống nhau, tùy thuộc vào khả năng xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng.

Trong khi các ngân hàng lớn hầu như đã trích lập hết cho nợ xấu từ trước để lại và hiện có tình hình tài chính lành mạnh, sẵn sàng cho việc tăng trưởng trong vài năm tới như Vietcombank, MBBank, HDBank & ACB, thì một số ngân hàng niêm yết khác vẫn còn đang "chật vật" trích lập dự phòng như VPBank, BIDV và Vietinbank.

Ngược lại, Agribank và các ngân hàng 0 đồng như OceanBank, GPBank, VNCB và một số ngân hàng khác như Sacombank, Eximbank và SCB vẫn còn rất nhiều nợ xấu từ trước để phải trích lập.

Tuy nhiên, tình hình xử lý nợ xấu đang có dấu hiệu tích cực bởi phần lớn nợ xấu được đảm bảo bởi các tài sản là bất động sản. Do vậy, tỷ lệ thu hồi nợ được kỳ vọng sẽ đạt mức cao khi các tài sản bảo đảm được thanh lý, có thể cao hơn mức thông thường là 30 – 40%. Đặc biệt là khi giá trên thị trường bất động sản đang tăng.

HSC cho rằng Nghị quyết 41 về xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng được Quốc hội thông qua vào 21/6/2017 sẽ giúp hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

Đồng thời, dựa trên các thông tin được cung cấp một cách minh bạch và quá trình xử lý nợ xấu đang tiến triển khá thuận lợi, HSC dự báo phần lớn nợ xấu ở nhiều ngân hàng sẽ được xử lý trong giai đoạn 2018 – 2019.

Theo HSC, chi phí xử lý nợ xấu thực tế cuối cùng sẽ tùy thuộc vào giá trị thị trường của tài sản bảo đảm hay phần nợ nhưng sẽ thấp hơn nhiều con số nợ xấu tuyệt đối chưa được trích lập dự phòng. Do nợ xấu chưa được trích lập dự phòng và chưa trừ giá trị tài sản bảo đảm hay phần nợ có khả năng thu hồi được trong tương lai.

Nếu nhìn vào số liệu quá khứ thì tỷ lệ này thường là 30 – 40% trên tổng số nợ xấu (đến cuối tháng 9 là 566 nghìn tỷ đồng). Có nghĩa là số nợ không thu hồi được trong tổng số nợ xấu chưa được trích lập dự phòng của toàn ngành là 240 – 280 nghìn tỷ đồng. Tương đương khoảng 600 – 700% tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2016 (40 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

Như vậy, nếu thực sự xử lý được nợ xấu một cách triệt để, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng đột biến trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác