Khu Công nghệ cao TP. HCM kiến nghị tái lập cơ chế một cửa trong cấp phép đầu tư

Trần Lê - 19/10/2022 07:32 (GMT+7)

(VNF) - Sau 20 năm hình thành và phát triển đến nay, Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP) có 163 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD, trong đó 51 dự án FDI với tổng vốn hơn 10,1 tỷ USD, và 111 dự án trong nước với gần 2 tỷ USD.

VNF
Khu Công nghệ cao TP. HCM (ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, sau 20 năm thành lập và đi vào hoạt động, SHTP dần hình thành một Trung tâm công nghệ cao quốc gia, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn 12 tỷ USD, trong đó có 10 tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài (FDI).

Các tập đoàn sản xuất hàng đầu thế giới như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật)… và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam như FPT đều đang có nhà xưởng sản xuất tại SHTP.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của SHTP đạt 20,9 tỷ USD, chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu thành phố, dự kiến sẽ đạt 23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022.

Đến hết năm 2021, tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của SHTP ước đạt hơn 120.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ với 85 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng trình độ công nghệ đều ở mức cao, quy mô sản xuất và giá trị sản phẩm xuất khẩu lớn và tăng nhanh qua từng năm...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong SHTP gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, thậm chí gây tổn thất về tài chính.

Cụ thể, giai đoạn 15 năm đầu SHTP hoạt động, cơ chế một cửa đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư các dự án. Phần lớn các thủ tục hành chính để thực hiện một dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Ban quản lý nên thời gian triển khai dự án nhanh.

Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, sự ra đời các văn bản pháp luật liên ngành, thẩm quyền giải quyết thủ tục được đưa về các sở ngành chuyên môn. Thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ tục quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc...

Trước đây, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng cho các thủ tục, nhưng nay họ phải mất 2 năm mới hoàn thành và triển khai xây dựng dự án. Theo đó, thủ tục hành chính lâu sẽ khiến công nghệ mất đi tính đột phá, giảm hiệu quả đầu tư.

Ban Quản lý SHTP đã kiến nghị chính quyền thành phố tái lập cơ chế một cửa, cải thiện môi trường đầu tư tại khu công nghệ cao, giải quyết các thủ tục nhanh, hiệu quả hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác