Kenya - Quốc gia châu Phi 'lột xác' nhờ Mobile Money

Quỳnh Anh - 30/05/2023 08:44 (GMT+7)

(VNF) - Sự xuất hiện của dịch vụ Mobile Money có tên M-Pesa gần như đã khiến Kenya - một quốc gia Đông Phi nhỏ bé và lạc hậu - “thay da đổi thịt” trong vòng hơn 1 thập kỷ.

VNF

Kenya là quốc gia nằm ở miền đông châu Phi với vị trí địa lý được cho là “cửa ngõ” thương mại và tài chính của khu vực. Mặc dù vậy, nền kinh tế nước này trong nhiều năm liền không thể phát triển do bị cản trở bởi các hình thái thời tiết khắc nghiệt, nạn tham nhũng cũng như sự phụ thuộc vào một số mặt hàng cơ bản.

Đầu những năm 2000, khi các quốc gia phương Tây đã làm quen với cây rút tiền ATM và nhiều dịch vụ tài chính đa dạng, thì tại Kenya và nhiều quốc gia châu Phi, những ngân hàng truyền thống vẫn là nơi cung cấp dịch vụ chính. Thậm chí, theo dữ liệu từ báo cáo nghiên cứu FinAccess, tính tới năm 2006, chỉ 26,7% dân số Kenya được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống. Do đó, tỷ lệ loại trừ tài chính cao, tức là thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, là một đặc điểm của nền kinh tế Kenya thời bấy giờ.

Do tỷ lệ loại trừ tài chính cao, người dân hoặc không thể truy cập vào tài khoản điện tử, hoặc chỉ có thể truy cập một cách hạn chế mà vẫn phải chịu những chi phí cao. Thay vào đó, mọi người có xu hướng sử dụng tiền mặt, nhưng đây cũng không phải biện pháp tối ưu khi cần chuyển tiền cho người thân ở xa. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết buộc Kenya phát triển các phương pháp “chuyển tiền di động” hay “ngân hàng di động trực tuyến”.

Từ ứng dụng Mobile Money đầu tiên tại Kenya tới mô hình lớn trên thế giới

Sự khởi đầu của M-Pesa nhen nhóm từ năm 2002, nhưng việc thử nghiệm dịch vụ thanh toán bằng điện thoại di động chỉ bắt đầu từ năm 2004-2005, khi Ngân hàng Thương mại Châu Phi (CBA), hãng viễn thông hàng đầu Kenya Safaricom, công ty di động Vodafone, tổ chức tài chính vi mô Faulu Kenya và MicroSave - một dự án tài trợ hỗ trợ đổi mới tài chính, cùng hợp tác để tạo ra dịch vụ này.

Tháng 3/2007, Safaricom hợp tác với Vodafone triển khai dịch vụ M-Pesa, cho phép người dân gửi tiền toàn quốc bằng thuê bao di động mà không cần tới tài khoản ngân hàng. Khẩu hiệu quảng cáo ban đầu của M-Pesa là “gửi tiền về nhà”, đã chỉ ra chức năng cốt lõi mà nó mang lại cho những người có thu nhập thấp, đó là tạo điều kiện chuyển tiền trong nước, chủ yếu từ thành thị về nông thôn. Việc này được hỗ trợ bởi một mạng lưới đại lý rộng lớn cho phép khách hàng của M-Pesa chuyển đổi tiền mặt của họ thành tiền điện tử và ngược lại khi cần thiết. Toàn bộ hệ thống chạy trên một công nghệ tương tự như tin nhắn văn bản.

Dự án này ban đầu đối mặt với nhiều mối nghi ngại, bởi không có bất kỳ ngân hàng nào tham gia vào M-Pesa. Tuy nhiên, quy trình định danh chặt chẽ của M-Pesa dần đã lấy được niềm tin của khách hàng. Nhờ đáp ứng được các yêu cầu về pháp lý và xoá bỏ lo ngại về biện pháp phòng chống rửa tiền, M-Pesa nhận được giấy phép đặc biệt để triển khai Mobile Money, dù không phải là ngân hàng. M-Pesa cũng được chính phủ Kenya và Ngân hàng trung ương (CBK) nới lỏng các quy định về định danh khách hàng theo các giới hạn giao dịch.

Theo dữ liệu từ Safaricom, trong 12 tháng hoạt động đầu tiên của M-Pesa, số lượng đại lý đã tăng từ 307 vào tháng 3/2007 lên 2.329 đại lý vào tháng 3/2008. Con số này nhiều hơn 2 lần so với số lượng chi nhánh ngân hàng ở Kenya thời điểm đó. Đến tháng 8/2008, số lượng đại lý đã tăng lên 3.761. Số lượng giao dịch được xử lý bởi M-Pesa cũng tăng một cách chóng mặt. Theo đó, đến cuối tháng 3/2007, M-Pesa có 21.714 giao dịch và đến tháng 4, số lượng giao dịch đã tăng gấp 3 lần lên 69.740. Đến tháng 12/2007, lượng giao dịch hàng tháng là hơn 1,2 triệu và đến tháng 8/2008, sau một năm M-Pesa đi vào hoạt động, tổng số giao dịch hàng tháng là 6,3 triệu lượt, đạt tổng giá trị khoảng 25 triệu USD vào thời điểm đó.

Theo thời gian, M-Pesa đã phát triển nhiều loại hình thanh toán P2P và P2B, bao gồm cả các hóa đơn tiện ích cũng như các khoản thanh toán tại trạm xăng, siêu thị và bệnh viện. M-Pesa cũng đã hợp tác với lĩnh vực ngân hàng và hiện cung cấp các dịch vụ như tín dụng, tiết kiệm và các nền tảng giống như thấu chi. Trong những năm qua, Safaricom đã xây dựng quan hệ đối tác với nhiều ngân hàng thương mại để cung cấp các dịch vụ bổ sung cho những khách hàng của mình.

Một trong những bước phát triển quan trọng nhất xảy ra vào năm 2012, khi Safaricom hợp tác với Ngân hàng Thương mại Châu Phi (CBA) và bắt đầu cung cấp “M-Shwari” – một tài khoản ngân hàng được vận hành trên thiết bị di động cho phép truy cập vào tài khoản tiết kiệm sinh lãi và sản phẩm tín dụng kỹ thuật số hoàn toàn tự động. Một loạt các sản phẩm tương tự đã được giới thiệu trên thị trường sau năm 2016, chẳng hạn như Eazzy Loan, Branch và Tala. Đến năm 2019, Fuliza được ra mắt, đây là một nền tảng thấu chi cho phép khách hàng M-Pesa hoàn thành các giao dịch ngay cả khi số dư khả dụng trong ví di động không đủ.

M-Pesa đã trở thành “địa chỉ” phổ biến để chuyển tiền giữa các cá nhân, thúc đẩy tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thống cho hơn 80% dân số Kenya vào năm 2019, tỷ lệ tiếp cận cao nhất tại châu Phi, theo số liệu từ World Bank. Một nghiên cứu năm 2020 đã chỉ ra rằng ứng dụng Mobile Money M-Pesa đã giúp 2% hộ gia đình Kenya thoát nghèo nhờ những thay đổi về khả năng phục hồi tài chính và tiết kiệm, chuyển đổi từ nông nghiệp sang kinh doanh và tác động tích cực đáng kể đến phụ nữ.

M-Pesa không chỉ phát triển tại Kenya mà còn được mở rộng và thành công tại nhiều quốc gia khác. Ước tính, nền tảng này có 52 triệu người dùng ở các quốc gia châu Phi. Một thực tế đáng kinh ngạc là 17,6 triệu người dùng trong số này ở Ghana, Tanzania, Kenya và Mozambique chưa bao giờ tham gia bất kỳ hệ sinh thái tài chính chính thức nào trước M-Pesa. Liên tục ghi nhận những con số phát triển ấn tượng, không thể phủ nhận M-Pesa là một mô hình Mobile Money phát triển nhanh nhất và thành công hàng đầu trên thế giới.

Tác động to lớn tới cộng đồng và kinh tế khu vực

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 4/5 quốc gia châu Phi có tốc độ tăng trưởng GDP là nhờ những ứng dụng như M-Pesa. Điểm mấu chốt là các nền tảng di động như M-Pesa giống như những chiếc chìa khóa, giúp những người chưa được phục vụ đầy đủ ở các thị trường đang phát triển tiếp cận với các hệ thống tài chính hiện đại. Nhờ các dịch vụ Mobile Money, trên khắp Kenya, Tanzania, Mozambique và Ghana vào năm 2019, số người sống trong cảnh nghèo đói đã giảm khoảng 1,7 triệu người. Ngoài ra, theo báo cáo hoạt động năm 2022 của Vodafone, nếu không có M-Pesa, 57% người dùng cảm thấy họ sẽ có ít tiền hơn.

Đến năm 2024, các chuyên gia ước tính rằng các công nghệ và dịch vụ di động sẽ đóng góp khoảng 184 tỷ USD vào giá trị kinh tế cho khu vực châu Phi, cận sa mạc Sahara. Sự tăng trưởng này phần lớn được thúc đẩy bởi những cải thiện về năng suất và hiệu quả do sự gia tăng sử dụng các dịch vụ di động.

Bài học rút ra từ câu chuyện tài chính số tại Kenya

Xét về tiềm năng số hoá tài chính, cuốn “Cuộc cách mạng tài chính số ở Kenya: Nghiên cứu trường hợp M-Pesa” của tác giả Njuguna S. Ndung’u, xuất bản năm 2021, đã nêu 4 bài học lớn từ trường hợp phát triển Fintech tại quốc gia Đông Phi.

Đầu tiên, việc số hóa sẽ thúc đẩy hệ thống thanh toán điện tử bán lẻ bao phủ gần như toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả các dịch vụ của chính phủ, thúc đẩy chính phủ phát triển một hệ sinh thái thanh toán điện tử. Ví dụ, chính M-Pesa, các ứng dụng Mobile Money hoặc các sản phẩm dựa trên kỹ thuật số đã dẫn đến sự sôi động của thị trường tài chính xuyên suốt tất cả các lĩnh vực và cải thiện giao dịch ở mọi cấp độ từ thị trường chính thức đến phi chính thức ở Kenya và khu vực Đông Phi.

Thứ hai, Kenya đã chứng minh rằng số hóa có thể hỗ trợ tài chính toàn diện. Hệ thống thanh toán điện tử bán lẻ được kích hoạt bởi M-Pesa, đã hoạt động như một nền tảng giao dịch đưa những người không có tài khoản ngân hàng vào hệ thống ngân hàng. Nền tảng đã hỗ trợ sự phát triển của thanh toán bán lẻ quốc gia; định vị các ngân hàng như một nền tảng để quản lý các tài khoản vi mô thông qua các sản phẩm tiết kiệm ảo; và kích hoạt sự phát triển của thị trường tín dụng ảo, bảo hiểm vi mô và đầu tư vào chứng khoán chính phủ. Nó cũng hữu ích trong việc theo dõi các luồng lừa đảo nhằm tài khoản cá nhân.

Thứ ba, số hóa đã cho phép các Fintech phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo với các giải pháp hoặc nền tảng thanh toán nằm trong các ngân hàng thương mại. Các sản phẩm như M-Akiba dành cho các nhà đầu tư vi mô vào chứng khoán chính phủ, M-Kopa để cung cấp năng lượng mặt trời, One Acre Fund trong nông nghiệp và nhiều sản phẩm khác đang tạo ra sự khác biệt bên ngoài lĩnh vực tài chính. Khi số hóa bắt nguồn từ tài chính, nó cho phép phát triển và triển khai các mô hình kinh doanh bền vững trên nền tảng kỹ thuật số để hỗ trợ các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Cuối cùng, số hóa hiện đang thúc đẩy các thiết kế chính sách tài khóa, quản lý doanh thu và quản lý tài chính công. Nó giúp giảm rò rỉ trong quản lý doanh thu, nhưng quan trọng hơn, nền tảng thanh toán thuế kỹ thuật số là một sự đổi mới quan trọng để đạt được hiệu quả và tính minh bạch. Thật vậy, các nền tảng kỹ thuật số đã cách mạng hóa cách thức thanh toán của chính phủ.

Xét về kinh nghiệm xây dựng nền tảng tài chính số, trong một bài đăng trên blog của Wolfgang Fengler, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Kenya, vị này có liệt kê những lý do cơ bản dẫn đến sự cất cánh ngoạn mục của M-Pesa tại thị trường Kenya. Đồng thời, ông Fengler cũng cố gắng giải thích tại sao mô hình này lại ít thành công hơn nhiều ở những nơi khác.

Trước tiên, chính các cơ quan quản lý của Kenya đã chắp thêm đôi cánh cho Mobile Money. Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương Kenya đã đóng một vai trò rất tiến bộ và cho phép “quy định tuân theo sự đổi mới”, đồng thời trấn an thị trường về sự giám sát của mình đối với M-Pesa. Thứ hai, nhờ sự hiện diện mạnh mẽ của hai mạng di động hàng đầu Kenya (Vodafone và Safaricom) trên toàn quốc, M-Pesa mới tiếp cận được nhiều người dùng hơn. Giả dụ như ứng dụng này được phát triển bởi một nhà mạng kém nổi tiếng khác, chắc chắn M-Pesa khó mà đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng đến vậy. Thứ ba, các nhà điều hành duy trì được sự cân bằng giữa số lượng đại lý và nhu cầu người dùng, đồng thời tập trung vào cải thiện và phát triển sản phẩm một cách hợp lý. Yếu tố thứ tư, không thể không nhắc tới, chắc chắn là nhu cầu cấp thiết của người dân Kenya về việc chuyển tiền nhanh chóng, tiện dụng và chi phí thấp.

Xét trên các yếu tố này, có thể nhận thấy, việc M-Pesa kém thành công ở một số thị trường như Ấn Độ hay Nam Phi là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lẽ, M-Pesa bắt đầu khi chưa tới 30% người dân Kenya được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, nhưng tỷ lệ này ở Ấn Độ lại là 48% và 46% ở Nam Phi. Hoặc các vấn đề liên quan tới chính sách và cách áp dụng Mobile Money cũng khác biệt, tạo nên những trường hợp ứng dụng M-Pesa rất khác tại nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, làn sóng Fintech hiện đại, từ Mỹ đến Trung Quốc và bây giờ là Kenya, cung cấp một khuôn khổ để đánh giá ai đi trước và ai đi sau trong việc đáp ứng nhu cầu tài chính của người dân. Trong đó, có 2 yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới sự thành lại của các ứng dụng tài chính số, là nhu cầu tiếp cận và nhu cầu tin tưởng của người dân vào một ứng dụng mới. Do đó, việc khai thác và cân bằng được các nhu cầu nêu trên có thể tạo nên thành công cho những ứng dụng đã, đang và sắp được tung ra thị trường.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.