Khoản lỗ 802 tỷ và 4 dự án thua lỗ nghìn tỷ trước ngày về 'Siêu uỷ ban' của Vinachem
Hoàng Nhật -
08/10/2018 07:37 (GMT+7)
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) được chuyển giao về “Siêu ủy ban” quản lý 2,3 triệu tỷ với con số lỗ lũy kế hơn 802 tỷ đồng, 4 dự án thua lỗ nghìn tỷ và khoản nợ khó đòi hơn 1.200 tỷ đồng với Đạm Ninh Bình. Đây sẽ là bài toán khó giải của "Siêu uỷ ban" quản lý 2,3 triệu tỷ và chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh khi Vinachem chuyển về.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do ông Nguyễn Hoàng Anh làm Chủ tịch đã chính thức hoạt động từ ngày 1/10/2018. Nhiệm vụ thay mặt Nhà nước giám sát vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh và các đồng nghiệp trong thời gian tới dự kiến sẽ khá nặng nề khi phải quản lý khối tài sản trị giá 2,3 triệu tỷ đồng, tương đương gần 2/3 tổng giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Điều đáng nói, hầu hết những tổng công ty, tập đoàn khi về "Siêu uỷ ban" do ông Nguyễn Hoàng Anh làm chủ tịch đều có những vấn đề.
Đơn cử như Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), đơn vị sở hữu 4 trên tổng số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty CP DAP – Vinachem; Công ty CP DAP số 2 – Vinachem. Không những vậy, bản thân Vinachem cũng có vấn đề.
Lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của công ty mẹ, số lỗ lũy kế của Vinachem đã giảm từ mức hơn 872 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2018 xuống còn 802 tỷ đồng ở thời điểm 30.6.2018 nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế hơn 70 tỷ đồng. Dù vậy, Tập đoàn này đang "ôm" khoản nợ rất lớn.
Cụ thể, nợ phải trả tính tới ngày 30/6/2018 của Vinachem là trên 6.956 tỷ đồng, giảm so với con số trên 7.236 tỷ đồng ở ngày 1/1/2018. Trong đó, nợ ngắn hạn là trên 2.006 tỷ đồng, tăng so với con số 1.313 tỷ đồng. Đáng chú ý trong nợ ngắn hạn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 1.392 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 701 tỷ đồng trước đó nửa năm.
Trong khi nợ ngắn hạn của Vinachem có chiều hướng tăng lên thì nợ dài hạn lại đi theo chiều ngược lại. Cụ thể, nợ dài hạn tính đến thời điểm ngày 30.6 là trên 4.949 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với con số trên 5.923 tỷ đồng. Trong số đó, lớn nhất vẫn là vay và nợ thuê tài chính dài hạn với 4.929 tỷ đồng.
Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), đến 31/12/2017, nợ phải trả của Tập đoàn đã lên tới 38.061,1 tỷ đồng, tăng gần 492 tỷ đồng so với cuối năm 2016.
Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 20.112,8 tỷ đồng, tăng gần 1.750 tỷ đồng (9,53%) so với cùng kỳ năm 2017. Tính tới cuối năm 2017, nợ ngắn hạn của Vinachem đã tương đương 92% tài sản ngắn hạn là 21.756 tỷ đồng.
Trong số nợ ngắn hạn của Vinachem, đáng lo ngại là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng thêm gần 400 tỷ đồng lên 11.437,7 tỷ đồng. Khoản phải trả người bán ngắn hạn cũng tăng thêm gần 700 tỷ đồng, từ 3.989,11 tỷ đồng lên 4.638,95 tỷ đồng. Đồng thời, hai khoản chi phí phải trả ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác của Vinachem cũng tăng gấp 1,5 lần, lên lần lượt 971,57 tỷ đồng và 1.059,01 tỷ đồng.
Số lỗ lũy kế của Vinachem đã giảm từ mức hơn 872 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2018 xuống còn 802 tỷ đồng ở thời điểm 30.6.2018
Về các khoản vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn của Vinachem và các công ty con lên tới 11.437,7 tỷ đồng, không thể không nhắc tới những khoản vay với số tiền khá lớn của một số công ty con được ghi nhận tại ngày 31.12.2017 như khoản vay tín chấp số tiền hơn 1.173 tỷ đồng với lãi suất thả nổi của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Hay khoản vay ngắn hạn với tổng số tiền 593,04 tỷ đồng với Viettinbank và Viecombank theo hình thức thế chấp tài sản.
Hai công ty kể trên đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bết bát. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đại dự án thua lỗ nghìn tỷ Đạm Ninh Bình đến 31/12/2016 có số lỗ luỹ kế 3.197 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỷ đồng. Còn Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc đến hết tháng 6.2017, số lỗ lũy kế của đơn vị 2.035 tỷ đồng.
Theo tính toán, nợ vay và nợ thuê tài chính đã lên đến hơn 28.800 tỷ đồng, gồm nợ vay ngắn hạn hơn 11.437 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 17.395 tỷ đồng. Nợ vay lớn dẫn tới áp lực trả lãi lớn, năm 2017, Vinachem phải trả chi phí lãi tiền vay lên đến hơn 2.105 tỷ đồng.
Khoản nợ xấu 1.200 tỷ tại đạm Ninh Bình
Vinachem hiện đang phải giải quyết vấn đề đầu tư kém hiệu quả. Hàng loạt công ty con và công ty liên kết của Vinachem thua lỗ khiến tập đoàn phải dành tới 5.208 tỷ đồng dự phòng đầu tư tài chính.
Khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi giữa Vinachem và Đạm Ninh Bình đã lên tới hơn 1.228 tỷ đồng
Trong đó, với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là 2.313,7 tỷ đồng, tương đương 100% vốn đầu tư. Đối với Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, con số này là 1.874,7 tỷ đồng. Còn khoản đầu tư vào Công ty CP DAP - Vinachem và Công ty CP DAP số 2 - Vinachem lần lượt được trích lập dự phòng 207 tỷ đồng và 802,5 tỷ đồng.
Điều đáng nói, dù dự án này thua lỗ nhưng năm 2017, Vinachem vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, chủ yếu là cho vay lại (lãi suất 6,5%/năm) để dự án này trả nợ ngân hàng. Dư nợ ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại Vinachem đến cuối năm 2017 đã nâng lên hơn 2.598 tỷ đồng, tăng hơn 850 tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó, con số dự phòng rủi ro cho khoản vay này là 258,28 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoản vay trị giá hàng trăm tỷ đồng từ năm 2016 được hai bên đã phải ký phụ lục để gia hạn, chuyển sang năm 2017, nhưng đến hết năm 2017 số nợ gốc vẫn còn nguyên.
Cụ thể, khoản cho vay 120 tỷ đồng để Đạm Ninh Bình bổ sung vốn lưu động thực hiện tháng 2.2016 đã phải ký phụ lục đến 31/12/2017 là đáo hạn, nhưng số dư khoản vay này đến cuối 2017 vẫn y nguyên 120 tỷ đồng.
Thêm vào đó, Vinachem còn có 10 hợp đồng cho vay với Đạm Ninh Bình. Trong đó có những khoản rất lớn như khoản vay hơn 568 tỷ đồng ký hồi tháng 9/2015, khoản vay 366 tỷ đồng ký hồi tháng 8.2015, khoản vay 248 tỷ đồng ký hồi tháng 2/2016.
Nợ dài hạn của Đạm Ninh Bình với Vinachem trong năm ngoái giảm 441 tỷ đồng, nhưng dư nợ vẫn rất lớn, lên tới 6.726,5 tỷ đồng. Theo ghi nhận của Vinachem, tại dự án này, Tập đoàn có 625,8 tỷ đồng khoản phải thu cho vay bị xếp vào diện “nợ khó đòi” và khả năng chỉ thu hồi được 367,5 tỷ đồng trong số này.
Tới ngày 30/6/2018, khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi giữa Vinachem và Đạm Ninh Bình đã lên tới hơn 1.228 tỷ đồng. Song giá trị thu hồi ước tính chỉ chưa đầy 700 tỷ đồng.
Chuyển động tại 4 dự án thua lỗ nghìn tỷ
Theo báo cáo, rà soát của Bộ Công Thương, tính tới 31.8.2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lợi nhuận ước đạt 147,692 tỷ đồng; Nhà máy đạm Hà Bắc lỗ 203 tỷ đồng, giảm lỗ 210 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ 110,78 tỷ đồng, giảm lỗ 324,82 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình lỗ 701,845 tỷ đồng.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Tổ Công tác số 3 và Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII diễn ra ngày 7.8.2018
Với riêng Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình. Đây là dự án đã được bàn giao đi vào vận hành sản xuất thương mại từ tháng 9.2012. Đến tháng 7.2016, nhà máy đã dừng sản xuất do thua lỗ kéo dài và không còn đủ vốn lưu động. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, nhà máy chưa vận hành ổn định và còn một số thông số kỹ thuật chưa đạt.
Đến nay, Bộ Tài chính đã xử lý giãn mức trích khấu hao từ năm 2017 – 2019 cho Dự án, ước tính mỗi năm, tùy theo công suất thực hiện, có thể giảm áp lực về tài chính từ 60 - 402 tỷ đồng/năm.
Còn Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các NHTM điều chỉnh lãi suất vay theo hướng giảm biên độ lãi suất để giảm bớt chi phí tài chính cho các dự án trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục duy trì hạn mức vốn lưu động đảm bảo đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, thời gian chạy máy của Đạm Ninh Bình là 108,7 ngày (tạm dừng 7 lần do sự cố) và đang vận hành ổn định đạt 80% công suất. Sản xuất 8 tháng đầu năm đạt 124,1 nghìn tấn urê.
Doanh thu đạt 773 tỷ đồng, lỗ 701,8 tỷ đồng, tăng hơn 144,8 tỷ đồng so với cùng kỳ do phát sinh một số khoản mục làm tăng chi phí như nợ quá hạn, khấu hao TSCĐ, sửa chữa lớn trích tăng 24 tỷ đồng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.