Bất động sản

'Khát' vật liệu, nhiều công trình lo chậm tiến độ

(VNF) - Việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung vật liệu san lấp đang khiến cho nhiều công trình dự án trọng điểm ở các tỉnh miền Trung đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì hợp đồng trọn gói…

'Khát' vật liệu, nhiều công trình lo chậm tiến độ

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc Công ty xây dựng Thành Nhơn tại tỉnh Nghệ An lo lắng, từ giữa năm 2022 đến nay, giá vật liệu san lấp tăng liên tục. Hiện nay, giá các loại vật liệu san lấp như cát đen, đất đồi, đá, cấp phối đá dăm... đều tăng từ 70 - 90%, có loại tăng gấp 2 lần so với đầu năm 2022. Theo ông Nhơn, chưa năm nào việc mua vật liệu san lấp lại khó khăn như thời điểm này. Giá các loại vật liệu đều tăng mạnh, doanh nghiệp đã phải liên hệ, kết nối nhiều doanh nghiệp, chủ mỏ, chủ bến bãi cung ứng vật liệu san lấp nhưng vẫn không bảo đảm được nguồn cung kịp thời cho công trình.

Hiện nay Công ty Cổ phần xây dựng Long Nam đang thi công 2 công trình giao thông trên địa bàn Thị xã Cửa Lò và Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An có nhu cầu cát, đất đồi và cấp phối đá dăm để phục vụ 2 công trình rất lớn nhưng việc tìm nguồn cung gặp nhiều khó khăn.

Chung tâm lý lo lắng để cho công trình kịp tiến độ giải ngân vốn, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc một doanh nghiệp thi công tại tuyến đường Đại lộ Vinh – Cửa Lò (Nghệ An) cũng cho biết, hợp đồng xây dựng đã ký với Ban Quản lý dự án thời gian thi công dự án là 24 tháng. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay gói thầu thuộc dự án này phải hoàn thành để giải ngân vốn. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm, giá tăng cao nên có nhiều thời điểm doanh nghiệp phải thi công cầm chừng, vừa làm vừa chờ vật liệu. Thực tế này khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng, có nguy cơ chậm tiến độ.

Tại Hà Tĩnh, tình trang khan hiếm nguồn đất để san lấp các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, không chỉ các nhà thầu mà chủ đầu tư dự án cũng hết sức sốt ruột, “cầu cứu” lên các cấp để tìm hướng xử lý. Mới đây nhất, Trần Xuân Dũng, một cử tri trú tại phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh đã lên tiếng đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến để UBND tỉnh rà soát, tổ chức triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường để đáp ứng nhu cầu vật liệu của các dự án và của người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo anh Dũng, kế hoạch đấu giá mỏ VLXD (đất, đá) trong 2 năm qua không diễn ra trên địa bàn tỉnh, trong lúc đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã rất nhiều lần tham mưu bằng văn bản để xin ý kiến UBND tỉnh cho phép tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ đối với VLXD đã nằm trong quy hoạch, kế hoạch, tuy nhiên không hiểu sao đến nay vẫn chưa tổ chức đấu giá.

Ông Trần Ngọc Quang, lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Cẩm Xuyên cũng thông tin, ở thời điểm này, trên địa bàn Cẩm Xuyên không có mỏ đất nào còn giấy phép hoạt động, trong khi mỏ cát không có. “100% nhu cầu VLXD thông thường thiếu hụt. Các công trình phải lấy đất san lấp từ các mỏ ở huyện Thạch Hà dẫn đến giá thành tăng cao, đội tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Nguy cơ thiếu đất san lấp, hoặc phải mua đất với giá cao của các dự án thực hiện năm 2023 và các năm tiếp theo là hiện hữu”, lãnh đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện nhận định.

Trước thực trạng khan hiếm VLXD san lấp, một BQLDA đầu tư xây dựng khu vực khu kinh tế (KKT) tỉnh Hà Tĩnh cũng lo lắng, trong năm 2023, ban triển khai đồng loạt 4 dự án và 4 dự án này cần khoảng 2,1 triệu m3 đất san lấp và 785 nghìn m3 cát. Về phần cát, chủ đầu tư và nhà thầu không lo ngại, song đất san lấp k95, k98 hiện phụ thuộc hoàn toàn 2 mỏ Mũi Đòi, phường Kỳ Trinh và Động Ván, phường Hưng Trí, với tổng trữ lượng còn lại trong giấy phép khoảng 2,6 triệu m3.

“Nếu huy động hết công suất của 2 mỏ, khối lượng đất còn thiếu hụt trong năm 2023 lên đến gần 1,2 triệu m3. Nhìn xa hơn, dù trữ lượng trong giấy phép của 2 mỏ còn 2,6 triệu m3 nhưng họ có thể bán đất cho cao tốc Bắc – Nam và các dự án khác, đến lúc đó, khối lượng đất đắp thiếu hụt còn lớn hơn nữa”, lãnh đạo BQLDA đầu tư xây dựng khu vực KKT tỉnh Hà Tĩnh lo ngại.

Tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung vật liệu san lấp công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình, chủ đầu tư và nhà thầu cũng đang phải “than trời”. Chủ đầu tư lẫn doanh nghiệp nhiều lần đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị. Nội dung văn bản gửi cho UBND tỉnh Quảng Trị của các chủ đầu tư cũng như nhà thầu nêu rõ: Để đảm bảo giá vật liệu đất đắp phù hợp với giá thị trường, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, bố trí mỏ đất và công bố giá đất đắp hàng tháng để thuận lợi trong quá trình thực hiện; đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan cần có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến giá đất làm vật liệu san lấp công trình. Trong đó ưu tiên xem xét, sớm công bố giá đất làm vật liệu san lấp công trình để áp dụng thống nhất, nhằm đảm bảo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trình trong thời gian tới…

Từ tháng 8/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 16 mỏ đã được UBND tỉnh này ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác (tháng 8/2022). Tuy nhiên, đến nay chỉ có 8/16 mỏ nộp hồ sơ để thực hiện các thủ tục tiếp theo. Để các mỏ trên được cấp giấy phép khai thác đi vào hoạt động cần nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục liên quan (khoảng 10 tháng, dự kiến nhanh nhất là đến tháng 8/2023 mới có thể đủ điều kiện để khai thác), do đó các mỏ trên chưa thể đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp trong thời điểm hiện tại. Vì vậy, giá vật liệu được tính toán từ nguồn cung tại 16 mỏ nêu trên chỉ mang tính tham khảo, chưa có giá trị pháp lý để áp dụng vào công bố giá cho thời điểm hiện tại…

Ông Nguyễn Văn Tùng, một cán bộ BQLDA tại địa bàn Nghệ An cho rằng hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và các tỉnh miền Trung nói chúng, số lượng mỏ đất, cát được quy hoạch, cấp giấy phép khai thác còn hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế triển khai thực hiện dự án. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm cấp phép bổ sung mỏ vật liệu nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn cung cho các dự án tại địa phương nói chung.

Tin mới lên