Kem đánh răng Dạ Lan và câu chuyện đầy cay đắng của doanh nhân Trịnh Thành Nhơn
Nha Trang -
23/10/2019 08:00 (GMT+7)
Vô tình ‘đánh mất’ thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan diễn ra cách đây hơn năm 20, đến nay, doanh nhân Trịnh Thành Nhơn vẫn nuôi hi vọng phục hưng thương hiệu này.
Ra đời từ năm 1988, sản phẩm kem đánh răng Dạ Lan là sản phẩm hợp tác giữa Cơ sở sản xuất Sơn Hải (tiền thân của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải sau này) và kỹ sư Lưu Trung Nghĩa – một trong những chuyên gia đầu ngành sản xuất kem đánh răng tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Hồi ức đẹp đẽ
Ban đầu, kem đánh răng Dạ Lan gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khách hàng, doanh nghiệp tiềm năng. Đích thân ông Trịnh Thành Nhơn, chủ Cơ sở sản xuất Sơn Hải, đã phải tự bươn chải, chở hàng đi bán từ Đà Nẵng xuống tận Cà Mau và sau này “Bắc tiến” để giới thiệu sản phẩm ở hội chợ Hà Nội nhưng hầu như không thu được đồng nào vì khách hàng đa số chấp nhận ký gửi.
Năm đầu tiên, khi Dạ Lan chở một container hàng ra ngoài miền Bắc để bán và chào hàng tại các khu chợ thì đã gặp tình trạng tồn đọng suốt nhiều ngày dài.
Doanh nhân Trịnh Thành Nhơn.
"Cuối cùng, tôi phải chọn một cái giải pháp đó là đến gặp các cấp chính quyền, các khu du lịch gửi quà tặng và viết tên lên sản phẩm của mình. Sau đó, tôi ra nhà sách đặt mua lịch, thuê in lên dòng chữ: "Công ty Sơn Hải, kem đánh răng Dạ Lan kính biếu". Cứ mỗi quầy bán tạp hóa, tặng vài cuốn lịch kèm 10 ống kem đánh răng Dạ Lan.
Thời điểm đó, có một quyển lịch rất quý, người ta tranh nhau nhận kem đánh răng chỉ để có cuốn lịch. Sau đó, có người đã tìm đến chúng tôi, sau 10 ngày sản phẩm của chúng tôi được bán hết. Đó có lẽ là kỉ niệm mà cả cuộc đòi tôi chẳng thể nào quên được. Cũng từ đó, sản phẩm Dạ Lan bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh phía Bắc", ông Trịnh Thành Nhơn chia sẻ.
Theo ông chủ Dạ Lan, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, luôn bị khó khăn bủa vây, vì thế, sự kiên trì, nỗ lực theo đuổi ngành nghề lựa chọn là điều vô cùng quan trọng. Ông cũng khuyên nhà khởi nghiệp, không có gì dễ dàng và nếu dễ dàng có, cũng sẽ dễ dàng mất.
Giai đoạn năm 1993 – 1994, Dạ Lan hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường kem đánh răng nội địa, nắm trong tay tới 70% thị phần cả nước, riêng từ Đà Nẵng trở vào là 90% thị phần. Nhờ vậy, Dạ Lan được xem là “công thần” số một trong việc đánh đuổi kem Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam. Không chỉ được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam, kem Dạ Lan còn được xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia và một số tỉnh phía nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận vào năm 1995, thị trường kem đánh răng nội địa bị đảo lộn do những “ông lớn” ngành hóa mỹ phẩm thế giới là Unilever và Colgate Palmolive đặt chân tới Việt Nam.
"Xiêu lòng" trước Colgate và cái kết
Trả lời cho câu hỏi khi Dạ Lan đang ở giai đoạn phát triển và đã có thành tựu, lý do gì khiến thương hiệu này sát nhập với Colgate, liệu đây có phải là một quyết định sai lầm như trước đây ông Nhơn từng phát biểu hay không, ông chủ Dạ Lan lý giải, đó là bước đi đúng thời điểm.
Dạ Lan phát triển trong bối cảnh đất nước khi đó vẫn còn khó khăn về cơ chế và điều luật với kinh doanh tư nhân. "Khi tôi nghe đến chuyện khởi nghiệp ngày nay của các bạn trẻ, thật sự tôi thấy đó là một điều hạnh phúc mà thời kì chúng tôi không có được", ông Nhơn nói.
Theo ông Nhơn, ở thời kỳ hoàng kim, mỗi sáng, trước cửa nhà máy luôn là hàng dài người xếp hàng chờ mua sản phẩm Dạ Lan, doanh nghiệp tựa như một "cô gái đẹp" và nhận được nhiều lời "dụ dỗ" và đã "xiêu lòng" trước Colgate.
Năm 1995, công ty quốc tế Colgate Palmolive đặt vấn đề liên doanh với Sơn Hải, công ty sở hữu nhãn hiệu Dạ Lan. Ban đầu, ông Nhơn không đồng ý với Colgate Palmolive, nhưng việc Công ty Phong Lan tuyên bố bán lại P/S, thương hiệu kem đánh răng “anh em” với Dạ Lan cho Unilever với giá 5 triệu USD đã khiến ông phải cân nhắc.
Khi đó Dạ Lan và P/S đang cùng nhau độc chiếm thị trường kem đánh răng, việc P/S về tay Unilever - một doanh nghiệp lớn ngành hóa mỹ phẩm thế giới, khiến vị trí dẫn đầu của Dạ Lan bị đe dọa. Chưa kể, Colgate đã tỏ rõ tham vọng tấn công vào thị trường dù không đạt được liên doanh với Dạ Lan.
"Thời điểm đó, chúng tôi có thương hiệu được nhiều người biết đến, có dây chuyền công nghệ khoa học kỹ thuật, tương tự chúng tôi, P/S cũng được Unilever tìm đến và dụ dỗ với nhiều chính sách và đãi ngộ tốt.
Ở thập niên 90, chính sách chỉ cho doanh nghiệp nước ngoài vào liên doanh và nếu P/S liên doanh với Unilever thì đó sẽ là một nguy cơ lớn cho Dạ Lan. Chưa kể Colgate vẽ ra một bức tranh tốt đẹp trong nhiều năm tới, nhãn hiệu của chúng tôi được mua lại với giá cao rất nhiều lần.
Lúc đó tôi đã bị dao động, đây không phải là vì tiền mà là tôi đang tìm được một người giúp cho công ty tôi phát triển", ông Nhơn cho biết.
Nhìn lại quyết định bắt tay với Colgate, ông Nhơn cho rằng, đó là quyết định đúng ở thời điểm khi mà ông đã tìm được đối tác có thể giúp công ty đi xa hơn.
Tuy nhiên, đáng tiếc là Colgate đã không phát triển nhãn hàng Dạ Lan tốt hơn lên như cách Unilever đã làm với P/S. Chỉ sau 1 tháng thay đổi chiến lược sản xuất, sản phẩm bị khách hàng và thương nhân từ chối đón nhận. Không lâu sau đó, Colgate dẹp bỏ Dạ Lan vì không có lợi nhuận.
Chưa hết, năm 1998, phía Colgate Palmolive còn quyết định giải thể luôn công ty này vì thua lỗ. Tuy nhiên, ông Nhơn cho biết, sau 3 năm liên doanh với Dạ Lan, Colgate Palmolive đã chiếm được 10% thị phần, tương đương với 30 triệu USD.
Khát vọng "hồi sinh"
Khẳng định lựa chọn đối tác không sai, ông Nhơn cho rằng, doanh nghiệp và người làm chủ cần có kinh nghiệm trong hợp tác kinh doanh, trong trường hợp, kinh doanh một lĩnh vực không thành công, cần tìm một hướng rẽ hoặc ngõ hẹp phù hợp để chuyển hướng.
"Khi họ vẽ một bức tranh quá tốt mà vô tình không biết rằng đó chính là cái bẫy của họ, khi mình đã vướng vào bẫy rồi thì có thể rút chân làm sao được... May mắn cho tôi, vì tôi vẫn có thể tiếp tục phát triển thương hiệu Dạ Lan bởi Colgate Palmolive mua thương hiệu Dạ Lan nhưng không đăng ký bảo hộ độc quyền.
Năm 2009, 10 năm sau khi hợp đồng liên doanh giữa Dạ Lan và Colgate hết hiệu lực, ông Nhơn từ Canada trở về Việt Nam tiếp tục đăng kí và phát triển lại thương hiệu Dạ Lan và thành lập Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế (ICC). Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, kem Dạ Lan vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng ở thị trường. Đã 10 năm trôi qua, mục tiêu tìm lại hào quang xưa cho Dạ Lan của ông Nhơn vẫn còn rất xa.
"Tôi nghĩ cho dù chúng ta chọn ngành nghề gì thì mình phải nỗ lực hết lòng, hết sức và có tâm huyết với nó thì mới có thể có hy vọng thành công. Ngay cả bản thân tôi ngày hôm nay có được một thương hiệu như thế này cũng đã bỏ ra rất là nhiều tâm huyết trong suốt hơn 40 năm.
Có những lúc tôi nhớ lại cái thời mà năm thập niên 70, những ngày khi đó từng có lúc trở về hai bàn tay trắng, chỉ còn duy nhất một can dầu dừa với mục tiêu là cố gắng gầy dựng lại từ đống tro tàn. Cho đến giờ, tôi đã 60 tuổi, tôi vẫn tiếp tục kiên trì để có thể giành lại thị phần mà Dạ Lan đã từng có trước đây.
Tôi cũng từng nói với các con tôi là nếu như không may bố không thể đeo đuổi được thì các con sẽ là người nối nghiệp. Mỗi ngày qua đi tôi đều phải nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh, khi ngủ tôi cũng mơ đến.
Tôi muốn các bạn biết rằng, chẳng có gì dễ dàng cả, và nếu dễ dàng có cũng sẽ dễ dàng mất. Nếu chúng ta không kiên trì, không nỗ lực theo đuổi thì cái hoàn cảnh khó khăn sẽ cứ đeo đuổi chúng ta trên hành trình mà chúng ta khởi nghiệp", ông chủ Dạ Lan kết lại.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone